Bắt quả tang, tạm giữ hình sự 2 đối tượng làm giả biển số xe và nhiều loại giấy tờ quan trọng
Khám xét một căn nhà ở Đồng Nai, lực lượng CSHS Bộ Công an phát hiện nhiều biển số xe và các loại giấy tờ giả mạo như sổ đỏ, giấy đăng ký xe, bằng đại học, thẻ nhà báo,…
Khoảng 16h ngày 25/8, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an phối hợp với Công an Đồng Nai kiểm tra căn nhà (không có số) của đối tượng Nguyễn Trọng Dương (sinh năm 1989, quê huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) tại khu phố Tân Mai 2, phường Phước Tân (TP Biên Hòa) và phát hiện tại đây đang có hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu, bằng cấp, con dấu giả.
Khi lực lượng Công an ập vào, Dương đang làm giả nhiều giấy chứng nhận xe mô tô, ô tô trên máy tính và Nguyễn Văn Đạt (sinh năm 1998, quê huyện Đạ Tẻ, tỉnh Lâm Đồng) đang thiết kế mộc con dấu trên máy tính bàn.
Tiến hành khám xét tại căn nhà này, Công an phát hiện và thu giữ 1 máy dập biển số xe, 1 mô tô điện ép thủy lực để ép biển số xe, 1 máy đổ keo, 1 máy dập con dấu chìm, 2 cái dập đầu biển số xe, máy sơn biển số và hàng chục biển số xe ô tô, mô tô.
Dụng cụ dập biển số giả. (Ảnh: CAND)
Nhiều máy móc hiện đại phục vụ cho việc làm giả giấy tờ, tài liệu bằng cấp cũng bị thu giữ.
Đây là những dụng cụ để làm giả các loại giấy tờ tài liệu như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), bằng tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng; thẻ nhà báo; giấy chứng nhận đăng ký xe; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hộ khẩu, chứng minh, phôi bằng giả, tem giả...
Đến 23h cùng ngày, việc khám xét nơi ở của các đối tượng đã hoàn tất.
Sau khi lập biên bản phạm tội quả tang, Công an đã tạm giữ hình sự hai đối tượng Nguyễn Trọng Dương và Nguyễn Văn Đạt; đồng thời thu giữ toàn bộ tang vật gồm: 4 xe ô tô, 2 xe máy, cùng máy móc, trang thiết bị phục vụ làm giả giấy tờ, tài liệu, bằng cấp, biển số xe và các giấy tờ tài liệu liên quan... đưa về Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an để phục vụ công tác điều tra, mở rộng vụ án.
Theo Thượng tá Lại Quang Huấn, Phó trưởng Phòng 6 - Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), đây là đường dây làm giả tài liệu, con dấu, bằng cấp chứng chỉ, biển số xe có quy mô lớn.
Các đối tượng trong đường dây thường xuyên thay đổi nơi hoạt động. Trong đó đối tượng Nguyễn Trọng Dương (ngụ tại phường Long Bình, TP Biên Hòa) về mua đất xây nhà tại phường Phước Tân từ tháng 5/2020 trong một hẻm nhỏ. Nhà mà các đối tượng ở để thực hiện hành vi làm giả giấy tờ tài liệu con dấu, biển số xe giả được chúng xây tường bao xung quanh rất cao và luôn kín cổng cao tường. Các đối tượng ra vào ngôi nhà này cũng không thường xuyên, chỉ ra khỏi nhà khi có việc cần hoặc giao “hàng giả” cho những người có nhu cầu mua.
Để làm được các giấy tờ tài liệu trên, các đối tượng không chỉ thành thạo về công nghệ thông tin mà còn đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại tinh vi, tự học hỏi sử dụng thành thạo để tạo ra các sản phẩm “hàng giả” giống như thật để bán.
Làm việc với cơ quan công an, bước đầu 2 đối tượng khai nhận đã thực hiện hành vi này từ đầu năm 2020 đến nay. Chúng đã bán nhiều bằng cấp giấy tờ, biển số xe giả đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước; hưởng lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.
Nguyễn Văn Đạt còn khai được Dương thuê làm với mức lương trung bình mỗi tháng khoảng 14 triệu đồng.
Với công nghệ làm giả “thần tốc” như hiện nay, một tín chỉ, bằng lái xe, bằng cao đẳng, đại học làm giả chỉ mất trong vài ngày, thậm chí người mua buổi sáng đặt cọc tiền, chiều có thể nhận sản phẩm rồi đi xin việc làm, hoặc bổ sung cho đơn vị đang công tác.
Chỉ cần gõ dòng chữ “cần mua bằng giả” trên google là xuất hiện hàng loạt tên và số liên lạc người bán. Người mua có vô số lựa chọn và “kì kèo bớt một thêm hai” về số tiền bỏ ra mua bằng. Người mua kẻ bán diễn ra công khai, nhộn nhịp. Chỉ cần gọi điện, nhắn tin là được giao bằng tận nơi.
Theo luật sư Đoàn Việt Thắng, Công ty Luật Quyết Thắng, hành vi làm giả bằng cấp diễn ra phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, hình phạt cho hành vi này chưa đảm bảo tính răn đe. Theo quy định tại Điều 267 Bộ luật Hình sự về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận