Bất động sản Đà Nẵng đã thực sự “bắt đáy”?
Dịch COVID-19 lần 2 trở lại như một cú bồi đã hạ thị trường bất động sản vốn đã ảm đạm do ảnh hưởng của đợt dịch lần đầu thì nay càng thêm tụt dốc.
Ngành du lịch TP Đà Nẵng bị ảnh hưởng nặng nề do 2 đợt dịch COVID-19 gây ra và tất nhiên thị trường bất động sản tại đây cũng không ngoại lệ. Sức mua giảm, giá cả thực tế từng khu vực đang biến động.
Theo ghi nhận của Diễn đàn Doanh nghiệp, tại khu vực Tây Bắc, giá đất tại đây đã giảm từ 20-30% so với thời điểm đầu năm 2020 nhưng vẫn khó có giao dịch mặc dù các tiện ích hạ tầng và môi trường đầu tư đã được cải thiện đáng kể xung quanh khu vực.
Kế đến “vựa” đất nền tại khu đô thị Hòa Xuân (Q.Cẩm Lệ) và Nam Hòa Xuân (Q.Ngũ Hành Sơn), giá đất nền tại đây ghi nhận đã giảm khoảng 30% tại các khu vực mở bán vào cuối năm 2019, đầu năm 2020. Đối với những khu vực đã có sổ đỏ tại khu vực Nam Hòa Xuân mức giá có vẻ “cứng” hơn vì đã bắt đầu hình thành khu dân cư đông đúc, giảm nhẹ từ 10-20% so với thời điểm năm 2019.
Giá đất khu vực Nam Đà Nẵng như Tân Trà, Sơn Thủy, Mỹ An, FPT City cũng có chiều hướng đi xuống đáng kể từ 30-40% tùy theo trục đường.
Ông H.T.Q, Giám đốc một công ty địa ốc tại Đà Nẵng cho biết, sau dịch COVID-19 lần 1, công ty của ông còn thực hiện được một vài giao dịch tại các khu vực Nam Hòa Xuân, Nam Việt Á, Sơn Thủy… cho khách có nhu cầu. Còn hiện tại khi dịch COVID-19 lần 2 vừa được khống chế tại Quảng Nam và TP Đà Nẵng nên các giao dịch mới chỉ khởi động ở những phân khúc trung bình tại khu vực Nam Đà Nẵng với mức giá từ 1,3-1,5 tỷ/lô tùy nhu cầu.
Theo một chuyên gia bất động sản (đề nghị giấu tên), bất động sản tại Đà Nẵng gắn liền với thị trường du lịch bởi nhiều tiềm năng hội tụ như địa lý, khí hậu và con người… ngay khi dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế-xã hội của vùng. Do đó, thị trường bất động sản nơi đây cũng như bao ngành khác bị ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi.
"Chưa kể, sau vụ mất sổ đỏ ở chi nhánh văn phòng đất đai quận Sơn Trà đang bị điều tra thì hồ sơ, đối tượng cho vay của ngân hàng cũng làm chặt chẽ hơn" - vị này cho biết.
Đáng nói, vị chuyên gia trên nhận định không nên “hình tượng hóa” bất kỳ một ngành nghề nào kể cả bất động sản bởi bất kỳ sản phẩm hay ngành nghề nào cũng tiềm ẩn mức độ rủi ro riêng, nếu nhà đầu tư không biết nắm bắt và tự rút ra những bài học “xương máu” cho bản thân sẽ khó đạt được mục đích như kỳ vọng.
Ông viện dẫn việc đầu tư bất động sản cũng như việc giao thương các hàng hóa khác (chẳng hạn như buôn bán lương thực) như gạo. Nếu để ý sẽ thấy những năm gần đây giá gạo chỉ có lên. “Nếu các tiểu thương biết chớp thời cơ hoặc có vốn (tiền) mua gạo tích trữ sau đó chỉ cần bán chênh lệch 100 đồng/kg mua vào-bán ra thì chỉ trong 1 ngày số tiền kiếm ra từ vài chục tấn gạo có thể lên đến hàng chục triệu đồng. Và việc mua đất cũng thế…”, vị chuyên gia trên chỉ rõ.
Ở đây, ông cho rằng việc mua gạo ăn cũng giống như mua đất ở vì nguyên lý “người đẻ chứ đất không đẻ” và gắn với nhu cầu chính đáng của của người là ăn và ở. Chính vì vậy, việc chớp thời cơ mua đất lúc thị trường “chững” lại được cho là những nhà đầu tư thông thái mà không phải ai cũng làm được.
Theo ông Lâm Quang Bình, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Đầu tư và Kinh doanh IBSC (Đà Nẵng): “Hiện giá bất động sản đã giảm so với thời điểm cùng kỳ. Tuy nhiên, đây có thể là “cơ hội vàng” cho những khách hàng có nhu cầu an cư thực sự”.
Cũng theo ông Bình, vừa qua động thái tiến hành thanh lọc hàng loạt dự án không đạt tiêu chuẩn của chính quyền nhiều địa phương đã góp phần “trong sạch hóa” môi trường đầu tư nhà đất và sẽ tạo đà phát triển lành mạnh cho thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận