Bất ngờ nhận lời tới thăm Philippines, ẩn ý của Tổng thống Nga Putin là gì?
Việc Tổng thống Putin bất ngờ nhận lời mời tới thăm Manila khiến các chuyên gia nghi ngờ Nga muốn cạnh tranh tầm ảnh hưởng với Trung Quốc và Mỹ ở Philippines.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), chia sẻ với các phóng viên hôm 26/10, đại sứ Nga tại Philippines Igor Khovaev cho biết, Tổng thống Vladimir Putin đã chấp nhận lời mời tới thăm Manila của Tổng thống Rodrigo Duterte với “sự cảm ơn”.
Dù thời gian thực hiện chuyến thăm tới Manila của Tổng thống Putin chưa được ấn định, nhưng theo ông Khovaev, Moscow sẽ “nỗ lực hết sức để sắp xếp chuyến thăm vào thời gian sớm nhất có thể”.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, khoảng thời gian Nga thông báo ông Putin nhận lời mời tới thăm Philippines lại có sự trùng hợp đặc biệt. Bởi nó diễn ra ngay trước thềm Trung Quốc và Philippines tiến hành các cuộc thảo luận song phương về hoạt động liên doanh để thăm dò và khai thác khí đốt trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.
Cụ thể, một ủy ban chung gồm các đại diện đến từ Trung Quốc và Philippines dự định tổ chức cuộc họp trong tuần này để bàn về vấn đề cùng khai thác khí đốt ở EEZ của Philippines trên Biển Đông.
Theo Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Duterte, ông Hermogenes Esperon, Trung Quốc đã đề xuất phân chia tỷ lệ 60: 40 mà trong đó Philippines được phần hơn. Tuy nhiên, cho tới nay, thông tin chi tiết về tỷ lệ chia 60:40 mà ông Esperon nhắc tới liên quan tới lợi nhuận hay cổ phần vẫn chưa được phía Manila và Bắc Kinh công bố.
Sau cuộc gặp với Tổng thống Philippines Duterte hồi tháng Tám, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cho biết hai nước có thể “tiến một bước xa hơn” trong hoạt động cùng khai thác các nguồn tài nguyên và khí đốt nếu như hai bên có thể giải quyết thỏa đáng vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Song theo các nhà phân tích quốc phòng và an ninh, Tổng thống Philippines đã tham gia vào một “trò chơi nguy hiểm”. Nguyên nhân là do nhân chuyến thăm tới Nga hồi tháng Chín, ông Duterte đã mời công ty dầu khí quốc gia Nga Rosneft tham gia cùng khai thác khí đốt trong EEZ của Philippines.
“Đây là một diễn biến mang tính lịch sử và đáng hoan nghênh”, đại sứ Philippines đã nghỉ hưu Lauro Baja cho hay.
Theo ông Baja, chưa một Tổng thống Nga nào tới thăm Philippines trong suốt khoảng thời gian hơn 40 năm ông này công tác ở Bộ Ngoại giao Philippines.
“Philippines từng không được Nga quan tâm, nhưng giờ Nga đã nhận ra được tầm quan trọng chiến lược của Philippines về mặt chính trị khu vực”, ông Baja nói.
Cũng theo ông Baja, Moscow cũng biết rằng Trung Quốc đã để mắt tới Philippines và có thể triển khai một số dự án tại quốc gia này.
“Về cái gọi là đồng minh, Trung Quốc và Nga vẫn là những đối thủ cạnh tranh gay gắt về tầm ảnh hưởng và lợi ích. Tôi cho rằng, Nga có vài ý tưởng như bán vũ khí và thúc đẩy các thỏa thuận kỹ thuật. Đây là những diễn biến tuyệt vời nhưng vẫn còn quá sớm để nói được điều gì. Nhưng tính tới thời điểm này, Tổng thống Duterte đã gửi lời mời và Tổng thống Putin đã chấp nhận”, ông Baja chia sẻ.
Còn theo ông Greg Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạnh hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington, Mỹ cũng sẽ giám sát những diễn biến liên quan tới Philippines.
“Nga đang gấp rút tăng cường tầm ảnh hưởng trong khu vực và không còn nghi ngờ gì nữa việc hợp tác với một đồng minh lâu năm của Mỹ là Philippines được coi là phần thưởng đối với Moscow. Không có gì có thể ngăn Philippines tiến tới hợp tác an ninh với Nga”, ông Poling nhận định.
Ông Poling cho rằng, Mỹ sẽ tỏ ra quan ngại nếu mối quan hệ hợp tác giữa Nga và Philippines liên quan tới các nền tảng quân sự bởi nó sẽ đối lập với nền tảng và học thuyết chung mà Mỹ và Philippines hay những đối tác an ninh lớn của Washington là Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc sử dụng.
“Mỹ sẽ lo ngại về việc bất cứ thương vụ hay hợp tác nào giữa Nga và Philippines đe dọa tới an ninh thông tin và hợp tác tình báo giữa Mỹ và Philippines. Và cuối cùng, nếu Philippines mua vũ khí của Nga, Mỹ sẽ phải áp đặt lệnh trừng phạt với Manila”, ông Poling cho hay.
Hồi tuần trước, Moscow đã đề nghị giúp Philippines tự sản xuất vũ khí phục vụ lực lượng quốc gia và xuất khẩu bằng chính công nghệ của Nga.
Theo ông Max Montero, nhà tham vấn an ninh người Philippines ở Australia cho hay, đề xuất của Nga giống như “cú đánh mạnh vào Mỹ”.
“Thử tưởng tượng một đồng minh lâu năm và vững mạnh của Mỹ lại trở thành một trung tâm sản xuất vũ khí của Nga. Điều này càng xấu hơn, nếu các lực lượng vũ trang Philippines mua vũ khí của Nga”, ông Montero nói.
Cũng theo ông Montero, “làm suy yếu liên minh của Mỹ ở châu Á sẽ mang lại lợi ích cho Nga bởi Mỹ hiện là một trong những đối thủ lớn cạnh tranh doanh số bán vũ khí và địa chính trị với Nga”,
Ngoài ra, theo ông Montero, Philippines sẽ được hưởng lợi từ thỏa thuận với Nga bởi Manila đang “lạc hậu về công nghệ quốc phòng”.
Ông Montero cũng nhấn mạnh, việc các lực lượng vũ trang Philippines tiếp tục mua vũ khí của Mỹ và tiếp nhận các vũ khí Mỹ như một khoản trợ cấp thì khả năng vũ khí Nga vẫn “chưa có cửa” ở Philippines.
Trong khi đó, hợp tác hải quân cũng đang là một trong những lĩnh vực được Nga và Philippines chú trọng. Cụ thể, hồi tháng Ba, Moscow và Manila đã thảo luận ký kết một thỏa thuận hải quân mới và các chiến hạm của hai nước cũng đã tới thăm nhau trong năm nay.
Trong đó, các tàu hải quân Philippines đã thực hiện chuyến thăm lần đầu tiên tới Nga hồi tháng 10, còn 3 tàu của Nga cũng đã hạ neo ở Philippines trong chuyến thăm hồi tháng Một.
Nga hiện là nhà cung cấp vũ khí số 1 của khu vực Đông Nam Á và là nhà xuất khẩu vũ khí thứ 2 trên thế giới chỉ sau Mỹ. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Đông Nam Á đã mua số vũ khí trị giá 6,6 tỷ USD của Nga trong năm 2010 – 2017. Con số này chiếm hơn 12% doanh thu bán vũ khí của Nga.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận