24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Kiều Trang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bao giờ du lịch quốc tế được “phá băng”?

Bao giờ có thuốc đặc trị Covid thì lúc đó du lịch thế giới được hồi phục

Thời điểm nối các chuyến bay thương mại quốc tế đã cận kề nhưng niềm hy vọng sớm phục hồi mảng du lịch quốc tế lại đang lung lay bởi quy định về kiểm soát y tế vẫn còn khá chặt và chính sách cho du khách chưa thông thoáng.

Thứ Năm tuần rồi, Bộ Y tế đã ban hành quy định mới về phòng, chống dịch Covid-19 với người nhập cảnh. Theo đó, từ ngày 1-1-2022 tới, tức vào thời điểm bắt đầu thí điểm việc ngành hàng không nối lại đường bay thương mại quốc tế đưa khách đến Việt Nam, người nhập cảnh không phải cách ly y tế tập trung.

Tuy vậy, những người đã tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19 hoặc đã khỏi Covid-19 phải tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú trong ba ngày đầu, không được tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi cư trú. Người chưa tiêm đủ vaccine hoặc chưa tiêm sẽ cách ly tại nơi lưu trú trong bảy ngày. Nơi lưu trú được cơ quan y tế quy định là nhà ở, khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, trụ sở của cơ quan đại diện, ký túc xá, nhà khách của cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Đường đến nhiều rào cản

Quy định mới tuy đã bỏ yêu cầu cách ly y tế tập trung – điều kiện khó nhằn nhất trong việc thu hút du khách – nhưng lại chưa được như sự kỳ vọng của giới kinh doanh du lịch, là du khách sẽ được thoải mái tham quan khi có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 sau khi nhập cảnh như một số nước đang áp dụng.

Theo ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour, quy định mới là một bước thay đổi tích cực nhưng thực tế, nếu còn cách ly thì chưa thể thu hút khách du lịch đúng nghĩa. “Nếu có thì chỉ có một số ít du khách bay vào các vùng biển, đảo mới chấp nhận ở một chỗ trong ba ngày”, ông nói.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, quy định này sẽ là rào cản lớn để kết nối tour đến những thị trường gần, nơi đem lại lượng khách lớn và có khả năng kết nối nhanh nhất vì du khách ở đây thường đi tour tour ngắn, chừng ba đến năm ngày.

“Tôi phải bàn lại với đối tác để xem khách có chịu cách ly tại chỗ ba ngày hay không“, ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Indochina Unique Tourist, nói với KTSG sau khi Bộ Y tế đưa ra quy định mới. Trước đó vài ngày, doanh nhân này đã lên kế hoạch đón đoàn khách Thái Lan vào ngày 15-1, tức chỉ hai tuần sau khi đường bay quốc tế được nối lại.

Nhiều doanh nhân cho rằng, hình thức du lịch theo tour khép kín dù là chỉ là “khép kín ngắn ngày” cũng rất khó thu hút du khách. Có thể thấy điều này qua kết quả của chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam.

Theo số liệu từ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, tính từ chuyến bay đầu tiên vào ngày 17-11 đến ngày 6-12 vừa qua, chỉ mới có ba trong năm địa phương được phép đón khách quốc tế là Kiên Giang (Phú Quốc), Khánh Hòa và Quảng Nam có khách. Trong đó, Quảng Nam chỉ đón có 159 người, Phú Quốc 204, Khánh Hòa tuy khá hơn nhưng cũng chỉ được 816 khách.

“Tại sao mở rồi mà ít khách, ít chuyến bay như thế. Tôi cho rằng, các điều kiện đón khách còn khó quá, chưa đủ tính cạnh cạnh với các điểm đến đã mở cửa như Thái Lan, Singapore và Campuchia”, ông Lương Hoài Nam, chuyên gia du lịch, hàng không nói tại một tọa đàm về mở cửa du lịch.

Cùng với quy định về y tế, chính sách thị thực cũng là rào cản lớn. Hiện nay, Việt Nam đã bắt đầu mở cửa du lịch nhưng những chính sách miễn thị thực cho du khách đã bị tạm dừng từ tháng 3 năm ngoái vẫn chưa được phục hồi. Vì vậy, doanh nghiệp phải gửi văn bản đề nghị xét duyệt nhân sự nước ngoài nhập cảnh đến Cục Quản lý Xuất nhập cảnh để được xem xét và đón khách. Điều này gây khó khăn rất lớn cho việc thu hút du khách từ các thị trường trọng điểm, vốn đã được quen với việc được miễn thị thực.

Theo ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, hồi trước dịch Việt Nam đã miễn thị thực đơn phương cho 22 quốc gia, gồm chín nước trong khối ASEAN, hai nước thuộc vùng Đông Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, bốn nước Bắc Âu, năm nước Tây Âu cùng với Nga và Belarus thì nay nên hồi phục lại chính sách này khi nối đường bay. Nếu không, điểm đến sẽ giảm năng lực cạnh tranh so với các quốc gia đang mở cửa mạnh mẽ như Thái Lan, Singapore…

Hiện tại, cùng với chính sách mở cửa thông thoáng, nhiều điểm đến như Thái Lan, Campuchia đã hồi phục toàn bộ chính sách miễn thị thực cho du khách nhập cảnh.

Để gia tăng sức cạnh tranh của điểm đến, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới đây đã kiến nghị nối lại chính sách miễn thị thực, đồng thời “mở toang” cánh cửa đón khách quốc tế, cho cả mảng đường biển và đường bộ. Những kiến nghị này đang chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Lối ra cũng lắm gian nan

Theo số liệu do Hiệp hội Lữ hành Việt Nam công bố vào năm 2019, thời điểm dịch Covid-19 chưa ảnh hưởng đến du lịch, có gần 10 triệu lượt người Việt đi du lịch nước ngoài vào năm trước đó. Trong những năm gần đó, lượng khách tăng trưởng liên tục với tốc độ bình quân khoảng 20%/năm.

Cùng với việc đưa khách quốc tế vào Việt Nam, mảng dịch vụ cho khách trong nước ra nước ngoài là cực kỳ quan trọng với du lịch. Có thể nói, nếu khơi thông được đầu vào cho khách quốc tế mà ngõ ra cho khách Việt vẫn chưa được thoáng thì du lịch vẫn chưa thể phục hồi.

Hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp muốn khởi động lại mảng này khi đường bay quốc tế được nối lại nhưng lại chưa dám chuẩn bị vì vẫn chưa biết là có được phép hay không. Vào năm ngoái, khi dịch Covid-19 bùng phát, tour đến đến vùng dịch đã bị cấm. Đến nay, gần như cả thế giới đều là nơi có dịch nhưng cơ quan quản lý du lịch lại chưa có quy định mới thay thế cho nên mảng này vẫn bất động.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc nối lại mảng du lịch nước ngoài vẫn còn vướng. Trong đó, người Việt, người nước ngoài đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Việt Nam khi ra nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn vì chỉ có một số nước chấp nhận giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam. Nhiều nước chỉ chấp nhận giấy chứng nhận được chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự.

Thêm vào đó, mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng được cấp tại Việt Nam có một số hạn chế như không theo mẫu chuẩn do Bộ Y tế ban hành, một số mẫu chỉ có tiếng Việt. Chưa kể, một số nước công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam nhưng lại không chấp nhận tất cả các loại vaccine mà Việt Nam đang sử dụng khẩn cấp nên đường ra nước ngoài chưa thể thông thoáng.

Theo cơ quan này, để có thể khôi phục lại hoạt động mảng du lịch ra nước ngoài, cơ quan chức năng cần nhanh chóng đàm phán để các nước công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam. Tin vui là Bộ đã công bố mẫu hộ chiếu vaccine của Việt Nam hôm 21-12.

Thông tin gần đây về tiến độ triển khai việc công nhận hộ chiếu vaccine, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, tính đến đầu tháng 12 này, Nhật Bản, Mỹ, Anh, Úc và Belarus đã công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam với một số tiêu chuẩn cụ thể về chủng loại vaccine. Ấn Độ và Canada nhất trí về mặt nguyên tắc. Các nước ASEAN, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đã xem xét tích cực đề nghị của Việt Nam và chờ Việt Nam chính thức ban hành mẫu hộ chiếu vaccine thống nhất, cùng cơ chế xác nhận điện tử, tức du khách vẫn phải chờ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả