Bất chấp dịch bệnh, giá nhà liền thổ tại TP.HCM vẫn tăng
Dù chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19 nhưng giá bán bất động sản nhà liền thổ tại thị trường thứ cấp lại có mức tăng khá ấn tượng, khoảng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Theo bà Võ Thị Khánh Trang, Giám đốc bộ phận nghiên cứu Savills TP.HCM, sở dĩ nhà liền thổ vẫn “sống khỏe” trong khi bùng phát dịch bệnh là bởi nhu cầu của nhà đầu tư vẫn có. Đặc biệt, những sản phẩm nhà phố, biệt thự được phát triển trong các dự án được hấp thụ rất tốt.
Trong 6 tháng vừa qua, nguồn cung của phân khúc bất động sản nhà ở hạn hẹp, giá bán vẫn giữ đà tăng liên tục trong 2 quý vừa qua.
Cụ thể, đối với phân khúc bất động sản căn hộ, nguồn cung sơ cấp chỉ khoảng 5.800 căn, giảm 38% so với cùng kỳ. Còn đối với phân khúc nhà liền thổ, biệt thự, nhà phố, nguồn cung sơ cấp trong 6 tháng cũng chỉ hơn 770 căn, giảm 44% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy chúng ta có thể thấy, về mặt nguồn cung đã có sự sụt giảm khá mạnh, lượng hàng chào bán ra thị trường cũng không quá nhiều. Do đó, lượng giao dịch cũng thấp trong 6 tháng đầu năm.
Cụ thể, đối với căn hộ chỉ có 3.400 căn, bằng một nửa so với lượng giao dịch cùng kỳ năm trước. Còn đối với biệt thự, nhà phố, cũng chỉ có khoảng 500 căn được tiêu thụ, giảm 1/2 so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, điểm sáng của thị trường trong thời gian qua là giá bán của căn hộ và nhà phố, biệt thự, đều có xu hướng tăng. Số liệu mới nhất của Savills cho thấy, trong quý II/2021, 40% các dự án căn hộ đang chào bán trên thị trường đều tăng giá khoảng 15% so với quý trước. Một số dự án mới cũng ghi nhận mức tăng giá 10% so với giai đoạn mở bán trước.
Còn đối với phân khúc biệt thự, nhà phố, do lượng tồn kho ít nên không có nhiều sự tăng giá trong những sản phẩm đang chào bán. Tuy nhiên, giá bán tại thị trường thứ cấp lại có mức tăng giá khá ấn tượng, khoảng 13% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, sản phẩm được phát triển trong các dự án rất được nhà đầu tư quan tâm, tỷ lệ hấp thụ cũng tốt.
Theo nhận định của tôi, từ nửa cuối năm 2021 đến 2023, nguồn cung của phân khúc chung cư và nhà ở liền thổ vẫn tập trung chủ yếu tại khu Đông.
Cụ thể, nguồn cung mới đối với phân khúc căn hộ tại khu Đông chiếm 44% trên tổng nguồn cung mới. Còn đối với nhà liền thổ, nguồn cung ở đây chiếm khoảng 32% trên tổng số nguồn cung mới đến năm 2023.
Việc các doanh nghiệp đổ dồn về khu Đông là kết quả kế thừa của sự phát triển hạ tầng trong thời gian vừa qua, cũng như mức độ đô thị hóa ở khu vực này đang phát triển rất nhanh.
Theo kế hoạch phát triển hạ tầng tại TP.HCM từ nay đến năm 2025, có rất nhiều dự án hạ tầng lớn tại khu Đông nằm trong kế hoạch. Do vậy, chúng tôi kỳ vọng rằng, việc nâng cấp, mở rộng những tuyến đường lớn này sẽ giúp thị trường bất động sản nơi đây phát triển tốt hơn trong tương lai.
Theo tôi, thị trường bất động sản TP.HCM vẫn phải tiếp tục đối mặt với những thách thức của việc bùng phát dịch bệnh. Bởi Covid-19 vẫn là bệnh dịch khó lường trước và có thể bùng phát bất cứ khi nào nếu không được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các chủ đầu tư. Họ có thể xoay chuyển, linh động hơn, lên kế hoạch tốt hơn cho việc bán hàng khi đại dịch được kiểm soát.
Hiện nay, Chính phủ đang kỳ vọng sẽ kiểm soát được bịch trong quý III/2021. Đồng thời, các chiến dịch tiêm vắc-xin cho cộng đồng cũng đang được triển khai rộng rãi. Do đó, chúng tôi kỳ vọng rằng, vào những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022 sẽ có những dự án tiếp tục mở bán ra thị trường. Tuy nhiên, mức độ sẽ không bùng phát như những thời điểm trước đây, mà có thể sẽ chậm chạp hơn, khôi phục một cách bền vững hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận