Bất chấp dịch bệnh, giá nhà chung cư ở TP.HCM tiếp tục ‘leo thang’
Dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, lượng giao dịch bất động sản ở TP.HCM giảm trầm trọng. Dẫu vậy, giá các loại hình bất động sản, đặc biệt phân khúc nhà chung cư vẫn tiếp tục “leo thang”.
Giao dịch giảm nhưng giá vẫn tăng nóng
Báo cáo của Batdongsan.com.vn cho thấy, trong tháng 8, cả nguồn cung chào bán và nhu cầu tìm mua nhà đất đều tiếp tục xu hướng giảm nhưng giá bán các loại hình bất động sản (BĐS) vẫn ghi nhận tăng.
Cụ thể, tổng lượng tin đăng chào bán BĐS tại TP.HCM trong tháng 8 ghi nhận giảm gần 59% so với tháng 7. Lượng tin rao bán nhà riêng, nhà mặt phố giảm gần 71%, trong khi tin rao bán căn hộ chung cư trên địa bàn cũng giảm 54%. Tượng tự, mức độ quan tâm tìm kiếm nhà đất tại TP.HCM giảm 17%, nhu cầu tìm mua căn hộ giảm 23% trong khi đất nền, đất thổ cư có lượt quan tâm giảm đến 35% so với tháng trước. Căn hộ chung cư bình dân có nguồn cung chào bán giảm mạnh nhất, lên đến 58% trong khi nguồn cung rao bán chung cư cao cấp và trung cấp cũng ghi nhận mức giảm 49%.
Xét về nhu cầu giao dịch, phân khúc căn hộ trung cấp, tầm giá từ 35-45 triệu đồng/m2 ghi nhận nhu cầu tìm mua giảm mạnh nhất trong loại hình căn hộ với mức giảm gần 29% so với tháng 7. Căn hộ cao cấp cũng có lượt tìm kiếm giảm 20%, chung cư bình dân giảm 22%.
Mặc dù nguồn cung rao bán và nhu cầu giảm mạnh, giá BĐS tại TP.HCM vẫn không có dấu hiệu giảm, thậm chí còn tăng mạnh so với cùng kỳ. Giá chào bán chung cư tại TP.HCM trong tháng 8 có xu hướng đi ngang so với tháng 7 nhưng lại tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong khi đó, báo cáo thị trường BĐS quý II của Bộ Xây dựng cũng cho thấy điều tương tự khi giá giao dịch căn hộ ở TP.HCM vẫn tăng khoảng 5-7%. Không những vậy, trên thị trường đã xuất hiện một số dự án ở vị trí đặc biệt trung tâm được chào bán rất cao như One Central Saigon (quận 1) dự kiến giá cao kỷ lục, khoảng 650-800 triệu đồng/m2.
Các công ty nghiên cứu thị trường khác như DKRA, CBRE, Savills cũng đưa ra nhận định giá BĐS khu vực TP.HCM và vùng phụ cận không có dấu hiệu giảm, thậm chí tăng mạnh trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát.
Nguyên nhân vì sao?
Câu hỏi được đặt ra là dù dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng, lượng giao dịch giảm mạnh nhưng giá loại hình BĐS lại tăng, đặc biệt là phân khúc nhà chung cư?
Về vấn đề này, các chuyên gia lý giải nguồn cung tại TP.HCM khan hiếm, nhu cầu cao về sở hữu BĐS nhà ở đã đẩy giá bán căn hộ lên cao. Giá BĐS được đánh giá là đang ở mức quá cao khi đã tăng từ 3 năm trước.
Một nguyên nhân nữa khiến giá BĐS vẫn tăng bất chấp giao dịch giảm là tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của doanh nghiệp được đẩy lên 30-50%. Ngoài ra thị trường tăng trưởng nhanh và nóng nên chủ đầu tư luôn bán dự án sau với giá cao hơn.
Chia sẻ với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển DKRA Việt Nam nhận định, vài năm trở lại đây, nguồn cung ở thị trường TP.HCM khan hiếm kéo theo giá cả không ngừng tăng. Thêm nữa, sự phát triển của thị trường kéo theo sự tăng giá và nhu cầu đầu tư rất cao.
Hay như một số thông tin về quy hoạch đô thị, hạ tầng giao thông… đã tác động mạnh mẽ đến giá bất động sản. Tiếp đến là việc nhiều dự án còn vướng mắc thủ tục pháp lý, từ đó nguồn cung mới bị hạn chế, thời gian triển khai dự án càng kéo dài, kéo theo chi phí càng tăng lên, bắt buộc chủ đầu tư phải tăng giá để bù đắp.
“Khi nguồn cung khan hiếm, sức cầu cao, mức giá trên thị trường sẽ tăng, đó là quy luật chung. 2 năm qua, nguồn cung mới ở TP.HCM liên tục suy giảm trong khi kinh tế vẫn phát triển, nhu cầu nhà ở, nhu cầu đầu tư vẫn luôn duy trì ở mức cao, điều này khiến giá bất động sản chỉ tăng mà không giảm", ông Hoàng chia sẻ.
Đáng chú ý, một nguyên nhân khiến giá các loại hình BĐS tăng cao trong đó có phân khúc nhà chung cư chính là chi phí đầu vào cũng đã tăng mạnh dẫn đến doanh nghiệp phải đẩy giá bán. Nếu chủ đầu tư không tăng giá bán thì lợi nhuận sẽ giảm sút.
Bên cạnh đó, hiện nay, có xu hướng một lượng lớn nhà đầu tư rút tiền từ các lĩnh vực đổ vào BĐS tìm cơ hội đầu tư cũng tạo áp lực tăng giá.
Các chuyên gia của Batdongsan.com.vn cho rằng, từ đầu năm nay, dòng tiền đổ vào BĐS tăng nhanh, nhiều nơi còn xảy ra tình trạng sốt đất. Nhu cầu đầu tư vào BĐS trước khi dịch COVID-19 bùng phát chiếm đến 75%. Các tháng tháng gần đây, do giãn cách xã hội nên dòng tiền không trực tiếp chảy vào BĐS mà chuyển sang lĩnh vực khác. Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa ghi nhận tình trạng bán tháo BĐS. Điều này cho thấy, nhà đầu tư vẫn “ôm” tiền và chờ thời cơ thời kỳ hậu đại dịch.
Ngoài ra, BĐS luôn được đánh gia cao về tính an toàn, bền vững trong dài hạn. Tâm lý nhà đầu tư với thị trường BĐS hiện tại vẫn tin tưởng vào sự phục hồi và bứt phá. Vì vậy, dù giao dịch giảm trầm trọng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng giá các loại hình bất động sản, đặc biệt phân khúc nhà chung cư sẽ không giảm trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận