Bất động sản công nghiệp Việt mất tính cạnh tranh nếu cung không sẵn sàng
Trong khi hoạt động kinh doanh của các phân khúc bất động sản khác gần như tê liệt hoặc bị tổn thất vì đại dịch Covid-19, bất động sản công nghiệp vẫn tiếp tục đạt những kết quả khả quan. Thậm chí, nhiều địa phương không đủ quỹ đất công nghiệp để phục vụ nhà đầu tư.
Kỳ vọng vào cơ hội lớn
Trong hai tháng qua, dù dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới nhưng CBRE, công ty tư vấn bất động sản tại Việt Nam, vẫn liên tục nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài liên quan tới mảng bất động sản công nghiệp, bao gồm cả đất công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn.
“Bất động sản công nghiệp đang đứng trước cơ hội vô cùng lớn”, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao Bộ phận Nghiên cứu, Tư vấn và Định giá, CBRE Việt Nam, nói. Bất động sản công nghiệp tại Việt Nam đã lọt vào mắt nhà đầu tư ngoại kể từ khi nổ ra thương chiến giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Các công ty đa quốc gia nhận thấy rủi ro trong chuỗi cung ứng khi hoạt động sản xuất phụ thuộc vào một quốc gia đơn lẻ.
“Giá chào thuê bất động sản công nghiệp đã tăng khá lớn, trung bình 10%/năm”, bà Dung nói.
Năm 2020, mảng bất động sản này càng hấp dẫn hơn sau đại dịch Covid19 và việc chính phủ Việt Nam thành công trong việc ngăn chặn đại dịch này. Hơn nữa, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, kết nối với quốc tế với 13 hiệp định thương mại có hiệu lực và 6 hiệp định đang trong quá trình đàm phán.
Dẫn chứng cho nhận định của mình, bà Dung cho hay, điều tra của Jetro, tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Việt Nam, cho thấy, 50% các nhà sản xuất tại Nhật Bản muốn rời nhà máy khỏi Trung Quốc và Việt Nam là một địa điểm hấp dẫn để dịch chuyển.
Thừa nhận xu hướng này, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho rằng, trong khi các mảng bất động sản khác bị ảnh hưởng nặng nề thì đất công nghiệp đang là điểm sáng trong toàn ngành. Hiện nay, Đại Phúc Land đã đầu tư một số dự án bất động sản công nghiệp tại Đồng Nai với quy mô lớn, khoảng 1.000 héc ta.
“Cơ hội cho bất động sản công nghiệp là rất lớn sau đại dịch. Việt Nam là thị trường nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư muốn rời hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc", bà Hương nói.
Áp lực nguồn cung đất sạch đón sự dịch chuyển sản xuất
Ở góc nhìn mang tính dài hạn, dòng vốn dịch chuyển sang Việt Nam cũng đang tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp nội địa. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp phụ trợ tại phía Bắc đã phản ánh, các doanh nghiệp cho thuê bất động sản công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn đang đòi tăng giá thuê đất trong bối cảnh doanh nghiệp họ đang chịu thiệt hại nặng nề từ Covid 19.
Thừa nhận thực tế này, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng, các khu công nghiệp tại phía Nam và phía Bắc hiện nay đã không đủ quỹ đất, không kịp chuẩn bị mặt bằng cho các dự án mới.
Hiện nay, theo khảo sát của CBRE, hầu hết các dự án bất động sản công nghiệp hiện hữu đều có tỉ lệ lấp đầy lên tới 90%, và gần như không còn quỹ đất để chào cho các nhà đầu tư nước ngoài.
“Mỗi tuần chúng tôi nhận được 2-3 đơn yêu cầu thăm quan các dự án bất động sản công nghiệp nhưng nguồn cung vô cùng hạn chế”, bà Dung nói. “Trong khi đó, phải mất ít nhất 2 năm để mở rộng nguồn cung hiện hữu và lâu hơn nữa để phát triển dự án bất động sản công nghiệp mới".
Nếu nguồn cung đất công nghiệp không sẵn sàng, Việt Nam sẽ tuột mất cơ hội thu hút nguồn vốn FDI cho các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines.
Một thách thức nữa cũng không kém nghiêm trọng đó là sự quá tải về cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng không chỉ thiếu về số lượng mà kém về chất lượng khiến chi phí kho vận, và vận chuyển cao, đẩy chi phí sản xuất tại Việt Nam kém cạnh tranh hơn nhiều so với các nước.
Trong bối cảnh nguồn cung đất công nghiệp đang khan hiếm, ở góc độ doanh nghiệp, bà Hương cho rằng, khu công nghiệp của Đại Phúc Land đã đặt ra tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư. Theo đó, ngoài thương hiệu, nhà đầu tư phải có công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường và có tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam.
Bà Hương cũng lưu ý, quá trình đầu tư bất động sản công nghiệp là quá trình dài hạn, cần sự “đồng cảm" giữa cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát triển. Đa số các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới quy hoạch, hạ tầng, đặc biệt là sự kết nối với cảng biển. “Khi phát triển bất động sản công nghiệp, các doanh nghiệp cần phải chọn quỹ đất xem có phù hợp với nhà đầu tư không. Tránh trường hợp đầu tư rồi nhưng không phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp, gây lãng phí tài nguyên đất", bà Hương nói.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 4, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 12,33 tỉ đô la Mỹ. Bất động sản là một trong 18 ngành, lĩnh vực thu hút dòng tiền ngoại với tổng vốn đăng ký 665 triệu đô la Mỹ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận