Bất động sản 24h: Rủi ro buôn đất bằng tiền ngân hàng
Rủi ro buôn đất bằng tiền ngân hàng; Thời giá trị thực của bất động sản du lịch lên ngôi... là một số tin tức nổi bật 24h qua.
Rủi ro buôn đất bằng tiền ngân hàng
Nghe bạn bè bàn tán về đất nền vùng ven TP.HCM tăng giá mạnh, cuối tháng 4/2018, bà Hường (Đông Anh, Hà Nội) lặn lội vào TP.HCM để tìm hiểu thị trường.
Thời điểm đó, thị trường bất động sản TP.HCM chứng kiến sự sốt nóng cục bộ ở nhiều khu vực. Đất ở quận 2, 9, Thủ Đức, huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ… thậm chí đã vọt lên 50-100% so với cuối năm 2016. Bà vét hết số tiền dành dụm được mua một lô đất ở quận 9 với giá 1,6 tỷ đồng, khoảng 2 tháng sau có người trả giá 2,3 tỷ nhưng bà không bán mà đợi giá lên tiếp.
Nhận thấy việc đầu tư có vẻ dễ ăn, bà Hường bàn với chồng thế chấp căn nhà 3 tầng đang ở để vay ngân hàng 2 tỷ đồng mua tiếp 1 lô đất tại Cần Giờ.
Nhưng sau khi bà Hường mua lô đất thứ hai thì TP.HCM bất ngờ đề nghị điều tra vấn nạn tung tin sai lệch về các dự án để đầu cơ, đẩy giá khiến thị trường dần hạ nhiệt, 2 lô đất của bà bị “mắc kẹt” không thể đẩy hàng.
“Khi tôi vay lãi suất chỉ ở mức 7%/năm, sau đó ngân hàng tăng lãi suất lên mức 9,5%/năm, chỉ trong gần 2 năm, tiền lãi tôi phải trả đã gần nửa tỷ đồng. Trong khi 2 lô đất vẫn chưa bán được, thêm vào đó còn phải trả gốc vay theo phương án đã vay ngân hàng, tôi đã bị quá hạn nhiều tháng nay. Căn nhà của tôi đã bị ngân hàng treo án phát mại”, bà Hường cay đắng nói.
Thời giá trị thực của bất động sản du lịch lên ngôi
Tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên năm 2019, PV đã có cuộc trao đổi với chuyên gia bất động sản Phạm Lâm, CEO DKRA Vietnam liên quan tới vấn đề sự vận động và cơ hội đầu tư vào thị trường bất động sản du lịch Việt Nam.
Theo ông Lâm, nhà đầu tư sẽ đề cao tính an toàn, bền vững, lâu dài của sản phẩm bất động sản du lịch. Trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư không quá chú ý đến yếu tố cam kết lợi nhuận mà nhìn vào sự an toàn, tính hiệu quả và bền vững của sản phẩm bất động sản du lịch. Tôi nhấn mạnh lại, yếu tố an toàn đang được đặt lên cao trong bối cảnh của thị trường hiện nay.
An toàn là gì? Là căn cứ vào giá trị thực của dự án. Họ không đặt kỳ vọng vào lợi nhuận tăng quá cao nhưng vẫn quan tâm tới cơ hội gia tăng giá trị của sản phẩm. Đó chính là giá trị thực của sản phẩm. Dù rằng vẫn sẽ có khách hàng tin vào cam kết nhưng điều đó không còn quá nhiều ý nghĩa, khi tiêu chí an toàn đã được đặt lên trước.
Nghị định 20: Kỳ vọng và thực thi
Sáng 29/11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp về việc sửa đổi quy định áp mức chi phí lãi vay vào chi phí hoạt động của doanh nghiệp để nộp thuế theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Tại cuộc họp, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) Cao Anh Tuấn nhấn mạnh tới ý nghĩa và lợi ích chống chuyển giá trong các giao dịch liên kết nói chung của Nghị định số 20 trên tinh thần ứng xử công bằng, khách quan giữa các loại hình doanh nghiệp.
Như đã thấy, Nghị định 20 ra đời với kỳ vọng chống chuyển giá trong các giao dịch liên kết cũng như góp phần ứng xử công bằng, khách quan giữa các loại hình doanh nghiệp. Kỳ vọng là vậy, nhưng kể từ khi đưa vào áp dụng, nhiều doanh nghiệp cũng như giới chuyên môn đã lên tiếng về sự bất cập của Nghị định này.
Theo đó, bày tỏ quan điểm của mình, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính quốc gia - cho rằng Nghị định 20/2017/NĐ-CP chưa thuyết phục, chưa tính nhiều đến các đặc thù của Việt Nam và còn nhiều bất cập.
Nguy cơ khủng hoảng thừa nhân sự bất động sản
Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, Trần Khánh Quang cho biết, năm 2019 mở màn cho phản ứng domino khi đà giảm tốc của thị trường nhà ở mạnh dần, rổ hàng teo tóp lại, dự án ngày càng ít dần, kéo theo khủng hoảng thừa nhân sự.
Ông Quang phân tích, theo khảo sát nhanh của doanh nghiệp và các hệ thống sàn địa ốc liên kết tại TP HCM, năm 2015 môi giới bất động sản tham gia bán dự án nhà ở tại Sài Gòn đạt khoảng 10.000 người. Chỉ trong vài năm sau đó, tức đến cuối năm 2018 lực lượng này đã vọt lên khoảng 60.000 môi giới, tăng gấp 6 lần.
Nguyên nhân của sự tăng trưởng nhân sự thần tốc ngành bất động sản là do giai đoạn 2016-2018 thị trường địa ốc liên tục nóng sốt. Thời điểm này số lượng dự án tung ra nhiều và dồn dập đã thu hút người lao động ở nhiều ngành nghề khác dịch chuyển sang. Họ tham gia làm môi giới, nhân viên kinh doanh, tư vấn đầu tư, thậm chí là cấp quản lý như trưởng phòng marketing, trưởng bộ phận đầu tư, giám đốc sàn giao dịch...
Mức lương và thưởng (thu nhập) của ngành địa ốc trong các năm 2015-2017 luôn định vị ở ngưỡng hàng trăm triệu đồng đến tiền tỷ mỗi năm. Đến giữa cuối năm 2018, vẫn còn nhiều doanh nghiệp tuyển nhân sự quản lý với mức thu nhập bạc tỷ mỗi năm
Doanh nghiệp "ngóng" chính sách tích tụ đất đai
Tại hội thảo “Góp ý sửa đổi một số nghị định về đất đai” diễn ra mới đây, ông Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn đã chỉ ra những tồn tại và khó khăn của doanh nghiệp khi tiếp cận với người nông dân. Theo đó, khó khăn trước hết thể hiện ở việc định giá đất khi hiện nay khung giá đất chưa điều chỉnh phù hợp với thị trường.
Thêm vào đó, ông Quang cho hay, khung pháp lý cho Nhà nước thuê đất của người dân còn thiếu đồng thời những thủ tục thẩm định dự án cho doanh nghiệp đang rất phức tạp:
“Một thực trạng khác khá phổ biến là mặc dù ruộng đất manh mún song doanh nghiệp muốn tích tụ ruộng đất để đầu tư thì không dễ dàng đạt được sự đồng thuận từ số lượng lớn hộ dân. Và, chỉ cần cần vài hộ không tạo thuận lợi thì dự án của doanh nghiệp cũng dừng”
Bên cạnh đó, ông Quang cho rằng, quy định pháp lý còn đang thiếu các hướng dẫn về thẩm định nhu cầu sử dụng đất (không phải dự án đầu tư) và thu hồi theo diện doanh nghiệp tự thỏa thuận bồi thường. Mặt khác, một vấn đề tồn tại lâu nay và nan giải là tình trạng thiếu quỹ đất công cùng chính sách tạo nguồn cung đất nông nghiệp.
Theo Reatimes.vn
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận