Bất động sản khu công nghiệp: Trợ lực từ vĩ mô
Ngành bất động sản khu công nghiệp đang được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố vĩ mô tích cực…
Ngành bất động sản khu công nghiệp đang được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố vĩ mô tích cực…
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), căng thẳng thương mại Mỹ - Trung quay lại, việc Quốc hội chính thức thông qua EVFTA trong kỳ họp vừa qua, cùng với chất “xúc tác” COVID-19 là yếu tố tích cực, giúp đẩy Việt Nam trở thành điểm sáng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài FDI. Đây là động lực quan trọng hỗ trợ đà hồi phục của kinh tế trong nước, của thị trường chứng khoán, cũng như của nhóm doanh nghiệp được hưởng lợi trực tiếp như logistic, bất động sản khu công nghiệp.
Đối với bất động sản khu công nghiệp, KBSV nhận thấy một số tín hiệu tích cực khi theo số liệu quý I của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn đầu tư vào các khu chế xuất-khu công nghiệp tăng đến 86,04% so với cùng kì năm 2019, đạt 117,76 triệu USD.
Ngoài ra, nghiên cứu của JLL Việt Nam cũng chỉ ra nhu cầu thuê đất ở các khu công nghiệp những tháng đầu năm vẫn đứng ở mức cao với tỉ lệ lấp đầy ở khu vực miền Bắc tăng tương đối khoảng 2% so với quý IV/2019, đạt 72% cuối quý I/2020, trong khi giá đất sản xuất trung bình đạt 99 USD/m2/chu kì thuê (tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước).
KBSV nhận định, trong ngắn hạn, đại dịch COVID-19 đã và sẽ làm chậm lại dòng vốn FDI trong năm 2020. Tổng vốn FDI đăng ký 6 tháng đầu năm là 15,7 tỉ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, vốn FDI đăng ký mới đạt 8,4 tỉ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nếu trừ đi dự án khí LNG ở Bạc Liêu với tổng vốn đầu tư 4 tỉ USD trong tháng 1, vốn đầu tư đăng ký mới giảm 40,5% so với cùng kỳ 2019.
Vốn FDI giải ngân đạt 3,85 tỉ USD, giảm 6,6% so với 6 tháng đầu năm 2019. Sự sụt giảm trong quy mô đầu tư của các dự án so với năm 2019 cùng với lệnh hạn chế đi lại giữa các nước đã phần nào phản ánh ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến quyết định đầu tư mới/mở rộng dự án hoặc quá trình thương thảo của các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, KBSV cho rằng, ảnh hưởng của dịch bệnh trong quý III sẽ giảm thiểu so với quý II khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và cho phép một số đường bay chuyên chở các chuyên gia nước ngoài (từ các đối tác chính như Hàn Quốc và Nhật Bản) sang Việt Nam.
Về triển vọng trung hạn, ngành bất động sản khu công nghiệp Việt Nam có thể được hưởng lợi từ các hợp đồng thương mại tự do (FTAs) được ký kết và làn sóng dịch chuyển của các công ty khỏi Trung Quốc. Theo đó, nhu cầu cho đất khu công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn sẽ tăng cao. Bên cạnh đó, đẩy mạnh đầu tư công giúp tăng kết nối giữa các vùng. Các khu công nghiệp thuộc các tỉnh, thành phố lớn nhanh chóng được lấp đầy, do vậy thị trường có xu hướng mở rộng ra các tỉnh khác như Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải Dương, Bắc Giang.
Theo KBSV, các cơ hội đầu tư có thể xem xét sau khi thị trường ổn định hơn là VGC và KBC. Đây là hai doanh nghiệp sở hữu quỹ đất thương phẩm với diện tích lần lượt là 1.182 hecta và 952 hecta. Quỹ đất của KBC và VGC tập trung tại Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Phòng, là hai tỉnh có vị trí thuận lợi và kết nối hạ tầng tốt. Nhiều hợp đồng bán hàng đã được kí kết trong năm 2019 để có thể hạch toán lợi nhuận trong 2020.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận