Bảo hiểm nhân thọ tăng sức nóng với tân binh
Việc tân binh vốn “khủng” chính thức gia nhập, các tên tuổi khác cũng rót thêm hàng chục nghìn tỷ đồng tăng vốn điều lệ để tăng sức cạnh tranh… dường như khiến thị trường bảo hiểm Việt Nam trở nên nóng hơn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang phủ bóng.
Đón tân binh vốn hơn 2.300 tỷ đồng, thêm gần 28.000 tỷ đồng đổ vào thị trường
Chỉ sau vài năm đặt văn phòng đại diện tại Hà Nội, Sinhan Life đã chính thức gia nhập thị trường bảo hiểm Việt Nam. Điều khiến tân binh này gây chú ý là số vốn điều lệ ban đầu hơn 2.300 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với mức vốn điều lệ tối thiểu theo quy định là 600 tỷ đồng.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc (CEO) một doanh nghiệp bảo hiểm nói rằng, mức vốn điều lệ tối thiểu 600 tỷ đồng như hiện nay sẽ không đủ để doanh nghiệp bán những dòng sản phẩm đòi hỏi nhiều vốn, cũng đồng nghĩa với việc sức cạnh tranh hạn chế.
Trong khi đó, với những công ty mới gia nhập thị trường có số vốn lớn, đây sẽ là thỏi nam châm không chỉ thu hút nhân lực giỏi trên thị trường, mà còn có thể tạo ra những cuộc chơi mới khác biệt. Trong trường hợp chưa cần mở rộng thị trường, doanh nghiệp có thể dùng số vốn này đầu tư vào trái phiếu chính phủ hoặc gửi ngân hàng để tăng nguồn thu.
Ngoài đón thêm tân binh tiềm lực mạnh, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam còn gây chú ý bởi thông tin liên quan tới số vốn tăng thêm trong năm qua. Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong năm 2020, có thêm 27.953 tỷ đồng được rót vào thị trường phục vụ việc tăng vốn điều lệ - cũng là năm có mức tăng vốn lớn nhất từ trước tới nay, qua đó nâng tổng vốn điều lệ của các công ty bảo hiểm nhân thọ lên mức 94.071 tỷ đồng.
Những công ty tăng vốn mạnh nhất trong năm qua có thể kể tới là FWD Việt Nam tăng 11.499 tỷ đồng, Sun Life Việt Nam tăng 9.310 tỷ đồng, Manulife Việt Nam tăng 3.400 tỷ đồng, Generali Việt Nam tăng 1.600 tỷ đồng, Bảo Việt Nhân thọ tăng 850 tỷ đồng, Prudential Việt Nam tăng 825 tỷ đồng, Aviva Việt Nam tăng 299 tỷ đồng, Phú Hưng tăng 170 tỷ đồng…
Mới nhất, vào đầu tháng 3/2021, FWD Việt Nam tiếp tục tăng vốn thêm hơn 1.700 tỷ đồng, qua đó giữ vững vị trí công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất tại Việt Nam tính theo vốn điều lệ (hơn 16.900 tỷ đồng). Trước đó, vào cuối tháng 1, Generali Việt Nam cũng rót thêm 350 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ lên hơn 7.200 tỷ đồng…
Nhiều ý kiến cho rằng, các hãng bảo hiểm nhân thọ tăng vốn mạnh là để hoàn tất các “deal bancassurance khủng” mới ký kết với ngân hàng thời gian qua, một số khác thì tiếp tục đầu tư cho công nghệ và mở rộng thị trường qua kênh đại lý…
Đưa ra đánh giá về thị trường, ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, với tốc độ tăng trưởng hiện tại khoảng 20% và tỷ lệ dân số có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mới khoảng 10%, tiềm năng khai thác của thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn nhiều.
Điều cần quan tâm ở đây là doanh nghiệp bảo hiểm mới sẽ tham gia thị trường theo cách thức nào, nếu vẫn theo cách thức truyền thống như xây dựng mạng lưới đại lý, bancassurance… mà không có “vũ khí” riêng thì sẽ khó có thể cạnh tranh với 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đi trước.
“Khi có một thành viên mới tham gia thị trường, sự cạnh tranh về thị phần, nhân sự… diễn ra là điều bình thường. Nhưng với khách hàng, thêm doanh nghiệp tức là thêm lựa chọn”, ông Dũng nhìn nhận.
Cũng nói về cạnh tranh, CEO một công ty bảo hiểm có mức tăng trưởng doanh thu phí mới cao năm 2020 một mặt bày tỏ không quá lo ngại trước sức cạnh tranh gia tăng khi thị trường có thêm nhân tố mới, nhưng mặt khác cho biết biến động nhân sự sẽ diễn ra và thực tế là ngay những tháng đầu tiên của năm 2021 đã chứng kiến sự chuyển dịch nhân sự trong khối kinh doanh và đại lý bảo hiểm của một số doanh nghiệp, bao gồm cả công ty ông.
Kỳ vọng doanh thu phí mới 2021 tiếp tục tăng trên 20%
Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm của 5 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường năm 2020 là Bảo Việt Nhân thọ (21,9%), Prudential Việt Nam (18,6%), Manulife Việt Nam (16,5%), Dai-ichi Life Việt Nam (11,8%) và AIA Việt Nam (11,4%).
Trong đó, Manulife Việt Nam nổi lên như là “đối thủ” đáng gờm, đe dọa 2 vị trí dẫn đầu của Bảo Việt Nhân thọ và Prudential Việt Nam khi liên tục dẫn trước về doanh thu khai thác mới.
Số liệu tổng hợp sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm năm 2020 cho thấy, Manulife Việt Nam là hãng bảo hiểm nhân thọ đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu phí mới cao nhất trong số 5 doanh nghiệp dẫn đầu, ở mức trên 30%.
Còn tính trên toàn thị trường, Generali Việt Nam mới là hãng dẫn đầu với mức tăng trưởng doanh thu phí mới đạt 92%, tiếp sau là FWD Việt Nam ở mức hơn 80%.
Năm 2020, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến thị trường bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng chậm lại so với năm 2019, nhưng vẫn ở mức cao.
Theo đó, trong năm qua, số lượng hợp đồng có hiệu lực (hợp đồng chính) ước đạt khoảng 11,6 triệu hợp đồng, tăng 13,4% so với năm 2019; tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 127.560 tỷ đồng, tăng 19,6%.
Theo dự báo của Swiss Re, phí bảo hiểm nhân thọ của các thị trường mới nổi năm 2021 sẽ tăng khoảng 6,9%, trong đó thị trường Trung Quốc tăng khoảng 8,5% và các nền kinh tế mới nổi khác tăng khoảng 4,7%.
Các công ty bảo hiểm nhân thọ Việt Nam kỳ vọng, tăng trưởng phí mới sẽ tiếp tục duy trì ở mức 2 con số trong năm 2021 nhờ đẩy mạnh hơn 2 kênh bán hàng chủ lực là đại lý và bancassurance.
Nhìn lại thị trường những năm gần đây, ông Ngô Trung Dũng cho rằng, đã có sự phát triển tích cực cả về lượng và chất. Cụ thể, về sản phẩm, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam có gần như đầy đủ các sản phẩm của một thị trường bảo hiểm nhân thọ phát triển như sản phẩm bảo hiểm bảo vệ thuần túy, bảo vệ kết hợp tiết kiệm, bảo vệ kết hợp đầu tư; các sản phẩm bảo hiểm bổ trợ, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe…
Về dịch vụ, các doanh nghiệp đã tích cực áp dụng công nghệ mới trong mọi quá trình bán bảo hiểm, thẩm định rủi ro, cấp hợp đồng bảo hiểm, quản lý hợp đồng bảo hiểm, thẩm định hồ sơ và chi trả quyền lợi bảo hiểm…, từ đó rút ngắn đáng kể thời gian thẩm định rủi ro và chi trả quyền lợi bảo hiểm.
Thậm chí, với những sản phẩm bảo hiểm đơn giản, khách hàng có thể mua và nhận quyền lợi bảo hiểm qua mạng. Hầu hết các đại lý bảo hiểm cũng được trang bị công nghệ hiện đại để công tác tư vấn khách hàng trở nên hiệu quả hơn.
“Và tất nhiên, quyền lợi của người tham gia bảo hiểm luôn được đảm bảo, vì bảo hiểm nhân thọ là ngành kinh doanh có điều kiện, chịu sự quản lý, giám sát chặt chẽ của Nhà nước”, ông Dũng nhấn mạnh.
Mặc dù đưa ra nhiều đánh giá tích cực, nhưng theo ông Dũng, rất khó để thị trường nhân thọ Việt Nam quay lại cột mốc tăng trưởng bình quân 30%/năm như giai đoạn trước đây.
“Trong bối cảnh hiện tại, duy trì được tốc độ tăng trưởng trung bình 20%/năm trong 5 năm tới đã là điều rất tuyệt vời với ngành nhân thọ Việt Nam, vì với quy mô thị trường ngày càng lớn, việc tăng trưởng được thêm 1% mỗi năm là không đơn giản”, ông Dũng nhìn nhận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận