Bảo hiểm PTI lỗ kỷ lục vì bồi thường Covid-19
Bảo hiểm Bưu điện (PTI) lỗ 181 tỷ đồng nửa đầu năm khi tốn gần 300 tỷ đồng chi phí liên quan đến gói bồi thường cho khách hàng nhiễm Covid-19.
Sáu tháng đầu năm, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) ghi nhận doanh thu tăng 17%, lên 2.853 tỷ đồng. Bảo hiểm xe cơ giới vẫn nắm vị thế chủ đạo khi chiếm gần 44% tổng doanh thu phí bảo hiểm.
Tuy doanh thu phục hồi, tổng chi phí lại tăng mạnh hơn 28% khiến hoạt động kinh doanh bảo hiểm kỳ này của PTI lỗ gộp hơn 90 tỷ đồng. Trong đó, chi bồi thường tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận khoảng 1.246 tỷ đồng.
Nửa đầu năm, lợi nhuận sau thuế của công ty này bị âm 181 tỷ đồng, giảm đến 294% so với cùng kỳ 2021. Riêng quý II, PTI lỗ hơn 222 tỷ đồng, mức kỷ lục kể từ khi công bố thông tin vào cuối năm 2010 đến nay.
Ban lãnh đạo PTI lý giải, khoản lỗ trên chủ yếu do phát sinh chi phí liên quan đến chương trình bảo hiểm "Vững Tâm An" với số tiền hơn 296 tỷ đồng. Đây là gói bảo hiểm tai nạn được triển khai từ giữa năm ngoái, có kèm theo chương trình hỗ trợ dịch bệnh. Số trợ cấp nằm viện cho người nhiễm Covid-19 từ vài triệu đến 120 triệu đồng, tùy mức phí tham gia. Đối với người đóng bảo hiểm đã tiêm vaccine, gói này sẽ chi trả gấp đôi.
Trước đó, nhiều khách hàng và cộng tác viên bán bảo hiểm PTI tại một số địa phương như Quảng Nam, Lào Cai, Phú Yên... phản ảnh tình trạng chậm được bồi thường liên quan đến Covid. Đến cuối tháng 4, PTI thông báo chỉ bồi thường cho người điều trị tại cơ sở thu dung thuộc tầng 3 trong mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế. Công ty này giải thích thay đổi trên đến từ tình trạng chủng Omicron hoành hành, tỷ lệ tiêm chủng cao và Chính phủ xác định "sống chung an toàn với Covid-19"...
Nửa đầu năm, PTI còn đối mặt với việc doanh thu hoạt động tài chính giảm 24%, chủ yếu do giảm lãi tiền gửi có kỳ hạn, trái phiếu và chứng khoán. Doanh thu bất động sản cũng giảm đến 75% so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh đi lùi của PTI cũng là tình hình chung của ngành bảo hiểm. Thời gian qua, phần lớn doanh nghiệp khác bị ảnh hưởng vì kinh doanh chứng khoán thua lỗ.
Nói về tương lai ngành bảo hiểm nửa cuối năm nay, chứng khoán BIDV (BSC) giữ quan điểm trung lập. Theo đơn vị này, tăng trưởng phí bảo hiểm phi nhân thọ cả năm ở mức 10% nhờ mảng bảo hiểm sức khỏe phục hồi như trước dịch và mảng bảo hiểm xe cơ giới có mức tăng nhẹ.
Tỷ lệ kết hợp (tổng các loại chi phí tính trên doanh thu phí bảo hiểm gốc) tăng trở lại trong năm 2022 do tỷ lệ bồi thường và tỷ lệ chi khác tăng. Dẫu thế, các doanh nghiệp có thể cân đối ở khoản khác nhờ lãi suất huy động tăng giúp doanh thu tài chính bật lên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận