24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Sơn Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

'Bấm nút' kích hoạt nền kinh tế trước cơ hội vàng

Mặc dù đã thành công lớn trong chống dịch Covid-19 nhưng giờ đây, Chính phủ còn phải "bấm nút" kích hoạt cho guồng máy chạy, vì nền kinh tế thịnh vượng.

Câu hỏi không dễ

“Thành công trong chống dịch và chỉ số GDP tệ nhất trong nhiều thập niên‘’ (Success against coronavirus came with worst GDP numbers in decades). Đó là kết luận của Nikkei Asia Review khi dẫn lại kết quả cuộc họp báo của Tổng cục Thống kê hôm 29-6 vừa qua.

Nó khác hoàn toàn so với nhiều dự báo lạc quan khi nói về một "thời cơ vàng" cho Việt Nam, đó là lòng tin của người dân đang ở mức cao, thương hiệu quốc gia đạt vị trí mới trên trường quốc tế, và những sắp xếp lại của nền kinh tế nước nhà do ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế đứng số một và số hai của thế giới.

Câu hỏi là làm thế nào để chúng ta không bị vuột mất cơ hội vàng này một lần nữa?

Nhưng câu hỏi khó hơn chính là làm thế nào để Việt Nam không bị chậm lại trong một thế giới, dù bất định hơn, nhưng lại càng nhanh hơn.

Cũng như trong dịch bệnh hay khủng hoảng, mọi con mắt đều nhìn vào bản lĩnh của những nhà lãnh đạo.

Nội lực và sức dân

Bản lĩnh đó là cách xử lý, vừa quyết đoán, táo bạo, vừa mềm dẻo, thận trọng để làm sao đủ “khoan sức dân” nhằm tăng cường nội lực.

Tôi nhận được tin nhắn quảng cáo của tổng đài điện thoại từ Bộ Công Thương, có lẽ là nhắn chung cho tất cả mọi người, nói về chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020 - Vietnam Grand Sale 2020”.

Lần đầu tiên, nhà nước cho phép doanh nghiệp khuyến mãi 100%, đăng ký khuyến mãi trực tuyến mất 5 phút. Câu hỏi là, người tiêu dùng lấy tiền đâu để… mua sắm?

Khi nước Mỹ phải tạm thời “đóng cửa”, chính quyền Mỹ tính ngay chuyện chi tiền “tạm ứng” cho từng người dân, để khi thị trường bắt đầu nới lỏng, họ đổ xô đi mua sắm.

Đó là cách làm của nước giàu, Việt Nam không theo được. Nhưng cách nghĩ thì chúng ta phải tham khảo. “Đầu tiên” là “tiền đâu” để dân mua sắm, khi Chính phủ kích cầu trở lại? Sức dân là điều phải nghĩ đến trước tiên.

Con đường Đồng Khởi, khu vực đắt đỏ nhất TPHCM, giờ đây hàng loạt cửa hàng đóng cửa treo bảng cho thuê mặt bằng. Khách sạn Park Hyatt có tỷ lệ lấp đầy chưa đến 3%. Đâu chỉ vì Việt Nam đang mất 99% khách du lịch quốc tế vì dịch bệnh, mà còn vì nội lực của nền kinh tế chúng ta đang giảm, vì sức mua của mọi tầng lớp nhân dân đều yếu.

Tăng trưởng kinh tế thấp với mức tăng trưởng GDP nửa đầu năm 2020 chỉ đạt 1,81%. Chỉ số này được cơ quan thống kê thừa nhận là thách thức cho mục tiêu tăng trưởng cả năm, mặc dù đây là mức tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Báo chí dẫn lời Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) Dương Mạnh Hùng: "Mức tăng trưởng này, kém hơn cả kịch bản thấp nhất mà cơ quan này đặt ra trước đó. Mục tiêu tăng trưởng 6,8% là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi trong bối cảnh dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu hiện tại. Để đạt được mục tiêu trên 2 quí cuối năm phải tăng trưởng trên 10%".

Tất nhiên, Chính phủ đã hạ thấp mục tiêu, như phát biểu ngày 5-5 vừa qua trong phiên họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Không thể chấp nhận mức tăng trưởng kinh tế ở mức 2,7% như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo mà phải tăng trưởng gấp đôi mức này và kiểm soát lạm phát dưới 4%”.

Chúng ta lấy gì để “kéo” GDP trong 6 tháng cuối năm nay, khi mà dịch bệnh trên thế giới vẫn tiếp tục, số ca nhiễm đã vượt qua 10 triệu?

Câu trả lời ai cũng dễ nhận thấy: khai thông hết toàn bộ tiềm lực hiện có của nền kinh tế, giải phóng hết khả năng phát triển của doanh nghiệp. Năm mũi giáp công như Thủ tướng đang kêu gọi cũng là để thực hiện mục tiêu này: thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công; khuyến khích tiêu dùng nội địa; và thu hút FDI.

'Bấm nút' kích hoạt nền kinh tế trước cơ hội vàng

Nhưng tất cả đang chậm lại, đang chờ đợi một điều gì đó không phải là “tăng trưởng”.

'Bình thường mới' nào cho kinh tế Việt Nam?

Báo cáo mới nhất của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đưa tên Việt Nam vào danh sách các quốc gia hưởng lợi từ việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp toàn cầu theo hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc, trong đó chỉ đề cập đến hai nhóm ngành: sản xuất điện thoại và dệt may, vốn là những nhóm hàng đã tốt từ nhiều năm nay.

Các nước đang trong quá trình tính toán, sắp đặt lại điểm đến của những nhà đầu tư đang rời khỏi Trung Quốc. Cơ hội đã rõ, nhưng chúng ta nắm bắt kiểu gì? Đường đi nào được vẽ ra cho sự chuyển dịch kinh tế thế giới này? Bản đồ nào hướng dẫn nhà đầu tư “đi đúng nơi về đúng chỗ”, và ai sẽ là người hướng dẫn, xử lý những khó khăn?

Khoảng 2.000 tỉ đô la Mỹ dời khỏi Trung Quốc. Việt Nam sẽ lấy được bao nhiêu % từ số này? Giả dụ, con số mà tôi nghĩ đến, là vài phần trăm thôi, cũng đủ để tạo đà tăng trưởng mới cho Việt Nam.

Ông Phan Hữu Thắng, người từng giữ vị trí Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch Đầu tư vô cùng lo lắng: “Trong thời gian qua, nhiều cuộc hội nghị đã bàn đến việc thúc đẩy vốn đầu tư nước ngoài. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đang suy giảm từ 1.300 tỉ đô la xuống còn gần 1.000 tỉ đô la.

Sự cạnh tranh đến từ các nước trong khu vực ngày càng tăng, do đó cần có nhiều chính sách, sự hỗ trợ để lôi kéo nhà đầu tư nước ngoài. Việc thay đổi, điều chỉnh cơ cấu đầu tư, hệ thống luật pháp chính sách theo đúng định hướng thu hút đầu tư nước ngoài một cách có chọn lọc... là những việc cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế ngày càng phức tạp hơn”.

Đầu tư nước ngoài đang chững lại

Ngày 20-8-2019, lần đầu tiên sau 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW để định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Nghị quyết được kỳ vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, giúp Việt Nam thu hút được một thế hệ FDI mới có chất lượng cao hơn.

Hơn 8 tháng sau, Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27-4-2020 của Chính phủ được ban hành để đưa ra chương trình hành động thực hiện nghị quyết này. Và sau gần hai tháng, đến ngày 17-6-2020, chính phủ ban hành Quyết định 850/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài.

Tổng thời gian để các doanh nghiệp FDI đứng sẵn bên ngoài, từng hào hứng kỳ vọng vào Nghị quyết 50, đến nay, là gần tròn một năm.

Theo thống kê chính thức, lũy kế đến ngày 20-5, cả nước có 32.025 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 376,6 tỉ đô la. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 218,48 tỉ đô la, bằng 58% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 6,7 tỉ đô la, bằng 91,8% so với cùng kỳ năm 2019. Có 1.212 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng kí đầu tư (giảm 10,1% so với cùng kỳ) và có 436 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 13,7% so với cùng kỳ).

Rõ ràng, những con số này đi ngược lại với những hào hứng của mọi người về bức tranh kinh tế chuyển đổi mới theo hướng chậm lại.

Đầu tư trong nước: “dự án trùm mền”

'Bấm nút' kích hoạt nền kinh tế trước cơ hội vàng
Đầu tư FDI qua các năm. Ảnh TTXVN

Nếu dòng đầu tư nước ngoài, với nhiều kỳ vọng, bỗng dưng chững lại thì dòng vốn đầu tư tư nhân trong nước đóng băng từ trước Covid-19, đã thổi một luồng gió độc vào “cơ thể tăng trưởng” của đất nước.

Ở một "quốc gia khởi nghiệp", theo đúng nghĩa đen của từ này, thì bất động sản vẫn là thị trường lớn nhất. Nhưng từ khá lâu thị trường này đang “trùm mền” ngủ đông.

Đang trong thời điểm “chống tiêu cực” nhưng chuyện sai trái của một cặp vợ chồng đại gia “xã hội đen”, diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng gần như địa phương chẳng hề biết, giờ bỗng nhiên lật lại hết, kéo dây cà ra dây muống.

Vì những đồn thổi liên quan đến chuyện đất cát ở Bình Dương, chuyện hậu kỳ của những dự án bất động sản ở Đà Nẵng hay những vướng mắc dài tập ở Thủ Thiêm…

Cái sai thì phải sửa và phải sửa thường xuyên. Cuộc sống kinh tế đa phần là tích cực thì vẫn luôn luôn có mặt trái tiêu cực. Nếu không xã hội cần có các cấu trúc luật pháp, chấp pháp để làm gì?

Cũng như 42% các doanh nghiệp FDI đã ký cam kết đầu tư chính thức vào Việt Nam vẫn chưa thể bắt tay vào hiện thực hoá việc làm ăn của mình được.

Ai sẽ trả lời những vấn đề này của doanh nghiệp? Họ đúng hay họ sai? Họ phải làm gì tiếp tục để dự án không “trùm mền”?

Trong khi đó, dường như cách hành xử của chúng ta là: để tiêu cực (nhất là trong kinh tế) thành vết thương bung mủ, và tất cả sức mạnh dồn vào đó để chữa thương mà quên lo cho “cơ thể tăng trưởng” bình thường, cứ để mặc cho phần tích cực tự mình bươn chải.

Điều nghiêm trọng hơn đang diễn ra, là những cái đúng cũng không có ai đứng ra bênh vực, bảo vệ. Thà để doanh nghiệp “trùm mền”, tài khoản đóng băng, còn hơn là lên tiếng để dễ “há miệng mắc quai”.

Chỉ cần dạo một vòng ngắn, rất ngắn ở khu vực trung tâm TPHCM sẽ đếm không xuể những dự án đất vàng, đất kim cương bị “trùm mền” suốt nhiều năm nay. Anh tài xế taxi cũng có thể kể vanh vách dự án nào có bao nhiêu doanh nghiệp và lãnh đạo bị khởi tố vì những tội trạng gì.

Nhưng cái được từ việc “xử lý tội trạng này” có bù đắp được những tổn thất về kinh tế cho đất nước khi những dự án lớn ở trung tâm thành phố bị hoang phế? Ai sẽ tính toán, và ai sẽ chịu trách nhiệm khi không thúc đẩy những dự án này thành hình?

TPHCM có trên 100 dự án chỉ vì sự mơ hồ của các thuật ngữ như “đất”, “đất ở”, “nhà đầu tư”, “chủ đầu tư”… và bị "trùm mền", trong khi đó hàng trăm ngàn người lao động và gia đình họ có thu nhập từ những dự án này. Vậy giờ làm sao họ có tiền để sống, chứ đừng nói để ủng hộ “kích cầu” của Bộ Công Thương!

Cũng như 42% các doanh nghiệp FDI đã ký cam kết đầu tư chính thức vào Việt Nam vẫn chưa thể bắt tay vào hiện thực hoá việc làm ăn của mình được. Ai sẽ trả lời những vấn đề này của doanh nghiệp? Họ đúng hay họ sai? Họ phải làm gì tiếp tục để dự án không “trùm mền”?

Đừng mất lòng tin vào cái tốt

Bất luận thế nào, dòng sống vẫn diễn ra với nhiều điều tốt, nhiều người tốt. Họ có lòng tin đủ để vượt qua nỗi sợ sai sót vì những lỗi trong cơ chế.

Tôi có anh học trò, làm đầu tư trong lĩnh vực giáo dục công nghệ cao, đại diện cho một doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Anh kể, đến một tỉnh nọ, có ông giám đốc sở đòi tất cả mọi giấy tờ có đóng mộc đỏ của Mỹ, và yêu cầu đối tác Mỹ đến làm việc chính thức. Nhưng do dịch bệnh mà, đâu có ai bay sang Việt Nam được.

Có một lãnh đạo trẻ đã từng chia sẻ với tôi, có những lúc nhiều nơi vẫn loay hoay với câu hỏi, chúng ta “cần cái cầu để phục vụ cho sự phát triển, chứ không phải chọn ai là nhà đầu tư”.

Nhưng sự thật chúng ta đã loay hoay tìm câu trả lời ai là chủ đầu tư hơn là tập trung vào chuyện mục tiêu là phải có được cái cầu để phát triển.

Vậy thì chờ hết dịch rồi tính. Nhưng lại có ông bí thư tỉnh khác, tự lấy xe máy, chở anh đi một vòng giới thiệu về địa phương, về tiềm năng, và chẳng ngần ngại mỗi tuần đều nhắn tin hỏi thăm các lãnh đạo sở về tình hình triển khai chương trình này đến đâu rồi.

“Ông bí thư nhiệt tình đến mức có người thắc mắc động cơ là gì…”, anh kể.

Hay một ông bí thư tỉnh ủy khác của tỉnh miền Tây nọ, đi họp Quốc hội mà mang theo rất nhiều đồ đạc của các bạn khởi nghiệp để nhờ vả người này người khác kết nối thị trường giúp. Nhờ tới mức, ông bị hỏi là có quan hệ gì với những doanh nghiệp làm thổ cẩm, làm mỹ nghệ này không.

Câu hỏi “động cơ là gì?” này, hình như khác với cách nghĩ của việc lãnh đạo phải làm gì để mang lại tăng trưởng cho đất nước?

Sự nghi ngờ chung chung đó, hoặc là tâm lý dè chừng, thụ động đó, cũng có thể làm “vỡ bình” như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng cảnh báo.

Có một lãnh đạo trẻ đã từng chia sẻ với tôi, có những lúc nhiều nơi vẫn loay hoay với câu hỏi, chúng ta “cần cái cầu để phục vụ cho sự phát triển, chứ không phải chọn ai là nhà đầu tư”, nhưng sự thật chúng ta đã loay hoay tìm câu trả lời ai là chủ đầu tư hơn là tập trung vào chuyện mục tiêu là phải có được cái cầu để phát triển.

Người phương Tây có một khái niệm rất hay "champion". Từ này, bao gồm một nhóm nghĩa khác nhau: người quán quân, nhà vô dịch, người chiến thắng, người anh hùng. Nhưng lại cũng mang nghĩa người đứng lên để bênh vực cho cái đúng, và là người ủng hộ những thay đổi tích cực.

Hiện giờ, giới công nghệ quay lại sử dụng khái niệm này, để nói về những người tạo ra sự thay đổi. Thậm chí, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam có hẳn một chức danh gọi là “Innovation champion” chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp.

'Bấm nút' kích hoạt nền kinh tế trước cơ hội vàng

Khái niệm “champion” là rất hay, chúng ta chiến đấu để mang lại tác động tích cực lớn lao và tốt đẹp cho xã hội và từ đó được vinh danh là anh hùng, chứ không phải bằng cách ngoan ngoãn để được phong anh hùng bởi một nhóm nhỏ trong thầm lặng. Chúng ta đang đứng trước một thời cơ vàng. Và việc của người lãnh đạo là phải dũng cảm và không được lúng túng để làm vuột mất cơ hội quan trọng bậc nhất để phát triển đất nước.

Hãy đứng dậy và bênh vực những cái tốt, bảo vệ những cái đúng, ủng hộ sự phát triển của doanh nghiệp để có thể giải phóng nguồn lực và tạo lập luật chơi phù hợp, thay đổi. Hãy chấp nhận là người lãnh đạo là phải “mở con đường, hướng dẫn đường đi”.

Cũng như trong chống dịch bệnh, Việt Nam thành công vì trước hết, đã có một sự chỉ huy, với đầy đủ trách nhiệm cao nhất, từ trên xuống dưới. Như nhà chiến lược nghiên cứu về Việt Nam của Đại học New South Wales (Úc), Carl Theyer nói: “Việt Nam là một đất nước biết kích hoạt”. Chính phủ phải bấm nút kích hoạt cho cả guồng máy chạy, vì nền kinh tế thịnh vượng quốc gia.

Báo Asia Nikkei Review ngày 7-5-2020 đã viết: “Trong thế giới tăm tối hiện nay, Việt Nam trông giống như một điểm sáng. Tuy nhiên để duy trì điểm sáng này Việt Nam cần áp dụng các kỹ năng và nghệ thuật tương tự trong khi chống dịch bệnh, cho sức khỏe nền kinh tế. Nói bao giờ cũng dễ hơn làm”.

Mong rằng hậu Covid khi tái kích hoạt kinh tế, chính phủ sẽ quyết liệt trong hành động, để không dừng lại ở những yên ổn tạm thời “vì chưa có ai chết vì virus” .

Về lâu dài, con virus trì trệ còn đáng sợ hơn!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả