24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Chính Đức
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bài toán hóc búa Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO trước mặt Nga

Phần Lan, Thụy Điển, gia nhập NATO, liên minh, chiến dịch quân sự, cuộc chiến Nga-Ukraine, Tổng thống Nga, Vladimir Putin, phản ứng, cường quốc

Tại sao Phần Lan và Thụy Điển “quay xe”?

Trong khi các nước Bắc Âu khác như Na Uy, Đan Mạch và Iceland là thành viên ban đầu của NATO, Thụy Điển và Phần Lan đã không tham gia vì lý do lịch sử và địa - chính trị.

Cả Phần Lan, quốc gia tuyên bố độc lập khỏi Nga vào năm 1917 sau Cách mạng Tháng Mười, và Thụy Điển đã áp dụng các quan điểm chính sách đối ngoại trung lập trong Chiến tranh Lạnh, từ chối liên kết với Liên Xô hoặc Mỹ.

Đối với Phần Lan, điều này tỏ ra khó khăn hơn, vì nước này có chung đường biên giới dài với Liên Xô. Để giữ hòa bình, người Phần Lan đã áp dụng một quy trình mà một số người gọi là “Phần Lan hóa”, trong đó các nhà lãnh đạo thỉnh thoảng tuân theo các yêu cầu của Liên Xô.

Sau sự sụp đổ của Liên Xô, Phần Lan và Thụy Điển cùng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào năm 1995 và dần dần điều chỉnh các chính sách quốc phòng của mình với phương Tây, trong khi vẫn né tránh việc gia nhập NATO.

Mỗi quốc gia có những lý do khác nhau để tránh tham gia NATO song song với Liên minh châu Âu (EU). Đối với Phần Lan, lý do mang tính địa - chính trị nhiều hơn. Mối đe dọa đối với Nga hiện hữu hơn do đường biên giới chung dài hơn 1.335 km của hai nước.

“Phần Lan là quốc gia bị phơi bày, và chúng tôi là quốc gia cần được bảo vệ”, cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn chung với cựu Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb.

Một cuộc tập trận chung giữa Phần Lan và Thụy Điển. Video: Off Track Places.

Mặc dù là một quốc gia độc lập, nhưng vị trí địa lý của Thụy Điển đặt nước này trong cùng một “môi trường chiến lược” như các nước láng giềng dân chủ tự do, ông Bildt nói. Phần Lan và Thụy Điển đã có mối quan hệ đối tác chặt chẽ trong nhiều thập kỷ, với việc Stockholm coi quyết định từ chối gia nhập NATO là một cách để giúp giữ cho Helsinki tránh xa nguồn nhiệt.

Tuy nhiên, bây giờ Thụy Điển nhiều khả năng sẽ tiếp bước Phần Lan. “Chúng tôi chia sẻ ý tưởng rằng sự hợp tác chặt chẽ sẽ mang lại lợi ích cho cả hai chúng ta”, đương kim Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson phát biểu tại một cuộc họp báo vào tháng trước cùng với người đồng cấp Phần Lan Sanna Marin.

Bài toán hóc búa Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO trước mặt Nga ảnh 1

Các thành viên NATO ở châu Âu. Đồ họa: CNN/NATO.

Lý do chính gia nhập NATO

Lý do hầu hết các nước gia nhập NATO là vì Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương quy định rằng tất cả các bên ký kết coi một cuộc tấn công vào một thành viên là cuộc tấn công chống lại tất cả. Điều 5 đã là nền tảng của liên minh kể từ khi NATO được thành lập vào năm 1949 với tư cách là một đối trọng với Liên Xô.

Điểm đặc biệt của Hiệp ước và Điều 5 là ngăn chặn Liên Xô tấn công các nền dân chủ tự do vốn thiếu sức mạnh quân sự. Điều 5 đảm bảo rằng các nguồn lực của cả liên minh - bao gồm cả quân đội khổng lồ của Mỹ - có thể được sử dụng để bảo vệ bất kỳ quốc gia thành viên nào, bao gồm các quốc gia nhỏ hơn không thể tự vệ nếu không có đồng minh của họ. Ví dụ, Iceland không có quân đội thường trực.

Ông Bildt nói rằng, ông không thấy các căn cứ quân sự lớn mới được xây dựng ở Phần Lan hay Thụy Điển nếu hai nước này gia nhập NATO. Ông cho rằng, việc tham gia liên minh có thể đồng nghĩa với việc lập kế hoạch và huấn luyện quân sự chung giữa Phần Lan, Thụy Điển và 30 thành viên hiện tại của NATO.

Các lực lượng của Thụy Điển và Phần Lan cũng có thể tham gia vào các hoạt động khác của NATO trên toàn cầu, như ở các nước Baltic, nơi một số căn cứ có quân đội đa quốc gia. “Sẽ có sự chuẩn bị cho các trường hợp bất thường như một phần để ngăn chặn bất kỳ cuộc phiêu lưu nào mà người Nga có thể đang nghĩ đến”, ông Bildt nói.

Bài toán hóc búa Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO trước mặt Nga ảnh 2

Các lực lượng liên minh dọc biên giới phía đông của NATO. Đồ họa: CNN/NATO.

Nguyên nhân Nga ghét NATO

Tổng thống Nga Vladimir Putin coi NATO như một bức tường thành nhằm vào Nga, dù liên minh đã dành phần lớn thời kỳ hậu Xô Viết để tập trung vào các vấn đề như chống khủng bố, gìn giữ hòa bình… Trước khi Tổng thống Putin ra lệnh thực hiện hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, ông đã nói rõ rằng, NATO đã tiến quá gần với Nga và nên rút lui về biên giới của những năm 1990, trước khi một số quốc gia láng giềng của Nga hoặc là các quốc gia thuộc Liên Xô cũ gia nhập liên minh quân sự.

Mong muốn gia nhập NATO của Ukraine và tư cách đối tác NATO của nước này (được coi là một bước trên con đường trở thành thành viên đầy đủ của liên minh) là một trong những điều khiến ông Putin bất bình.

Điều trớ trêu là cuộc chiến ở Ukraine đã mang lại cho NATO một mục đích mới. “Điều 5 đã quay trở lại cuộc chơi và mọi người hiểu rằng chúng tôi cần NATO vì mối đe dọa tiềm tàng từ Nga”, ông Stubb nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN trước khi xung đột vũ trang Nga-Ukraine bùng phát.

Bài toán hóc búa Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO trước mặt Nga ảnh 3

Thời điểm các nước gia nhập NATO. Đồ họa: CNN/NATO.

Cuộc chiến ở Ukraine đã thay đổi mọi thứ

Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine là giọt nước tràn ly, thúc đẩy Thụy Điển và Phần Lan đi về phía NATO. Ukraine có 44 triệu dân và lực lượng vũ trang 200.000 quân. Phần Lan và Thụy Điển đều có quy mô nhỏ hơn.

Hồi tháng 4, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin nói: “Mọi thứ đã thay đổi khi Nga tấn công Ukraine. Tư duy của người dân ở Phần Lan, cũng như ở Thụy Điển đã thay đổi và thay đổi rất đáng kể”. Kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2, sự ủng hộ của công chúng đối với việc gia nhập NATO ở Phần Lan đã tăng vọt từ khoảng 30% lên gần 80% trong một số cuộc thăm dò. Đa số người Thụy Điển cũng tán thành việc đất nước của họ tham gia liên minh, theo các cuộc thăm dò dư luận ở nước này.

“Tư cách thành viên NATO của chúng tôi được quyết định vào ngày 24/2, lúc 5 giờ sáng, khi ông Putin và Nga tấn công Ukraine. Phần Lan và Thụy Điển sẽ không tham gia nếu không có cuộc tấn công này”, ông Stubb nhận định.

Trước khi cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ, Nga đã cố gắng yêu cầu NATO đảm bảo an ninh rằng liên minh này ngừng mở rộng về phía đông. Tuy nhiên, NATO đã không nhượng bộ vì lo ngại Nga can thiệp chính sách đối ngoại của các nước láng giềng bằng cách làm mất đi khả năng lựa chọn đồng minh và đối tác của họ.

Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultqvist nói với CNN rằng, Nga muốn có “ảnh hưởng thực sự trong các lựa chọn an ninh ở châu Âu”. “Họ muốn có ảnh hưởng đến các quốc gia trong khu vực lân cận. Và điều đó là hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với Thụy Điển”, ông Hultqvist nói.

Bài toán hóc búa Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO trước mặt Nga ảnh 4

Cảnh sát đặc nhiệm Ukraine kiểm tra một địa điểm sau cuộc không kích của lực lượng Nga ở Lysychansk, Ukraine hôm 13/5. Ảnh: AP.

Điều gì xảy ra tiếp theo?

Hôm 12/5, các nhà lãnh đạo Phần Lan công bố ý định gia nhập NATO. Thụy Điển dự kiến ​​sẽ làm theo, có khả năng sớm nhất là vào ngày 16/5, theo ông Bildt.

Phần Lan cho biết họ hy vọng sẽ đăng ký làm thành viên NATO và hoàn thành các bước cần thiết ở cấp quốc gia “trong vài ngày tới”. Điều đó sẽ bao gồm một cuộc bỏ phiếu trong Quốc hội Phần Lan về quyết định có tham gia NATO hay không.

Các nhà ngoại giao NATO nói với Reuters rằng, việc phê chuẩn các thành viên mới có thể mất một năm, vì cơ quan lập pháp của tất cả 30 thành viên hiện tại phải chấp thuận các ứng viên mới. Cả Phần Lan và Thụy Điển đều đã đáp ứng nhiều tiêu chuẩn để trở thành thành viên NATO, bao gồm có một hệ thống chính trị dân chủ hoạt động dựa trên nền kinh tế thị trường; đối xử công bằng với các nhóm dân tộc thiểu số; cam kết giải quyết các xung đột một cách hòa bình; khả năng và sự sẵn sàng đóng góp quân sự cho các hoạt động của NATO; cam kết thực hiện các quan hệ và thể chế dân chủ-quân sự.

Là hai nền dân chủ tự do đang phát triển mạnh, Thụy Điển và Phần Lan đáp ứng các yêu cầu gia nhập NATO, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến quá trình này trở nên khó khăn hơn. Hôm 13/5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, ông không nhìn nhận Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO “một cách tích cực”, cáo buộc hai nước này là nơi ở của “các tổ chức khủng bố” người Kurd.

Trong khi đó, cả hai nước sẽ phải dựa vào các đồng minh và đối tác hiện tại để được đảm bảo an ninh, thay vì Điều 5. Thụy Điển và Phần Lan đã nhận được sự đảm bảo hỗ trợ từ Mỹ và Đức nếu họ bị tấn công, trong khi Thủ tướng Anh Boris Johnson đã ký các thỏa thuận an ninh chung với hai người đồng cấp Phần Lan và Thụy Điển trong tuần này.

Bài toán hóc búa Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO trước mặt Nga ảnh 5

Khói bốc lên phía trên nhà máy thép Azovstal ở Mariupol, Ukraine ngày 13/5. Ảnh: AP.

Phản ứng của Nga

Bộ Ngoại giao Nga mới đây tuyên bố, Phần Lan đã áp dụng một “sự thay đổi căn bản” trong chính sách đối ngoại, buộc Nga sẽ phải thực hiện “các bước trả đũa, cả về quân sự-kỹ thuật và các lĩnh vực khác”.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng “sự mở rộng của NATO không làm cho thế giới ổn định và an ninh hơn”. Ông nói thêm rằng, phản ứng của Nga sẽ phụ thuộc vào “cơ sở hạ tầng quân sự sẽ di chuyển bao xa và gần biên giới Nga”.

Theo NATO, Nga hiện chung khoảng 1.215 km đường biên giới trên bộ với 5 thành viên NATO. Việc Phần Lan gia nhập có nghĩa là một quốc gia mà Nga có chung đường biên giới dài hơn 1.335 km sẽ chính thức liên kết quân sự với Mỹ.

Đây không chỉ là tin xấu đối với Điện Kremlin mà việc bổ sung Phần Lan và Thụy Điển sẽ có lợi cho NATO. Cả hai đều là những cường quốc quân sự nghiêm túc, mặc dù dân số của họ nhỏ.

Tuy nhiên, cả hai ông Bildt và Stubb đều tin rằng, đến nay, phản ứng của Nga tương đối im lặng. Ông Stubb nói: “Điện Kremlin coi tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển là một giải pháp của Bắc Âu, và theo nghĩa đó, không phải là một mối đe dọa triệt để. Chúng tôi không quá lo lắng.

Hai ông tin rằng, Nga cuối cùng vẫn coi hai nước là láng giềng đáng tin cậy, bất chấp quyết định tham gia một liên minh do Mỹ hậu thuẫn. “Việc Phần Lan và Thụy Điển là một phần của phương Tây không phải là điều ngạc nhiên”, ông Bildt nói.

Bài toán hóc búa Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO trước mặt Nga ảnh 6

Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Jussi Niinistö kiểm tra quân đội Phần Lan. Ảnh: Getty Images.

Công ty điện lực Phần Lan Fingrid xác nhận với CNN hôm 14/5 rằng Nga đã đình chỉ xuất khẩu điện sang Phần Lan. Phó chủ tịch cấp cao về vận hành hệ thống điện của Fingrid Reima Päivinen cho biết nguồn cung đã bị cắt từ lúc 12h ngày 14/5.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả