Bất động sản thời COVID-19: Nguồn cung thấp, giá vẫn cao ngất
Giữa quý 2/2021, làn sóng COVID-19 thứ 4 bất ngờ bùng phát mạnh mẽ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, khiến thị trường bất động sản lâm vào thế khó. Hầu hết nguồn cung tại nhiều địa phương đều thấp kỷ lục nhưng giá bán lại tăng mạnh.
Nguồn cung thấp nhất trong 5 năm qua
Báo cáo tình hình hoạt động của thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm, Sở Xây dựng TPHCM cho biết, chỉ 14 dự xác định đủ điều kiện huy động vốn sản phẩm hình thành trong tương lai với 14 . Tổng số sản phẩm hơn 11.900 với hơn 1,2 triệu m2 sàn, chủ yếu là căn hộ chung cư, chỉ có 910 căn nhà ở thấp tầng. Đáng chú ý, căn hộ bình dân (giá dưới 20 triệu đồng/m2) không xuất hiện căn nào trong 6 tháng đầu năm 2021.
Trong khi đó, Savills Việt Nam cho biết, nguồn cung mới phân khúc biệt thự và nhà phố ngày càng khan hiếm và tiếp tục tập trung tại các quận ngoại thành TPHCM. Nguồn cung sơ cấp trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 770 căn, thấp nhất trong 5 năm qua. Lượng giao dịch trong 6 tháng qua đạt khoảng 500 căn, giảm 51% so với cùng kỳ. Hàng tồn kho chủ yếu là các căn có giá trị trên 2 triệu USD hoặc trong các dự án quy mô nhỏ.
Nguồn cung sơ cấp hạn chế thúc đẩy giá bán trên thị trường thứ cấp tăng. Trong quý 2/2021, giá thứ cấp trung bình từ giỏ hàng cố định đã tăng 13% so với năm trước. Quận 7 có mức tăng cao nhất với 20%, tiếp theo là các quận 9, quận 2, Nhà Bè và Gò Vấp, tăng từ 13-19% so với năm trước.
Tại Hà Nội, Savills Việt Nam công bố, có 7 dự án cung cấp khoảng 1.600 căn hộ ra thị trường trong 6 tháng qua, nguồn cung mới giảm 74% so với cùng kỳ và thấp nhất trong vòng 5 năm. Nguyên nhân, trong bối cảnh lo lắng gia tăng do làn sóng COVID-19 thứ 4, các chủ đầu tư giảm quý mô mở bán. Giá chào bán sơ cấp trung bình là 1.625 USD/m2, tăng 11% theo năm.
Tuy nhiên, Savills cho rằng, Hà Nội đang có 18 dự án mới và giai đoạn tiếp theo của 2 dự án sẽ cung cấp khoảng 14.300 căn hộ trong 6 tháng cuối năm. Phần lớn sẽ là các dự án hạng B với 81% thị phần và nằm ở các quận Từ Liêm với 47%, Hoàng Mai với 23% và Long Biên với 11% thị phần. Nguồn cung ít, cơ sở hạ tầng được cải thiện, tiêu chuẩn phát triển cao hơn và giá thép tăng gần đây đã dẫn đến sự gia tăng mạnh về giá căn hộ.
Đáng chú ý, nguồn cung mới hạn chế và hàng tồn kho giá cao tại Hà Nội đã khiến các chủ đầu tư chuyển hướng sang các tỉnh lân cận. Cơ sở hạ tầng được cải thiện đã thúc đẩy nhu cầu nhà ở tại các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh. Sự phát triển của các trung tâm loại hai được cho là sẽ tiếp diễn. Xu hướng làm việc tại nhà sau COVID-19 có thể là một yếu tố góp phần, tuy nhiên thực tế là người mua ngày càng quan tâm về giá.
Nhà đầu tư sẽ thận trọng
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam nói rằng, nếu quý 1/2021 ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan cho việc khôi phục thị trường bất động sản thì giữa quý 2/2021, làn sóng COVID-19 thứ 4 bất ngờ bùng phát mạnh mẽ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, khiến thị trường bất động sản lâm vào thế khó.
“Đợt bùng phát dịch bệnh lần này dù mang lại nhiều thách thức nhưng cũng đem đến cơ hội chứng minh giá trị, và thực lực của những sản phẩm bất động sản chất lượng từ các nhà phát triển uy tín, có tiềm lực tài chính vững chắc trên thị trường”, ông Khương nói.
Nhìn từ bức tranh kinh tế vĩ mô và các tác động xã hội, trong nửa đầu năm 2021, Việt Nam chịu tác động nặng nề bởi tình hình dịch bệnh bùng phát. Ông Sử Ngọc Khương nói rằng, với tình trạng an ninh thắt chặt, các nhà đầu tư trong và ngoài nước không có nhiều điều kiện thuận tiện trong việc đi lại, giao thương, thị trường bất động sản thời gian gần đây chứng kiến sức mua giảm, các nhà đầu tư đều ở trong trạng thái dè chừng và thận trọng khi quyết định đầu tư bất động sản.
Riêng đối với những sản phẩm tốt, đây là một cơ hội để minh chứng giá trị sản phẩm và tiềm lực của những nhà phát triển uy tín trên thị trường. Tuy nhiên, đối với những sản phẩm không phù hợp, trong điều kiện kinh tế hiện tại, đây là một thời điểm khó để thị trường hấp thụ những sản phẩm này. Ngoài ra, vấn đề pháp lý của các dự án vẫn là câu chuyện kéo dài từ nhiều năm nay dẫn đến tình trạng nguồn cung sơ cấp trên thị trường bị hạn chế.
Ông Khương cho biết thêm, 6 tháng đầu năm 2021, thị trường phía Nam gần như chỉ có vài dự án mới ở TPHCM và các tỉnh thành lân cận. Nhiều dự án có kế hoạch ra mắt trong năm nay do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh cũng phải điều chỉnh lại thời điểm triển khai.
Từ đây đến cuối 2021, thị trường sẽ không có nhiều chuyển biến mang tính đột phá, vì kinh tế Việt Nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh. Bên cạnh đó, nguồn thu nhập hạn chế của đại đa số người dân trong thời điểm này khiến tình hình thị trường không có nhiều biến động. Phần lớn giao dịch trong thời gian này chủ yếu là những người có tiền tích trữ trong ngân hàng hoặc nhiều nguồn khác để đầu tư, đây sẽ là nhóm khách hàng được hưởng lợi từ xu hướng giá bất động sản liên tục tăng.
“Trong kịch bản thị trường hồi phục, bất động sản nhà ở sẽ sôi động nhất vì nhu cầu thực về nhà ở vẫn luôn bức thiết của người dân. Song, mức độ hấp thụ của thị trường sẽ không cao bằng những năm trước đây vì người dân mua nhà để ở thường phải sử dụng một phần vốn vay ngân hàng như là vốn chủ sở hữu. Với tình hình hiện tại, khi nhiều người bị hạn chế về thu nhập, mất việc hoặc giảm lương, không có nhiều nguồn tích lũy, sức mua trên thị trường sẽ khiêm tốn hơn so với các năm trước”, ông Khương nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận