“Bắt mạch” rủi ro trái phiếu doanh nghiệp
TS. Nguyễn Đức Độ - Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính cũng chỉ ra, đang có sự mất cân đối thông tin giữa nhà phát hành và nhà đầu tư. Trong khi các doanh nghiệp phát hành có nhiều thông tin hơn, nhưng không công bố và minh bạch
Hấp dẫn, nhưng nhiều rủi ro
Theo các chuyên gia, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang tỏ rõ được sức hấp dẫn khi quy mô ngày càng lớn. Dữ liệu công bố mới nhất của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2021, có 376 đợt phát hành TPDN trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 235.094 tỷ đồng, tăng gần 31% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý là thị trường TPDN đang thu hút ngày càng đông các nhà đầu tư cá nhân. Phát biểu tại Tọa đàm “Phát triển thị trường TPDN: Cân bằng lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư”, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia cho biết, các nhà đầu tư cá nhân cũng đang trở thành một nhóm đầu tư quan trọng. Cụ thể, tỷ trọng mua TPDN của các TCTD giảm từ 35% năm 2018 xuống 17,4% năm 2019 và lên 25% trong nửa đầu năm 2021. Trong khi đó, tỷ trọng mua của các công ty chứng khoán luôn duy trì ở mức cao, 39,4% năm 2018; 44,1% năm 2019 và 44,4% nửa đầu năm 2021.
Tuy nhiên thị trường TPDN cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt đối với các nhà đầu tư cá nhân. Rủi ro càng thêm lớn khi trừ các trái phiếu ngân hàng và định chế tài chính khác hầu hết là có tài sản đảm bảo, các TPDN còn lại được phát hành trong 6 tháng đầu năm 2021 có tới 28% TPDN là không có tài sản đảm bảo.
Bộ Tài chính cũng đã nhiều lần cảnh báo về vấn đề này. Theo ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ.
Tuy nhiên, trường hợp doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn trái phiếu, lãi suất cao, nhưng sử dụng vốn không hiệu quả hoặc tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, hoặc lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động gặp khó khăn, dẫn đến việc doanh nghiệp không hoàn trả được gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư sẽ gây bất ổn cho thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường tài chính nói chung.
Bởi vậy pháp luật đã quy định nhà đầu tư tự đánh giá rủi ro và tự chịu trách nhiệm về việc mua TPDN. Đặc biệt, pháp luật quy định chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng được mua và giao dịch TPDN riêng lẻ để bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, không có kinh nghiệm, khả năng phân tích, đánh giá các rủi ro khi mua.
Không nên ham lãi suất cao
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, việc nhiều nhà phát hành TPDN không có tài sản đảm bảo sẽ dẫn đến tình trạng nhà đầu tư không biết được liệu nhà phát hành có đảm bảo được khả năng trả nợ hay không. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cá nhân là bộ phận không có khả năng tiếp cận với các báo cáo tài chính thường xuyên, cũng không phân tích được các chỉ số vốn để có thể đảm bảo khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Chính vì vậy tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của các công ty.
Ông Hiếu cho biết, trong thời gian qua có một số doanh nghiệp đảm bảo bằng cổ phiếu. Tuy nhiên việc này cũng có rủi ro. Trên lý thuyết, nếu giá cổ phiếu trên thị trường cao thì nhà đầu tư có thể lấy lại tiền, nhưng trên thực tế nếu một doanh nghiệp mất khả năng trả nợ thì giá chứng khoán sẽ giảm rất sâu, thậm chí không còn giá trị. Chính vì vậy, vị chuyên gia này khuyến nghị nhà đầu tư hãy cẩn trọng trong trường hợp nhà phát hành đảm bảo bằng cổ phiếu.
TS. Nguyễn Đức Độ - Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính cũng chỉ ra, đang có sự mất cân đối thông tin giữa nhà phát hành và nhà đầu tư. Trong khi các doanh nghiệp phát hành có nhiều thông tin hơn, nhưng không công bố và minh bạch với người mua, dẫn đến tình trạng có nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường, nhưng vì hạn chế thông tin đã xảy ra một số rủi ro.
Trước tình trạng này, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 03 nghị định quy định về chào bán và giao dịch trái phiếu riêng lẻ, chào bán trái phiếu phát hành ra công chúng và nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán để tạo ra khung pháp lý thống nhất về TPDN. Bộ cũng đã ban hành Thông tư số 122/2020 hướng dẫn chế độ công bố thông tin, báo cáo đối với TPDN…
Theo TS. Nguyễn Đức Độ, việc siết chặt thông tin sẽ có sự đánh đổi trong ngắn hạn khi nhiều doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu sẽ không được tham gia thị trường nhưng lại có tác động tích cực trong dài hạn khi quản lý rủi ro tốt hơn trên thị trường, khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư cá nhân không cao nên nếu đảm bảo được quyền lợi thì các nhà đầu tư này sẽ tham gia lâu dài.
Bổ sung thêm về rủi ro trên thị trường TPDN, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch HĐQT Fiin Ratings nhấn mạnh, tuy thị trường TPDN đã cho thấy được tầm quan trọng trong việc chia sẻ gánh nặng lo vốn cho nền kinh tế của hệ thống ngân hàng thời gian qua. Nhưng hiện thị trường này đang “vàng thau lẫn lộn”. Vì vậy các nhà đầu tư không nên chạy theo lãi suất cao mà đầu tư theo phong trào, quên đi khả năng trả nợ và lãi theo đúng cam kết của doanh nghiệp.
Nhấn mạnh công cụ xếp hạng tín nhiệm rất quan trọng để phát triển thị trường TPDN, vì vậy TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị, cần quy định bắt buộc các tổ chức phát hành trái phiếu phải có xếp hạng tín nhiệm, đây là “chìa khóa” để có thể hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư.
Dù có nhiều điểm sáng tối đan xen, tuy nhiên theo TS. Cấn Văn Lực, tiềm năng phát triển của thị trường TPDN rất lớn, có nhiều cơ hội cho nhà đầu tư chấp nhận rủi ro. Chính vì vậy, chuyên gia này đề xuất giải pháp chia thị trường thành nhiều phân khúc, trong đó có phân khúc dành riêng cho các nhà đầu tư mạo hiểm, đây sẽ là giải pháp quan trọng để phát triển thị trường TPDN trong thời gian tới.
Trong cảnh báo mới đây, Bộ Tài chính khuyến nghị, đối với các doanh nghiệp phát hành, việc phát hành trái phiếu phải gắn với dòng tiền và tính khả thi của phương án sản xuất kinh doanh, năng lực tài chính của doanh nghiệp, đảm bảo khả năng trả các khoản nợ đến hạn, trong đó có trả nợ lãi, gốc trái phiếu. Đồng thời phải công bố công khai thông tin cho nhà đầu tư về tình hình tài chính, phương án sản xuất kinh doanh, điều kiện, điều khoản của trái phiếu, các cam kết kèm theo trái phiếu, sử dụng vốn đúng mục đích nêu trong phương án phát hành và định kỳ có báo cáo về tình hình tài chính, tình hình sử dụng vốn. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận