Ban Dân vận Trung ương đề xuất ưu tiên tiêm vắc-xin cho người lao động; sớm nghiên cứu tiêm vắc-xin dịch vụ
Theo Ban Dân vận, tiêm vắc-xin dịch vụ không chỉ giúp doanh nghiệp có nhu cầu có thể bảo vệ sức khỏe người lao động mà còn đảm bảo sản xuất, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.
Gửi công văn đến Thủ tướng Chính phủ, Ban Dân vận Trung ương cho rằng cần sớm triển khai tiêm vắc-xin dịch vụ để các doanh nghiệp có nhu cầu có thể tổ chức tiêm cho nhân viên, góp phần bảo vệ sức khỏe người lao động, đảm bảo sản xuất, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.
Một số vấn đề cần quan tâm về tình hình nhân dân trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành phố phía Nam là nội dung công văn vừa được Ban Dân vận Trung ương gửi đến Thủ tướng Chính phủ.
Dẫn số liệu từ các cấp công đoàn, Ban Dân vận Trung ương cho biết, tính đến ngày 5/8/2021, trên địa bàn 49 tỉnh, thành phố, có 21.910 công nhân, viên chức, lao động là F0; 94.277 công nhân, viên chức, lao động là F1; 210.537 công nhân, viên chức, lao động là F2; 352.335 công nhân, viên chức, lao động nằm trong các khu vực phong tỏa/cách ly y tế; 63 trường hợp công nhân, lao động tử vong do Covid-19 hoặc do tiêm phòng Covid-19 ; có 4.164 doanh nghiệp phải tạm dừng, dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất hoặc giải thể; 1.214.701 người lao động phải ngừng việc, nghỉ việc, mất việc hoặc tạm hoãn họp đồng lao động .
Đã có 4.671 doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” với 478.248 công nhân lao động “ăn - ngủ - làm việc” tại doanh nghiệp, 2.058 doanh nghiệp thành lập 7.115 Tổ an toàn Covid. Tuy nhiên, thực tế cho thấy điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng “3 tại chỗ” cho công nhân, lao động còn rất hạn chế; việc “nghỉ tại chỗ” không có thiết kế từ đầu; áp dụng lâu dài giải pháp “3 tại chỗ” sẽ ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe của người lao động, nhất là người lao động có con nhỏ, bố mẹ già cần chăm sóc, khiến người lao động và các doanh nghiện gặp nhiều khó khăn.
Ban Dân vận Trung ương đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo tập trung mọi nguồn lực và giải pháp nhằm giảm tình hình phức tạp tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; quan tâm tiếp tục có chủ trương, chế độ chính sách chăm lo cho nhân dân trong thời gian tới; chỉ đạo các đơn vị doanh nghiệp nhà nước như điện, nước, xăng dầu, khí đốt, viễn thông... tiếp tục có phương án giảm giá, hỗ trợ người dân trong mùa dịch bệnh. Chỉ đạo nắm bắt tình hình các doanh nghiệp để có phương án cho công nhân ở tại chỗ, hỗ trợ họ đảm bảo cuộc sống để khi hết dịch có thể tổ chức sản xuất, kinh doanh ngay, tránh để thiếu hụt nguồn nhân lực lao động sau dịch.
Đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo Bộ Y tế đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, tránh tình trạng thiếu vắc-xin mà vẫn có vắc-xin bị hết hạn; nghiên cứu sớm triển khai tiêm vắc-xin dịch vụ để các doanh nghiệp có nhu cầu có thể tổ chức tiêm cho nhân viên, góp phần bảo vệ sức khỏe người lao động, đảm bảo sản xuất, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.
Ngoài ra, cần xem xét trong trường hợp cụ thể, có thể tiến hành phong toả toàn bộ khu vực xuất hiện F0, không di chuyển F0, F1 ra ngoài về khu tập trung; nghiên cứu lại việc xét nghiệm toàn dân, chỉ áp dụng khi có F0, đồng thời ưu tiên bệnh viện cho điều trị, dồn người cách ly ra khỏi bệnh viện, trừ F0 nặng.
Đối với các tỉnh, thành phố, đề nghị từ Ban Dân vận Trung ương là xem xét có kế hoạch ưu tiên tiêm vắc - xin phòng Covid-19 cho công nhân lao động để duy trì sản xuất, đảm bảo mục tiêu kép của Chính phủ và việc làm, đời sống cho công nhân; hỗ trợ đối tượng người lao động chưa được ký họp đồng lao động, chưa được tham gia bảo hiểm xã hội như đối tượng không có quan hệ lao động (lao động tự do) theo Khoản 12, Mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ.
Đối với việc chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, Ban Dân vận Trung ương đề nghị các tỉnh khi thực hiện chính sách này phải đảm bảo sự đồng thuận của người lao động. Trường hợp người lao động không thể thực hiện “3 tại chỗ” mà phải ngừng việc thì doanh nghiệp phải trả lương ngừng việc theo quy định tại Khoản 3, Điều 99, Bộ luật Lao động năm 2019.
Một đề nghị nữa được nêu tại công văn là các tỉnh, thành cần quan tâm, không để các đối tượng yếu thế, nhất là người lao động thời vụ từ ngoại tỉnh, người tàn tật, độc thân, hộ nghèo, các đối tượng bảo trợ tại các trung tâm bảo trợ xã hội (nhất là các trung tâm ngoài hệ thống nhà nước) bị thiếu các nhu yếu phẩm tối thiểu phục vụ cuộc sống.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận