Báo Nga: Kỳ tích Việt Nam và chìa khóa để thoát bẫy thu nhập trung bình
Không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia dự đoán rằng, trong những năm tới, nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt Thái Lan, Indonesia và Philippines.
Những năm gần đây, thế giới hay nói về “kỳ tích Việt Nam”, ngạc nhiên trước nhịp độ phát triển kinh tế-xã hội nhanh chóng, mạnh mẽ của đất nước này. Ngay cả bây giờ, do hậu quả của đại dịch Covid-19, nền kinh tế thế giới chịu cảnh khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930, kinh tế Việt Nam không giảm mà vẫn tăng trưởng 1,81%. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán, đến cuối năm, chỉ số này sẽ là 4,1%, cao nhất trong số các nước Đông Nam Á.
Hấp dẫn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
Một trong những động lực của sự tăng trưởng đáng ngưỡng mộ này là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không ngừng đổ vào. Trong 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam thu hút gần 20 tỷ USD, trong đó dòng vốn đăng ký cấp mới đã tăng 6,6% so với năm 2019.
Để thu hút FDI, Việt Nam đã tạo ra những điều kiện cần thiết như xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng, viễn thông, đào tạo chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn. Theo những dữ liệu mới nhất, trong số các doanh nghiệp đang phấn đấu mở rộng sản xuất tại Đông Nam Á, có 40% xem Việt Nam là địa bàn thích hợp để phát triển cơ đồ.
Theo quan điểm của hàng loạt chuyên gia, ngoài nhân công trẻ, giá rẻ, bối cảnh chính trị ổn định, luật đầu tư thuận lợi, cơ sở hạ tầng phát triển đầy đủ, một lợi thế nổi bật của Việt Nam khi các doanh nghiệp “ngắm nghía” chọn địa điểm sản xuất là vị trí gần Trung Quốc, có khả năng sử dụng nguyên vật liệu Trung Quốc, cũng như không thể không tính đến ưu điểm chăm chỉ, kỷ luật và trình độ khá của lao động Việt Nam, cho phép sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia dự đoán rằng trong những năm tới, nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt Thái Lan, Indonesia và Philippines.
Viễn cảnh nào khi Việt Nam đi theo con đường của các nước công nghiệp mới?
GS-TSKH Vladimir Mazyrin, thuộc ĐH Tổng hợp Quốc gia Lomonosov kiêm lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông (Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) nhất trí với dự báo lạc quan nói trên.
Ông Vladimir Mazyrin nhận định: “Hiện nay, trong bảng xếp hạng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về GDP, Việt Nam đứng thứ 33 theo PPP (sức mua tương đương). Indonesia ở vị trí thứ 7, Thái Lan - 20, Malaysia - 26, Philippines - 27. Nhờ nhịp độ tăng trưởng GDP hằng năm cao hơn, Việt Nam đang nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển hơn trong khu vực. Mức bứt phá về nhịp độ tăng trưởng sẽ còn lớn hơn sau đại địch, bởi nhờ chính sách và các biện pháp khéo léo của ban lãnh đạo đất nước, Việt Nam đối phó tốt hơn với diễn biến và hậu quả của dịch bệnh.
Hà Nội đang đưa đất nước chuyển động theo đúng quỹ đạo phát triển và nhịp độ hình mẫu giống như các nước ASEAN từng vượt hơn Việt Nam, những quốc gia được gọi là nước công nghiệp mới của làn sóng thứ hai. Thế nhưng, tất cả các nước đó, ở mức này hay mức khác, hiện giờ đều cạn kiệt khả năng do “bẫy thu nhập trung bình” - giảm sút sức cạnh tranh do hệ quả nâng cao mức sống và chi phí cho lao động. Thế là có bức tranh như sau: các nước này đang ở thế “ngả chiều” hoàng hôn, còn Việt Nam là bình minh đang lên của “thời hoàng kim”.
Cũng theo GS. Mazyrin, từ phân tích tình hình kinh tế Đông Nam Á, sẽ thấy Việt Nam rồi cũng sẽ ở vị thế tương tự như những láng giềng sung túc của khu vực. Mức sống ngày càng tăng nhanh, tương ứng là giá nhân công và hàng hóa sản xuất trong nước cũng sẽ ngày càng cao, điều đó khiến giảm khả năng cạnh tranh và nhịp độ tăng trưởng GDP. Trong 10-15 năm tới, chỉ số này sẽ giảm 4-5%.
Các nước ASEAN đã tích cực sử dụng các nguồn tài nguyên phong phú của mình, giúp họ đạt kết quả cao. Tuy nhiên, những nguồn tài nguyên đó như dầu mỏ, khí đốt, than đá đều đang cạn dần và các nước phải tăng cường nhập khẩu. Quá trình này cũng đã bắt đầu ở Việt Nam. Ví dụ, nếu theo nhiều ước tính khác nhau, trữ lượng dầu khí đã được kiểm chứng của Việt Nam sẽ đủ cho từ 6-10 năm, ở Indonesia chỉ là 1-2 năm.
Cần chuyển đổi sang “nền kinh tế tri thức”
GS Mazyrin cho biết, con đường cần thiết cho Việt Nam là chuyển đổi sang mô hình phát triển khác về chất: đó là nền kinh tế tri thức, hay nền kinh tế dựa trên thành quả khoa học, khi mà giá thành sản phẩm không phụ thuộc vào mức sống và giá nhân công.
Theo chuyên gia Nga, cần phải thực tế nhìn nhận, bất chấp những nỗ lực đáng kể nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, trong nền kinh tế kỹ thuật số vốn là yếu tố quan trọng của kinh tế tri thức, Việt Nam hiện vẫn tụt hậu so với Singapore và Thái Lan, Malaysia. Ngoài ra, ở các nước phát triển hơn, quá trình kinh tế dịch vụ cũng được thúc đẩy tiến xa, tức là sản xuất ra không phải hàng hóa, mà là dịch vụ.
Ở Việt Nam, khu vực dịch vụ chiếm 45%, trong khi ở các nước phát triển hơn, chỉ số này cao hơn 10% và 20%. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng từng tuyên bố, trong chiến lược phát triển 10 năm tới, Việt Nam tập trung chú trọng vào cơ sở hạ tầng và nguồn tài nguyên nhân lực: “Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì tốc độ tăng trưởng 7%/năm với tỷ trọng đóng góp của ngành sản xuất công nghiệp khoảng 30% GDP. Khoảng 1/3 GDP là từ kinh tế kỹ thuật số”.
GS-TSKH Vladimir Mazyrin kết luận: “Mặc dù một số hãng tư vấn dự đoán rằng, đến năm 2050, Việt Nam sẽ đứng thứ 20 trong bảng xếp hạng kinh tế thế giới, nhưng tôi nghĩ triển vọng như vậy quá xa và là dự báo táo bạo. Theo nhãn quan của tôi, mọi chuyện sẽ được quyết định trong khoảng thời gian từ năm 2030-2040. Có thể là Việt Nam sẽ vượt Thái Lan, Indonesia, Philippines. Nhưng nếu trong thập niên tới mà Hà Nội không đưa đất nước chuyển được sang nền kinh tế tri thức, ắt sẽ khó tránh khỏi ‘bẫy thu nhập trung bình’ như các nước khác đã từng vấp”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận