Bảo hiểm Agribank có đi lùi?
Yếu tố dịch bệnh cũng như chi phí tăng cao, khiến CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (UPCoM: ABI) sụt giảm thị phần và lỗ ròng 16 tỷ đồng chỉ trong quý 4/2021.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2021, doanh thu phí bảo hiểm gốc của ABI tăng 18% so với cùng kỳ, đạt gần 574 tỷ đồng giúp doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 5%, đạt 458 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/3, cổ phiếu ABI đóng cửa ở mức 58.300 đồng/cổ phiếu (nguồn: Vietstock)
Tuy nhiên, tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 23%, lên gần 369 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp kinh doanh bảo hiểm giảm 32%, xuống còn 97 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lợi nhuận từ hoạt động tài chính cũng đi lùi 8%, còn 31 tỷ đồng trong khi chi phí quản lý tăng 38% so cùng kỳ, lên gần 148 tỷ đồng.
Trước gánh nặng chi phí, ABI báo lỗ ròng trong quý 4 gần 16 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi ròng gần 56 tỷ đồng.
Tính chung cả năm 2021, lợi nhuận ròng của ABI đạt hơn 273 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lợi nhuận gộp kinh doanh bảo hiểm giảm 4%, còn 685 tỷ đồng và lợi nhuận từ hoạt động tài chính giảm 9%, còn gần 125 tỷ đồng.
Năm 2021, ABI đặt mục tiêu đạt 2,058 tỷ đồng phí bảo hiểm gốc, tăng 8% so với thực hiện năm 2020. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm 18%, còn 300 tỷ đồng. Như vậy so với kế hoạch đề ra, ABI đã vượt 14% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tổng tài sản của ABI tại thời điểm cuối năm 2021 tăng 11% so với đầu năm, lên mức hơn 3,311 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm 76% tổng tài sản, tăng 10% so với đầu năm, các khoản phải thu ngắn hạn (145 tỷ đồng) và tài sản tái bảo hiểm (157 tỷ đồng) lần lượt tăng 48% và 11%.
Nợ phải trả của công ty đều là nợ ngắn hạn, chủ yếu nằm ở dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm, tăng 6% so với đầu năm, ở mức hơn 1,707 tỷ đồng.
Theo đánh giá của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), sản phẩm chủ lực của ABI là sản phẩm bảo an tín dụng, với khách hàng mục tiêu là những người vay vốn tại ngân hàng Agribank. Mà tính đến hết năm 2020, số lượng khách hàng cá nhân của Agribank tham gia bảo hiểm mới chỉ đạt 61%, cho nên dư địa để tăng trưởng trong những năm tới là còn rất nhiều.
Tuy nhiên, vì có mạng lưới rộng lớn, tiếp cận được đến tất cả các khách hàng trên 63 tỉnh thành, đặc biệt là khu vực nông thôn, nên rất nhiều doanh nghiệp bảo hiểm muốn hợp tác với Agribank để phân phối sản phẩm qua hệ thống chi nhánh ngân hàng. Trong giai đoạn trước đây, ABI gần như độc quyền trong việc khai thác sản phẩm Bảo an tín dụng cho khách hàng vay vốn tại Agribank, nhưng điều này sẽ không còn được duy trì trong thời gian tới do Agribank đang cân nhắc khai thác bancasurance cho các đối tác khác ngoài ABI để gia tăng lợi ích cho khách hàng, đồng thời đem lại nguồn doanh thu lớn hơn cho ngân hàng. Tuy động thái này sẽ chưa tác động ngay lập tức lên ABI do dư địa khai thác còn khá nhiều, nhưng sẽ ảnh hưởng lên tốc độ tăng trưởng trong dài hạn, do hạn chế về năng lực khai thác (hiện tại ABI là doanh nghiệp bảo hiểm có vốn điều lệ thấp nhất trong số những doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn).
Trong quý 4/2021, ABI báo lỗ gần 16 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi ròng gần 56 tỷ đồng
Đặc biệt, yếu tố dịch bệnh năm 2021 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, khiến các doanh nghiệp và cá nhân bị khủng hoảng nặng nề về sản xuất kinh doanh, khả năng gặp khó khăn về dòng tiền hoặc giải thể, phá sản làm giảm mạnh tỷ lệ khách hàng tái tục bảo hiểm, dẫn đến thị phần của ABI sụt giảm. Nhằm đối phó với tình hình này, ABI đã chủ động điều chỉnh sản phẩm cơ bản thông qua việc tăng quyền lợi cho khách hàng tham gia bảo hiểm, mở rộng phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm. Bên cạnh đó, công ty cũng đẩy mạnh các nghiệp vụ khác như bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe,...
Mặt khác, do danh mục đầu tư của công ty là tiền gửi ngắn hạn và dài hạn tại Agribank và không có ý định thay đổi cơ cấu trong ngắn và trung hạn, nên môi trường lãi suất thấp ảnh hưởng rất lớn đến lợi suất đầu tư của toàn danh mục.
Nhận xét chung về thị trường bảo hiểm, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài Chính, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp cùng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng chống dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động khai thác mới cũng như phục vụ khách hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, nhờ các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, thị trường bảo hiểm năm 2021 vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá.
Đánh giá về cơ hội cho cổ phiếu ngành bảo hiểm năm 2022, trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thu Hà, Trưởng phòng Phân tích cổ phiếu, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, từ những quan sát trong quá khứ, giữa yếu tố về cơ bản (tăng trưởng lợi nhuận) và yếu tố hỗ trợ liên quan đến thoái vốn, thì diễn biến giá cổ phiếu bảo hiểm phản ánh nhiều hơn với nhóm yếu tố thứ 2. Trong năm 2022, nhà đầu tư vẫn cần tiếp tục quan sát cả hai yếu tố này.
Xét về mặt cơ bản, mặc dù tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm sẽ hồi phục từ mức thấp của 2021, nhưng tăng trưởng lợi nhuận dự báo sẽ khiêm tốn do tỷ lệ bồi thường có thể quay về mức bình thường trong năm 2022.
“Yếu tố bất ngờ có thể đến từ sự thành công của kênh bán hàng online với những thay đổi về quy định (giấy chứng nhận điện tử). Nếu doanh thu kênh online tăng mạnh, chi phí trung gian (cho đại lý, môi giới) có thể được tiết giảm dần dần. Mặc dù vậy, đây là yếu tố hỗ trợ về dài hạn nhiều hơn vì sự đóng góp của kênh online trong tổng doanh thu phí còn khá nhỏ. Do đó, chúng tôi có quan điểm trung lập về triển vọng lợi nhuận của nhóm cổ phiếu bảo hiểm trong 2022”, bà Hà cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận