Bất chấp đại dịch, hãng bia lớn vẫn lãi nghìn tỷ
Năm 2020, bất chấp đại dịch, các thương hiệu bia vẫn có một năm đầy sôi động bằng cách tung ra một số sản phẩm mới.
Trong số các ngành hàng tiêu dùng nhanh, ngành bia bị ảnh hưởng tiêu cực hơn cả bởi dịch Covid-19. Nhu cầu đối với thị trường bia đã giảm lần lượt 3,6%, 22,9% và 11,9% trong 3 quý đầu của năm 2020. Cũng trong thời gian này, theo công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, tổng tiêu thụ hàng FMCG giảm 7,5% so với cùng kỳ.
Theo Tổng cục thống kê, từ tháng 6/2020 sản lượng sản xuất bia hàng tháng giảm nhẹ hơn so với mức giảm trong tháng 3 đến tháng 5 và có dấu hiệu phục hồi. Điều này cũng cho thấy rằng chu kỳ tăng, giảm tồn kho của các nhà sản xuất bia hiện có khả năng trở lại mức bình thường. Tuy nhiên, năm 2020, tổng sản lượng sản xuất chỉ đạt 4,4 tỷ lít bia, giảm 13,9% so với năm 2019.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh của Sabeco, công ty đạt 20,1 nghìn tỷ đồng doanh thu thuần và 3,4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận ròng trong 9 tháng đầu năm 2020, giảm lần lượt 28% và 20,5% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, mặc dù doanh thu giảm, Sabeco vẫn đạt lợi nhuận sau thuế quý 3 về mức trước khi xảy ra dịch Covid-19, tương đương trong quý 2 và quý 3 của năm 2019. Kết quả bất ngờ này là do tỷ suất lợi nhuận gộp tăng mạnh từ 24,6% lên 30,7% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, Sabeco đã hoàn thành 84% và 105% kế hoạch năm 2020 về doanh thu và lợi nhuận sau thuế.
Trong khi với Heineken Việt Nam, công ty cho biết sản lượng tiêu thụ tăng trưởng một con số trong nửa đầu năm, nhưng giảm với tốc độ tương tự
Theo Euromonitor, hai công ty lớn nhất ngành Sabeco và Heineken tiếp tục giành thêm thị phần trong những năm gần đây. Đáng chú ý, vị trí thứ hai của Habeco đã rơi vào tay Heineken. Cụ thể, thị phần các doanh nghiệp trong năm 2019 gồm: Sabeco 39,6%, Heineken 33,5%, Habeco 10,9%, Hue Brewery 4,2%, Carlsberg 2,7%, phần còn lại 9,1%.
Năm 2019, theo Euromonitor cho biết, kênh phân phối tiêu dùng tại chỗ chiếm khoảng 70% tổng lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam. Vào năm 2020, kênh này bị ảnh hưởng nghiêm trọng do giãn cách xã hội. Đà phục hồi sẽ tiếp tục, nhưng nhu cầu dự báo sẽ chỉ trở lại mức trước Covid-19 vào năm 2022 mà không phải 2021.
Theo SSI Research, ước tính doanh thu năm 2021 của Sabeco sẽ phục hồi 22,1% so với mức thấp năm 2020, với giá bán trung bình tăng 2% do sự thay đổi trong cơ cấu sản phẩm. Lợi nhuận sau thuế ước tính 5,4 nghìn tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ.
Mặc dù doanh thu năm 2021 của Sabeco dự báo có thể thấp hơn mức năm 2019, nhưng lợi nhuận sau thuế có khả năng vượt năm 2019 do tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện.
Mặc dù chi phí nguyên liệu có thể tăng vào năm 2021, SSI Research ước tính tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2021 của Sabeco sẽ ở mức cao như năm 2020 (trên 30%), nhờ cải thiện trong cơ cấu sản phẩm và các sản phẩm mới. PE 2021 ở mức 25,8 lần, thấp hơn so với mức định giá trước đây (trên 30 lần), và vẫn thấp hơn 10% so với các công ty cùng ngành trong khu vực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận