Bất ngờ với sự lao dốc của sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp đi xuống trong tháng 11 với sự suy giảm cộng hưởng của cả ngành khai khoáng và công nghiệp chế biến chế tạo là điều bất ngờ trong bối cảnh không có biến động lớn về cầu trong nước và thế giới. Đây là diễn biến cần theo dõi và phân tích.
Bất ngờ sản xuất công nghiệp
Trong tháng 11, chỉ số sản xuất công nghiệp bất ngờ giảm 1,6% so với tháng 10, khiến tăng trưởng của ngành này giảm mạnh xuống 5,4%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trung bình 9,6% trong 10 tháng đầu năm.
Tuy vậy, tính lũy kế 11 tháng đầu năm thì chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn tăng 9,3%, thấp hơn so với mức tăng 10,1% của cùng kỳ năm ngoái.
So với tháng 10, ngành khai khoáng trong tháng 11 sụt giảm đến 5,3%, trong đó khai thác than giảm 8% và khai thác dầu khí giảm 6,4%.
Bên cạnh ngành khai khoáng thì ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng giảm 1,1% trong tháng 11, kéo mức tăng trong 11 tháng chỉ còn 6,5% (so với mức trung bình 11% của 10 tháng đầu năm). Đáng chú ý, đà tăng chậm diễn ra ở hầu hết các nhóm hàng, riêng nhóm điện tử, máy vi tính và quang học thậm chí còn giảm 3,3% so với tháng 10.
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), chỉ số sản xuất công nghiệp đi xuống trong tháng 11 với sự suy giảm cộng hưởng của cả ngành khai khoáng và công nghiệp chế biến chế tạo là điều bất ngờ trong bối cảnh không có biến động lớn về cầu trong nước và thế giới. Đây là tín hiệu cần quan sát thêm nhưng có thể kỳ vọng đây chỉ là biến động mang tính nhất thời và sản xuất công nghiệp nhiều khả năng sẽ phục hồi trở lại trong tháng 12.
Về cầu tiêu dùng trong nước, doanh số bán lẻ trong tháng 11-2019 ước tính tăng 0,8% so với tháng 10 và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2018. Tính chung 11 tháng đầu năm, doanh số bán lẻ tăng 12,1% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, mức tăng lũy kế đang có xu hướng chậm lại kể từ tháng 5-2019 (tăng 13%) dù chưa nhiều. Đây là một tín hiệu cần theo dõi vì nó có thể cho thấy cầu tiêu dùng đang có xu hướng yếu đi so với giai đoạn trước.
Về cơ cấu, doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm tỷ trọng 76%, tăng 12,7% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống chiếm 12% và tăng 9,6%; doanh thu dịch vụ lữ hành chiếm 1% và tăng 12,2%; còn lại doanh thu khác chiếm 11% và tăng 8,1%. Diễn biến trên cho thấy cầu tiêu dùng trong nước đóng vai trò quan trọng trong việc nâng đỡ tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm nay, bù đắp cho sự tăng trưởng chậm lại của xuất khẩu.
Về phương diện lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11-2019 tăng 0,96% so với tháng trước và tăng 3,78% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ hai liên tiếp CPI có mức tăng mạnh. Có 9 trong 11 nhóm hàng tăng giá trong tháng vừa qua, trong đó hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất (2,74%), riêng giá nhóm hàng thịt heo tăng 18,5% (tác động khiến CPI chung tăng 0,78%).
Như vậy 80% mức tăng của CPI trong tháng 11 là do giá nhóm hàng thịt heo. Giải pháp cấp bách được Chính phủ đưa ra là nhập khẩu 200.000 tấn thịt heo để bổ sung nguồn cung. Tuy vậy, chất lượng các số liệu thống kê có thể dẫn đến việc tính toán số lượng thiếu hụt nguồn cung thực tế vượt con số 200.000 tấn nêu trên. Do vậy, vẫn có khả năng giá thịt heo mặc dù không tăng tiếp với biên độ mạnh như tháng 11 nhưng sẽ vẫn tiếp tục neo ở mức cao trong tháng 12.
Giải ngân vốn đầu tư tăng tốc
Về các nguồn vốn đầu tư, lũy kế 11 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký giảm 11,2%; vốn FDI thực hiện tăng 6,8% so với cùng kỳ trong khi vốn góp mua cổ phần tăng 47,1%. Mặc dù vốn FDI đăng ký (bao gồm đăng ký mới và điều chỉnh vốn) vẫn đang giảm so với cùng kỳ nhưng mức giảm trong tháng 11 (-11,2%) đã được thu hẹp đáng kể so với mức giảm trong quí 2 (-35%).
Ngoài ra, số lượng dự án đăng ký mới trong 11 tháng đầu năm nay lại tăng 28%. Diễn biến này cho thấy các dự án đăng ký mới trong năm nay có quy mô vốn trung bình thấp hơn năm ngoái.
Về đầu tư công, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong tháng 11 tăng khá mạnh so với tháng 10 (+9,8%). Diễn biến này không bất ngờ khi quí 4 thường là thời điểm vốn đầu tư công được giải ngân mạnh nhằm hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch. Sự cải thiện về tốc độ giải ngân trong tháng 11 giúp mức tăng lũy kế 11 tháng đầu năm của vốn đầu tư từ ngân sách đạt 5,1%, bằng 78,6% kế hoạch năm.
Tuy vậy, đây vẫn là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Cũng theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, dự báo vốn đầu tư công sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong tháng 12 nhưng nhiều khả năng vẫn sẽ không hoàn thành kế hoạch cả năm do mức thực hiện của 11 tháng đầu năm thấp.
Thanh khoản ngân hàng có biến động
Một điểm nổi bật khác của kinh tế vĩ mô tháng 11 là thanh khoản hệ thống ngân hàng có biến động khá mạnh. Trong hai tuần đầu tháng, lãi suất liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức thấp, dưới 2%/năm ở tất cả các kỳ hạn dưới một tháng. Tuy nhiên, trong hai tuần cuối tháng 11, lãi suất liên ngân hàng đã bật tăng mạnh, cao nhất lên mức 4,5%/năm trong phiên ngày 26-11-2019 trước khi hạ nhiệt về quanh mức 3,5%/năm trong các phiên gần đây.
Việc thanh khoản hệ thống trở nên eo hẹp, biểu hiện qua việc lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức cao, có thể xuất phát từ một số nguyên nhân như: quyết định giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới sáu tháng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN); yếu tố mùa vụ cuối năm; giải ngân vốn đầu tư công cải thiện và đặc biệt là chủ trương rút tiền của Kho bạc Nhà nước gửi tại hệ thống ngân hàng thương mại về tài khoản tổng của NHNN theo Thông tư 58/2019/TT-BTC bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1-11-2019.
Do thanh khoản thiếu hụt, NHNN đã tăng cường bơm ròng vốn qua nghiệp vụ thị trường mở. Trong tuần cuối tháng 11, NHNN đã bơm ròng 25.000 tỉ đồng ra thị trường. Dự báo lãi suất liên ngân hàng trong tháng 12 có thể sẽ duy trì ở mặt bằng cao hơn so với trung bình 10 tháng đầu năm.
Tháng 12 cũng là tháng tăng tốc của tăng trưởng tín dụng và giải ngân đầu tư công nên nguồn tiền trong hệ thống nhiều khả năng không còn quá dồi dào. Trên cơ sở đó, hoạt động bơm ròng vốn của NHNN sẽ tiếp tục được thực hiện trong những giai đoạn thanh khoản hệ thống eo hẹp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận