Bất động sản 24h: Thị trường bất động sản đang có những biểu hiện bất ổn
GS Đặng Hùng Võ: Thị trường bất động sản đang có những biểu hiện bất ổn; Hancorp có trách nhiệm gì khi cư dân Đoàn ngoại giao bị “treo” giấy chứng nhận?... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.
Trước những thông tin không mấy tích cực của thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay, PV có cuộc trao đổi với GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường. GS Võ nhận định thị trường đang có những biểu hiện bất ổn, nếu không kiểm soát tốt, những bất ổn này có thể để lại nhiều hệ quả.
Sự bất ổn của thị trường bất động sản có nhiều biểu hiện khác nhau, ví dụ sốt đất, có thể thấy giai đoạn 1990-1992, 2000- 2002, 2007-2008 diễn ra cơn sốt toàn thị trường. Những cơn sốt ở các thời điểm nói trên thậm chí bất thường hơn bây giờ nhiều.
Giai đoạn hiện nay là giai đoạn thị trường đã phát triển ở một mức độ khá cao, nên tính chất bất ổn của lại thể hiện khác với những giai đoạn trước đây. Trước đây là giai đoạn thị trường bắt đầu phát triển nên có những biểu hiện như sốt giá toàn thị trường nhưng bây giờ, nếu quản lý tốt thì khó có thể xảy ra sốt giá toàn thị trường. Tuy nhiên, sốt giá cục bộ thì chắc chắn xảy ra nhiều hơn, bởi vì quá trình đô thị hoá luôn luôn đặt vấn đề giá đất, giá bất động sản tăng. Ở giai đoạn này, những bất ổn của thị trường liên quan đến những khoảng trống pháp luật, sự chồng chéo pháp luật bởi trước đây ít luật hơn, bây giờ nhiều luật hơn nhiều.
Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng là điểm sáng trong dài hạn
Theo nhận định của ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn là điểm sáng của thị trường cả trong trung và dài hạn. Các sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng của những chủ đầu tư uy tín, chuyên nghiệp ngày càng chất lượng, tiệm cận xu hướng quốc tế khi xuất hiện nhiều dự án nằm trong các tổ hợp, quần thể du lịch quy mô, đẳng cấp.
"Theo phân tích và nhận định của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, điểm sáng thị trường bất động sản trong trung và dài hạn là phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và bất động sản công nghiệp đón làn sóng đầu tư mới.
Có thể nói, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hiện có tiềm năng phát triển rất lớn, dựa trên nền tảng thiên nhiên, văn hóa, thể chế, tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh các bộ, ngành và địa phương đang tích cực thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn", ông Nam cho biết.
Hancorp có trách nhiệm gì khi cư dân Đoàn ngoại giao bị “treo” giấy chứng nhận?
Theo thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội (ngày 17/10/2019) tại cuộc họp về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở cho người mua nhà tại dự án Khu đô thị Đoàn ngoại giao (quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội), UBND TP. Hà Nội đã chỉ rõ những bất cập trong việc chuyển nhượng dự án và trách nhiệm của chủ đầu tư Tổng Công ty xây dựng Hà Nội - Hancorp.
Theo đó, dự án Khu đô thị Đoàn ngoại giao của Hancorp làm chủ đầu tư, có việc chuyển nhượng hạ tầng kỹ thuật, chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư thứ cấp nhưng chưa hoàn thiện thủ tục, dẫn đến không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở cho người mua nhà tại dự án. Một số nhà đầu tư thứ cấp không đủ điều kiện triển tiếp tục triển khai dự án.
Trước những tồn tại trên, UBND TP giao Văn phòng UBND TP phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp hồ sơ, chuẩn bị báo cáo của UBND TP, đề xuất UBND TP tổ chức họp với các Bộ Tư pháp, Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, và các nhà đầu tư liên quan, trong tháng 10/2019 để thống nhất các biện pháp xử lý khắc phục, thu nghĩa vụ tài chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở (đối với dự án đã hoàn thành xây dựng) cho người mua nhà và triển khai đối với các dự án đang xây dựng dở đang.
Toàn cảnh thị trường bất động sản 2019 và kịch bản 2020
Nhận định về thị trường bất động sản năm 2019, nhiều chuyên gia đánh giá vẫn giữ được sự phát triển ổn định. Cụ thể, thị trường bất động sản đã không xuất hiện hiện tượng “bong bóng bất động sản” và vẫn còn trong chu kỳ phục hồi, tăng trưởng nhưng đã có dấu hiệu sụt giảm cả về nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở và số lượng giao dịch.
Ghi nhận từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay, 6 tháng đầu năm 2019, thị trường bất động sản Hà Nội và TP.HCM có sự sụt giảm về lượng cung và lượng giao dịch. Về sản phẩm bất động sản loại hình condotel trong quý II/2019 chỉ ghi nhận hơn 5.000 sản phẩm mới đưa ra thị trường, giao dịch thành công chỉ gần 1.400 sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ thấp đạt hơn 27%.
Nguyên nhân là do nguồn cung mới hạn chế, việc chậm triển khai các thủ tục dự án, các sản phẩm condotel hiện có giá tương đối cao cũng ảnh hưởng đến lượng giao dịch và chưa có nhiều chính sách tạo điều kiện phát triển dòng sản phẩm này.
5 năm bùng nổ của thị trường bất động sản TP.HCM và những diễn biến bất ngờ
Từ đầu năm 2018 đến nay, thị trường địa ốc TP.HCM có xu hướng chững lại và thể hiện rõ việc suy giảm cả về nguồn cung và cầu trong năm 2019. Số lượng dự án và số lượng sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ có giá vừa túi tiền, căn hộ bình dân đều giảm sút.
Nhìn lại diễn biến của thị trường BĐS TP.HCM trong suốt 5 năm qua để thấy chu kì lên xuống của thị trường này.
Năm 2015: Tăng trưởng mạnh: Thị trường BĐS TP.HCM phục hồi và tăng trưởng mạnh trên tất cả các phân khúc của thị trường, với hơn 26.000 giao dịch nhà ở trong năm 2015, tăng 1,5 lần so với năm 2014.
Năm 2016: Sôi động: Thị trường BĐS TP.HCM tiếp tục đà tăng trưởng so với năm 2015. Đây cũng là năm đầu tiên thực hiện quy định của Luật Nhà ở 2014 (có hiệu lực từ 01/07/2015), Sở Xây dựng đã công bố danh sách 57 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn với tổng số 29.017 căn nhà.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận