menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quang Long

Báo Nga phân tích lợi ích của Trung Quốc nếu gia nhập CPTPP và khả năng "cơm lành canh ngọt" với Mỹ

Nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP, điều này sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực kinh tế toàn cầu theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.

Trung Quốc đã bắt đầu đàm phán để hiểu rõ hơn một số chi tiết kỹ thuật của việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hồi tháng 2/2021, các nhà chức trách nước này thông báo, họ đang đàm phán không chính thức với các bên tham gia CPTPP.

Trung Quốc hưởng lợi gì?

Có một số lợi thế của việc Trung Quốc tham gia muộn vào CPTPP.

Hiệp định này đã chính thức có hiệu lực, tất cả các điều kiện quan trọng đã được nêu rõ. Nói cách khác, trước mắt Trung Quốc có toàn văn thỏa thuận về việc tham gia CPTPP và Bắc Kinh có thể cân nhắc tất cả những ưu và nhược điểm của việc tham gia.

Hồi tháng 2/2021, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn cho biết, nước này đang tiến hành các cuộc đàm phán không chính thức với các thành viên CPTPP để hiểu rõ hơn về một số chi tiết kỹ thuật của Hiệp định. Ngoài ra, theo quan chức Trung Quốc, Bắc Kinh đang xem xét liệu việc tham gia CPTPP có thích ứng với triển vọng thị trường trong nước.

Hãng tin Bloomberg trích dẫn nguồn tin cho biết, giới chức Australia, Malaysia, New Zealand đã tiến hành đàm phán với giới chức Trung Quốc về chi tiết của CPTPP.

Tháng 11/2020, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói rằng, Bắc Kinh đang tích cực nghiên cứu việc tham gia CPTPP. Điều đó cho thấy rõ, Trung Quốc đang xem xét nghiêm túc triển vọng tham gia CPTPP và thực hiện các công việc phân tích.

Bước đi này phù hợp với chiến lược tổng thể của Trung Quốc nhằm tăng cường hội nhập vào các hiệp hội thương mại quốc tế và khu vực. Trước đây, Bắc Kinh đã là động lực thúc đẩy việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP, nước này sẽ trở thành nền kinh tế hàng đầu trong các hiệp hội thương mại của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với các thành viên chiếm hơn 1/3 GDP toàn cầu và tỷ trọng lớn hơn nữa trong dân số thế giới.

Tiền thân của CPTPP là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng để chống lại ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Sáng kiến TPP đã được thúc đẩy tích cực dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.

Tuy nhiên, sau khi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền, Washington đã đơn phương rút khỏi TPP với lý do tham gia hiệp định này không có lợi cho Mỹ. Sau đó, 11 nước thành viên TPP còn lại đã đồng ý ký kết một hiệp định thương mại mới là CPTPP.

Nhìn chung, hiệp định bao gồm tất cả các điểm chính của thỏa thuận trước đó với mục tiêu cuối cùng là thiết lập một thị trường chung ở khu vực Thái Bình Dương, tương tự như thị trường châu Âu. Do đó, việc tham gia CPTPP có lợi cho Trung Quốc.

Trước hết vì việc tham gia Hiệp định sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa Trung Quốc tiếp cận thị trường các nước thành viên. Là đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các nước thành viên CPTPP, Trung Quốc có lợi thế mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm.

Ngoài ra, theo nhận định của chuyên gia Lu Jian, Giáo sư tại Trường Kinh doanh Quốc tế thuộc Đại học Tài chính Tây Nam Trung Quốc, việc tham gia CPTPP sẽ tác động tích cực đến việc tăng cường khả năng cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc.

Những rào cản đối với Bắc Kinh

Theo các điều khoản của thỏa thuận, việc Trung Quốc tham gia CPTPP phải có được sự đồng ý của tất cả 11 nước thành viên, mà một số nước trong số đó có quan hệ chính trị không mấy dễ chịu với Bắc Kinh. Chẳng hạn theo Bloomberg, Nhật Bản, nước đã trở thành nền kinh tế lớn nhất trong CPTPP sau khi Mỹ rút khỏi đàm phán TPP và đang chủ trì Hiệp hội trong năm nay, không hài lòng với việc Trung Quốc nhanh chóng tiến tới CPTPP.

Ngoài ra, sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, xuất hiện khả năng Mỹ quay lại CPTPP, vì Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố đưa Mỹ quay trở lại các hiệp định đối tác. Có lẽ các quốc gia thành viên CPTPP, với tư cách là đồng minh thân cận nhất của Mỹ, đang chờ phản ứng của Washington. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố quan trọng nhất.

Chính quyền của ông Biden khó có thể nhanh chóng đảo ngược tâm lý chống toàn cầu hóa trong xã hội khi nhiều người tin rằng, toàn cầu hóa đã cướp đi hàng triệu việc làm của người Mỹ, do đó tầng lớp trung lưu của đất nước đang dần bị xói mòn.

Trong khi đó, về phần mình, Trung Quốc không phản đối những diễn biến như vậy, bởi vì việc Trung Quốc và Mỹ cùng tham gia một liên minh thương mại sẽ có lợi cho khả năng cạnh tranh của Trung Quốc trên thị trường quốc tế, chuyên gia Lu Jian nhận xét.

Tuy nhiên, việc dỡ bỏ các rào cản thương mại đối với Trung Quốc là điều vô cùng khó giải thích về mặt lợi ích đối với Mỹ. Thực tiễn cho thấy, vấn đề mất cân bằng thương mại thậm chí không thể khắc phục được vào đỉnh điểm của cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh, khi hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đều bị áp thuế.

Những người có quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc khó có thể hài lòng với việc tạo ra một môi trường không rào cản đối với hàng hóa Trung Quốc trên thị trường Mỹ.

Ngoài ra, cần phải lưu ý rằng, nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP, nước này sẽ phải chấp nhận tất cả các điều khoản của Hiệp định. Ví dụ, các yêu cầu đối với luật lao động, các yêu cầu về mua sắm công và hoạt động doanh nghiệp nhà nước, về thương mại điện tử và trao đổi dữ liệu xuyên biên giới.

Trung Quốc coi đây là những vấn đề nội bộ, do đó, hiện tại chưa rõ liệu Bắc Kinh có thể chấp nhận tất cả những điều kiện này.

Trong khi đó, điều tương tự cũng có thể được áp dụng với Mỹ, quốc gia này cũng rất quan tâm đến hoạt động mua sắm, hỗ trợ các ngành công nghiệp của mình và bảo vệ dữ liệu cá nhân của người Mỹ.

Cuối cùng, nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP, điều này sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực kinh tế toàn cầu theo hướng có lợi cho Bắc Kinh. Vì vậy, thật khó để tưởng tượng hai đối thủ - hai nền kinh tế nhất nhì thế giới - có thể "cơm lành canh ngọt" trong một hiệp định.

Cuộc chiến giành vị trí hàng đầu về kinh tế và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang trở thành một quy luật mới, yếu tố này sẽ quyết định sự tương tác của hai nước trong trung hạn. Như vậy, kịch bản dễ xảy ra nhất là chỉ một trong hai nước sẽ tham gia vào CPTPP.

Theo các chuyên gia, Bắc Kinh sẽ thực hiện những bước đi tích cực hơn nhằm hội nhập sâu hơn vào các hiệp hội thương mại quốc tế và khu vực. Bởi vì chính sách tự do hóa thương mại đã cho phép Trung Quốc tham gia các chuỗi cung ứng chính trên thế giới và giúp nước này trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, mặc dù có sự quan tâm tích cực của Trung Quốc đối với CPTPP, nhưng quá trình gia nhập có thể kéo dài nhiều năm. Trong quá khứ, các cuộc đàm phán về việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) đã kéo dài tới 15 năm.

(theo Sputnik)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả