24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Thanh Cường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bán khống chứng khoán có bảo đảm: Chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp?

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, trái phiếu DN, chứng quyền có bảo đảm được niêm yết, đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán, thay thế cho Thông tư số 203/2015/TT-BTC.

Tại dự thảo thông tư mới này, Bộ Tài chính đã bổ sung thêm nhiều quy định mới, song điểm nhấn đáng chú ý nhất thu hút sự quan tâm của NĐT và giới chuyên gia chứng khoán là cơ chế bán khống có bảo đảm và cơ chế giao dịch trong ngày.

Theo dự thảo thông tư, giao dịch bán khống có tài sản đảm bảo là giao dịch bán chứng khoán đã vay trên hệ thống vay và cho vay chứng khoán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Người bán sau đó có nghĩa vụ mua lại số chứng khoán đó để hoàn trả khoản đã vay.

Các chứng khoán được phép giao dịch bán khống có bảo đảm là cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết, đăng ký giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán và đáp ứng các tiêu chí về thời gian niêm yết, đăng ký giao dịch; về quy mô vốn và kết quả hoạt động kinh doanh của tổ chức phát hành; về tính thanh khoản và biến động giá (nếu có); minh bạch thông tin và các tiêu chí khác theo hướng dẫn của UBCKNN.

Trên cơ sở tiêu chí do UBCKNN quy định, sở giao dịch chứng khoán công bố danh sách chứng khoán được giao dịch bán khống có bảo đảm hoặc chứng khoán không được giao dịch bán khống có bảo đảm.

Một nội dung rất quan trọng khác là bổ sung, sửa đổi một số vấn đề liên quan đến cơ chế giao dịch trong ngày (day-trading). Dự thảo thông tư định nghĩa: giao dịch trong ngày là giao dịch mua và bán cùng một mã chứng khoán với cùng một khối lượng giao dịch, thực hiện trên cùng một tài khoản và trong cùng một ngày giao dịch.

NĐT được thực hiện các giao dịch trong ngày sau khi đã ký hợp đồng giao dịch trong ngày với CTCK được cung cấp dịch vụ cho vay chứng khoán. Hợp đồng giao dịch trong ngày phải có điều khoản cho phép CTCK thực hiện các giao dịch vay, giao dịch mua bắt buộc để hỗ trợ thanh toán trong trường hợp phát sinh thiếu hụt chứng khoán để chuyển giao. Hợp đồng giao dịch trong ngày phải nêu rõ các rủi ro phát sinh, thiệt hại và chi phí phát sinh mà NĐT phải thanh toán.

NĐT có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, thanh toán cho CTCK mọi chi phí phát sinh liên quan tới hoạt động mua bắt buộc, vay chứng khoán, vay tiền để hỗ trợ thanh toán trong trường hợp không có đủ tiền để thanh toán, không có đủ chứng khoán để chuyển giao tại ngày thanh toán theo quy định pháp luật liên quan.

Theo dự thảo thông tư, hoạt động giao dịch trong ngày không được thực hiện trong khoảng thời gian 5 ngày, trước ngày đăng ký cuối cùng để chốt quyền cổ đông của chứng khoán đó. Trong trường hợp cần thiết để ổn định thị trường, UBCKNN có quyền yêu cầu tạm ngừng các hoạt động giao dịch trong ngày…

Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng về sự cần thiết ban hành quy định này, ông Phạm Đức Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Lê Gia (Le Gia Holdings) cho biết, việc giao dịch T+0 hay còn gọi là giao dịch trong ngày đã được thị trường các nước triển khai từ lâu. TTCK Việt Nam cũng trải qua 20 năm phát triển, thời điểm này là thích hợp để triển khai giao dịch T+0 vì các NĐT hiện nay đã có kiến thức rất cao rồi.

Ngoài ra, do TTCK Việt Nam hiện nay có rất nhiều NĐT nước ngoài là cá nhân và tổ chức tham gia nên cần phải có những sản phẩm phù hợp với thông lệ quốc tế. Chúng ta muốn nâng hạng thị trường thì sản phẩm phái sinh phải đầy đủ và phong phú. “Với trình độ quản lý và hạ tầng công nghệ của Việt Nam hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát tốt các giao dịch cũng như quản trị tốt các rủi ro của sản phẩm phái sinh này”, ông Thắng cho hay.

Tuy nhiên, ông Thắng khuyến nghị, đây là sản phẩm trading (mua, bán) trong phiên và mức độ biến động rất cao, nên các NĐT cần tìm hiểu thật kỹ và trang bị cho mình những kiến thức về lĩnh vực này thật sâu để đầu tư hiệu quả. Việc sử dụng đòn bẩy tài chính trong các giao dịch T+0 là hết sức thận trọng và không dành cho các NĐT ngoại đạo. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát các giao dịch có tính chất thao túng và xử lý dứt điểm các tin đồn trên thị trường như thời gian vừa qua. Đặc biệt, cần xử phạt thật nặng các cá nhân, tổ chức vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin vì đây là những tác nhân ảnh hưởng đến giá chứng khoán.

Để quy định này cần thiết và thiết thực hơn cho NĐT, cơ quan quản lý, chuyên gia phân tích chứng khoán Hoàng Đình Kế cho rằng, cơ quan quản lý cần mở thị trường từ từ và thận trọng. Cụ thể, chỉ nên cho NĐT mở một tài khoản mua bán trong phiên duy nhất tại một CTCK (các tài khoản giao dịch chứng khoán cơ sở vẫn được mở tại nhiều CTCK). Việc ký quỹ phải dùng tiền tự có của NĐT, không cho sử dụng vốn vay để ký quỹ. Nên khống chế room bán khống đối với từng loại chứng khoán dựa trên tỷ lệ free-float và công bố công khai trên các website của CTCK.

“Trong thời gian vừa qua, chúng ta chưa phát hiện và cũng rất ít các giao dịch nội gián trên thị trường. Tuy nhiên, khi có sản phẩm bán khống thì việc giao dịch nội gián sẽ phát sinh và rất tinh vi, các cơ quan quản lý phải đặc biệt lưu ý đến việc này để ban hành những chính sách quản lý thị trường phù hợp”, ông Kế khuyến nghị.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả