Bất động sản tăng giá vùn vụt, khu vực nào hút nhà đầu tư?
Trong quý 2/2022, nhu cầu tìm kiếm bất động sản để ở tại TP.HCM có xu hướng đi xuống với mức giảm 5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá rao bán của cả ba loại hình (chung cư, nhà phố và đất nền/nhà liền thổ) vẫn tăng mạnh…
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc batdongsan.com.vn khu vực phía Nam trình bày dữ liệu nghiên cứu về thị trường BĐS quý 2/2022. Ảnh: Quốc Hải
Cụ thể, trong quý 2/2022, mức độ quan tâm căn hộ chung cư giảm 3%, nhà phố giảm 9% và đất nền/nhà liền thổ giảm 16%. Tuy nhiên, bất chấp đà giảm từ nhu cầu tìm kiếm, giá rao bán của cả ba loại hình trên vẫn tăng mạnh trong quý vừa qua.
Nhà đầu tư quan tâm đến phân khúc nào, khu vực nào trong quý 2?
Theo dữ liệu nghiên cứu thị trường của batdongsan.com.vn, phân khúc nhà chung cư có mức độ quan tâm tăng nhẹ ở khu vực Đông Nam (Q.7 và Q.2) với mức tăng lần lượt là 4% và 0,4%. Các khu vực còn lại đều sụt giảm như: Bình Thạnh (-2%); Q.9 (-3%); Tân Phú (-13%); Q.8 (-20%),…
Tuy nhiên, mặt bằng giá lại tăng đều ở nhiều phân khúc, như: Phân khúc bình dân và trung cấp (tăng 4%); phân khúc cao cấp (tăng 7%).
Phân khúc chung cư ở TP.HCM
Ở phân khúc đất nền, mức độ quan tâm có giảm nhưng mặt bằng giá rao bán vẫn tăng mạnh ở nhiều quận, huyện. Chẳng hạn, ở Củ Chi, mức độ quan tâm giảm 8% nhưng mặt bằng giá rao bán vẫn tăng 8%. Tương tự, ở Nhà Bè, mức độ quan tâm giảm tới 21% nhưng giá bán vẫn tăng 4%.
Khu vực Q.9, mức độ quan tâm giảm 23% nhưng mặt bằng giá rao bán vẫn tăng 11%; Q.12 mức độ quan tâm cũng giảm 14% nhưng mặt bằng giá rao bán vẫn tăng 6%.
Cá biệt, khu vực Q.7 có mức độ quan tâm tăng 6% và mặt bằng giá rao bán cũng tăng tới 18%.
Ở phân khúc nhà riêng - nhà phố, mặt bằng giá tăng đều ở các quận, huyện. Cụ thể, ở phân khúc nhà riêng, khu vực Q.1 tăng 7%; khu vực Q.3 tăng 6%; khu vực Q.7 tăng 7%… cá biệt khu vực Q.2 cũ tăng tới 17%, trong khi khu vực quận Thủ Đức cũ chỉ tăng 3%.
Ở khu vực nhà phố, hai khu vực Q.2 và Q.7 tăng giá mạnh nhất với mức 8%, trong khi Q.3 chỉ tăng 5% và Q Thủ Đức cũ cũng chỉ tăng 3%.
Chênh lệch cung - cầu
Lý giải về nguyên nhân khiến giá bất động sản TP.HCM vẫn duy trì xu hướng tăng trong quý vừa qua, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc batdongsan.com.vn khu vực phía Nam cho biết, yếu tố khiến giá BĐS TP.HCM vẫn tăng mạnh đến từ sự chênh lệch cung - cầu.
Theo ông Tuấn, nhu cầu tìm kiếm BĐS trong quý 2 có xu hướng giảm so với cùng kỳ, nhưng so sánh với thời điểm 2019 thì vẫn tăng cao hơn. Nếu xét trên phương diện nguồn cung, rào cản pháp lý và cấp phép xây dựng khiến lượng dự án chung cư triển khai trong 6 tháng đầu năm rất thấp dẫn đến nguồn cầu thực tế không đáp ứng tương xứng với nhu cầu mua của thị trường.
"Cầu nhiều cung thiếu đã tác động mạnh đến giá bất động sản TP.HCM thời gian qua", ông Tuấn chia sẻ.
Bên cạnh đó, chi phí phát triển dự án leo thang do giá nguyên vât liệu xây dựng dội lên cùng với chi phí phát triển kéo dài khiến nhiều CĐT buộc phải tính toán lại mức giá mở bán. Điều này vô hình khiến thị trường thời gian qua thiếu hụt các sản phẩm giá rẻ, bình dân và chủ yếu nguồn cung là phân khúc nhà ở cao cấp.
Dù vậy, quý vừa qua, hầu hết các dự án có nguồn hàng chào bán đều ghi nhận tỷ lệ tiêu thụ đạt 80-100% nguồn cung cho thấy nhu cầu của thị trường rất lớn.
Với loại hình đất nền, theo ông Tuấn, đây là dòng sản phẩm phục vụ nhu cầu đầu tư nên việc siết tín dụng vào bất động sản và ngưng phân lô, bán nền tại nhiều địa phương đã đánh mạnh vào đối tượng đầu cơ, đầu tư khiến giao dịch đất nền, đất nông nghiệp giảm mạnh.
Mức độ tăng giá của nhà đất vượt vàng, chứng khoán và tiền gửi Trong hơn 2 năm, từ 1/2020 đến tháng 6/2022, đất và nhà ở có chỉ số tăng giá cao nhất, xếp sau đó là vàng, chứng khoán và tiền gửi tiết kiệm. Trong tháng 6/2022, chỉ số giá đất tăng 86% so với tháng 1/2020 Mặc dù chỉ số giá vàng và chứng khoán đã tăng mạnh vào tháng 1 năm nay, lần lượt tăng 44% và 57% so với tháng 1/2020, nhưng sang tháng 6/2022, giá vàng và chứng khoán đã giảm, nên mức tăng so với tháng 1/2020 còn 34% và 21%. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận