“Bắt mạch” chứng khoán cuối năm 2020
Với tín hiệu kinh tế vĩ mô tích cực, cùng dòng tiền nội dồi dào…, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tích cực cuối năm 2020.
Cộng đồng quốc tế chứng kiến TTCK Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng rất tốt giai đoạn quý II và quý III/2020. Theo đó, VN-Index đã tăng mạnh từ vùng 650 điểm lên tới hơn 1.000 điểm.
Tín hiệu vĩ mô tích cực
Kinh tế vĩ mô đã đi qua vùng trũng của năm và đã phát đi những tín hiệu khả quan trong các tháng cuối năm nay, như GDP quý III đạt 2,62%, các hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh kèm theo tín hiệu hồi phục của 3 nhóm ngành công nghiệp và xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản, dịch vụ. Tăng trưởng khu vực dịch vụ hồi phục mạnh trong quý III tập trung ở ngành bán buôn, bán lẻ và tài chính ngân hàng. Hoạt động đầu tư công cũng là điểm sáng trong 10 tháng đầu năm nay.
Ngoài ra, cùng với xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ và hỗ trợ tài khóa trên thế giới, NHNN cũng đã điều chỉnh lãi suất điều hành lần thứ 3 trong năm nay với mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Tình trạng thanh khoản dồi dào trong hệ thống ngân hàng cũng giúp nền kinh tế còn nhiều dư địa phát triển. Nhìn toàn cảnh, TTCK sẽ được hưởng lợi và có xu hướng tăng tốt giai đoạn cuối quý IV/2020.
Lực đầy từ dòng vốn nội
Trong quý III/2020, cả VN-Index và HNX-Index đều chứng kiến mức tăng ấn tượng cả về mặt điểm số lẫn thanh khoản. Cụ thể, VN-Index tăng 9,71%, còn HNX- Index tăng 21,11% so với cuối quý II/2020. Thanh khoản trung bình tính riêng trên sàn HSX từ tháng 9 đến nay khoảng 6.500-7.000 tỷ đồng. Dòng tiền khối nội đang tăng mạnh với sự tham gia của thế hệ nhà đầu tư F0. Do đó, VN-Index sẽ còn tăng cao hơn nữa vào cuối năm 2020.
Trong khi đó, khối ngoại lại liên tục bán ra. Nếu không tính các giao dịch thỏa thuận lớn cổ phiếu VHM trên thị trường, thì khối ngoại bán ròng liên tiếp kể từ tháng 2 đến nay. Cụ thể, tính riêng trong tuần đầu đầu tiên tháng 11, khối ngoại bán gần 2.000 tỷ đồng tập trung ở các mã như MSN, HPG, VHM, VRE… Tuy nhiên, việc khối ngoại bán ròng không quá lo ngại nếu chúng ta bóc tách dòng tiền tham gia vào thị trường giai đoạn hiện tại.
Nhóm ngành đáng chú ý
Theo thống kê kết quả kinh doanh của các nhóm ngành theo phân cấp ICB cấp 2, thì nhóm doanh nghiệp ngành hóa chất, phân bón có kết quả kinh doanh tốt nhất, tiếp đến là các nhóm ngành thép, tài nguyên cơ bản, công nghệ, giấy công nghiệp, thủy sản, dệt may… Tất cả những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt trong 10 tháng đầu năm 2020 đều có mức tăng giá ấn tượng. Nhà đầu tư vẫn có xu hướng tìm kiếm những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt hoặc chí ít là có dòng tiền, thanh khoản cao. Hiện tượng đầu cơ ngắn hạn cũng như hoạt động đầu tư giá trị vẫn sẽ rất sôi động trong các tháng cuối năm nay. Các cổ phiếu mạnh đang là tâm điểm thu hút các nhà đầu tư gồm HPG, MSN, TCB, DHC, HSG, TCM, DRC.
Trong khi đó, điều mà các nhà đầu tư thế giới cũng như nhà đầu tư Việt Nam quan tâm hiện nay đó là chính sách mà chính quyền tân Tổng thống sẽ áp dụng trong thời gian tới, sẽ tác động như thế nào đến kinh tế Mỹ và xa hơn nữa là ảnh hưởng thế nào đến triển vọng kinh tế Việt Nam?. Nếu ông Biden chính thức lên nắm quyền Tổng thống Mỹ, chắc chắn sẽ có một chính sách ôn hòa hơn. Theo đó, nhiều khả năng Mỹ sẽ quay lại đàm phán tham gia Hiệp định CPTPP. Theo đó, các sản phẩm xuất khẩu được coi là thế mạnh của Việt Nam hứa hẹn sẽ bước sang giai đoạn tăng trưởng mới. Các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, da giầy, logistics, hạ tầng, xây dựng dân dụng… sẽ có nhiều triển vọng tăng trưởng mới. Cơ hội đầu tư vào các nhóm ngành nghề này sẽ tốt hơn trong giai đoạn cuối năm nay, đặc biệt trong nửa đầu năm 2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận