Bất động sản Long An 'ăn theo' cơ sở hạ tầng
Các tuyến cao tốc đã và đang hình thành, dự án tuyến metro số 3A đang chờ phê duyệt... là những yếu tố giúp thị trường bất động sản Long An "nóng" chưa từng có.
Từ đầu năm đến nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nền kinh tế toàn cầu bị xáo trộn. Tại Việt Nam, không ít doanh nghiệp buộc phải tuyên phá sản, số khác cố gắng cầm cự, chờ thời cơ vực dậy.
Ở lĩnh vực bất động sản, hàng nghìn sàn giao dịch phải đóng cửa, cho thấy một bầu khí ảm đạm của cả thị trường. Tuy nhiên, trong khi thị trường bất động sản TP.HCM và các tỉnh lân cận gần như "đóng băng", thì thị trường nhà đất tại Long An vẫn thu hút sự quan tâm của khách hàng.
Cụ thể, qua khảo sát, mức độ tìm kiếm bất động sản Long An vượt qua 6 địa phương khác tại khu vực phía Nam, đứng vị trí dẫn đầu với con số tăng trưởng ấn tượng 54%. Nhiều chuyên gia bất động sản nhận định, thị trường bất động sản Long An vẫn "nóng" bất chấp dịch bệnh là nhờ "ăn theo" cơ sở hạ tầng.
Theo Quy hoạch vùng đô thị TP.HCM, 3 huyện Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa của Long An sẽ được phát triển thành đô thị vệ tinh. Trong đó, Bến Lức có nhiều lợi thế khi giáp ranh với nhiều quận, huyện của TP.HCM và kết nối trực tiếp thông qua hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh như đại lộ Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, quốc lộ 1...
Tuyến đường Lê Văn Lương sẽ được mở rộng 30m trong thời gian sắp tới để nối Quận 7 (TP.HCM) và Cần Giuộc. Nâng cấp và mở rộng quốc lộ 22, tỉnh lộ 830, tỉnh lộ 824, tỉnh lộ 9... đi qua các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc.
Ngoài tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã kết nối xuyên suốt với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thông qua đại lộ Võ Văn Kiệt và Đại lộ Nguyễn Văn Linh, trong năm 2020 tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua các huyện Bến Lức, Cần Giuộc (Long An), huyện Bình Chánh, Cần Giờ (TP.HCM) và huyện Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai) thông xe sẽ giúp giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam Bộ rút ngắn thời gian rất nhiều.
Mới đây, Sở GTVT TP.HCM và Sở GTVT tỉnh Long An đã có buổi họp về việc thống nhất có 23 tuyến đường kết nối hai địa phương quan trọng cần được ưu tiên đầu tư. Trong đó 12 đường hiện hữu cần được đầu tư mở rộng, kết nối đồng bộ; 8 đường triển khai theo quy hoạch được duyệt và 3 tuyến đường cần nghiên cứu bổ sung vào quy hoạch.
Đặc biệt, đầu tháng 5 vừa qua, UBND TP.HCM đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư về cập nhật đề xuất dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3A từ Bến Thành (TP.HCM) đi Tân Kiên (Long An) để trình Chính phủ phê duyệt.
Tuyến metro 3A có tổng vốn đầu tư khoảng 68.000 tỉ đồng, kết nối trực tiếp với metro Bến Thành - Suối Tiên tạo thành một hành lang vận chuyển hành khách hiện đại xuyên suốt khu vực Đông Bắc và Tây Nam của TP.HCM.
Với chiến lược đầu tư hạ tầng và chính sách hợp lý đã giúp Long An trở thành điểm sáng thu hút đầu tư FDI. Đến nay, Long An đang có hơn 1.000 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 6,15 tỉ USD.
Giai đoạn 2021 - 2025, Long An dự tính chi khoảng 21.416 tỉ đồng để đầu tư nâng cấp hạ tầng và phát triển đô thị; giai đoạn 2026 - 2030 con số đó khoảng 11.738 tỉ đồng. Với những dự án hạ tầng bài bản, được thực hiện đồng bộ, dự báo nhu cầu nhà ở tại tỉnh này sẽ tăng mạnh.
Theo khảo sát đầu tháng 7/2020 của PV, nếu so với mặt bằng chung, hiện giá bất động sản Long An có giá đang thấp hơn nhiều so với Đồng Nai hay Bình Dương. Giá đất nền tại các khu vực Long An giáp ranh TP.HCM hiện nay bình quân khoảng 10-12 triệu đồng/m2, một số nơi lên đến 20 triệu/m2, tăng gấp đôi so với cách đây vài năm.
Trong khi đó, giá đất Bình Dương và Đồng Nai đang ở mức 15-20 triệu đồng/m2, những khu vực đô thị hóa nhanh, đông dân cư có thể lên đến 30-35 triệu đồng/m2. Điều này cho thấy bất động sản Long An vẫn còn rất nhiều tiềm năng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận