Bài 1: Bùng nổ thị trường chứng khoán và câu chuyện "người người rủ nhau chơi chứng"
Nhiều năm nay rhị trường Chứng khoán (TTCK) Việt Nam được xác định là một trong những kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế, đặc biệt là vốn trung và dài hạn. Mặc dù đã có lịch sử phát triển hơn 20 năm, song TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá là còn rất sơ khai, được bạn bè quốc tế xếp vào hàng thị trường cận biên (Frontier Market).
Trong thời kỳ có thể gọi là "tranh tối tranh sáng", nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ với vốn kiến thức, kinh nghiệm ít ỏi, lại ham làm giàu nhanh đã bị "chết chìm" trong những canh bạc; song cũng có người lại thu được những khoản lợi nhuận kếch xù.
Vậy làm thế nào để giữ được những mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra cho TTCK, để thị trường phát triển lành mạnh, bền vững? đồng thời giúp cho nhà đầu tư có thêm kiến thức, kinh nghiệm và có những khoản lợi nhuận xứng đáng với số tiền và công sức mình bỏ ra? Tất cả sẽ có trong loạt bài dưới đây.
Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán
Sự phát triển TTCK ở Việt Nam được mở đầu bằng việc thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam vào ngày 28/11/1996 theo Nghị định số 75/CP của Chính phủ. 2 năm sau đó, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức được khai sinh khi Nghị định số 48/CP của Chính phủ được ký vào ngày 11/7/1998.
Năm 2000, Trung tâm giao dịch chứng khoán (TTGDCK) TP Hồ Chí Minh bắt đầu đi vào hoạt động và thực hiện phiên giao dịch đầu tiên với 2 mã cổ phiếu REE và SAM. Năm 2005, TTGDCK Hà Nội được ra mắt.
Nếu như TTGDCK TP Hồ Chí Minh là nơi niêm yết giao dịch chứng khoán của những công ty lớn, thì TTGDCK Hà Nội là nơi tập trung niêm yết của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và với hoạt động đấu giá cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Năm 2006, để tạo cơ sở cho TTCK phát triển nhanh, ổn định, hội nhập với thị trường vốn quốc tế…, Luật Chứng khoán được ban hành. TTCK bước vào giai đoạn thay đổi mạnh mẽ. Điều này được minh chứng do trong giai đoạn vốn hóa thị trường chỉ đạt mức trên dưới 1% GDP. Đến năm 2006, quy mô thị trường đã có bước nhảy vọt mạnh mẽ khi đạt 22,7% GDP, con số thậm chí tiếp tục tăng mạnh tới mức trên 43% vào năm 2007.
Tuy nhiên, đến năm 2008, do ảnh hưởng tình hình TTCK thế giới và tình hình phát triển kinh tế trong và ngoài nước, TTCK bị sụt giảm mạnh với mức vốn hóa thị trường giảm mạnh, xuống còn 18% GDP. Qua năm 2009, thị trường bắt đầu hồi phục nhẹ với vốn hóa thị trường đạt 37,71% GDP. Việc TTCK lên xuống cũng là quy luật của thị trường.
Trải qua quá trình phát triển, với sự ra đời của hàng loạt công ty niêm yết trên thị trường, cùng với đó là sự siết chặt quản lý, tăng tính minh bạch của nhà nước, TTCK tiếp tục được phát triển mạnh mẽ. Đến năm 2015, vốn hóa thị trường chứng khoán có lúc đạt tới 80% GDP.
Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, TTCK Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện về cấu trúc, phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho doanh nghiệp và nền kinh tế với quy mô huy động vốn giai đoạn 2011-2020 đạt gần 2,9 triệu tỷ đồng cho đầu tư phát triển, gấp gần 10 lần so với giai đoạn 2001-2010, đóng góp bình quân 19,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; góp phần cơ cấu lại hệ thống tài chính Việt Nam theo hướng cân đối, bền vững hơn.
Cơ cấu của thị trường từng bước được hoàn thiện, từ chỗ chỉ có thị trường cổ phiếu đến nay đã có thêm thị trường trái phiếu Chính phủ và TTCK phái sinh. Quy mô vốn hóa liên tục tăng trưởng, năm 2000, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu/GDP chỉ chiếm 0,22%, năm 2010 tăng lên 33,52% và tại ngày 31/12/2021 đạt 123,4% GDP năm 2020. Giá trị giao dịch bình quân hàng ngày từ chỗ rất nhỏ, đến nay đã vượt con số 1 tỷ USD/phiên, vươn lên đứng hàng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.
Số người đầu tư vào chứng khoán xấp xỉ 8% dân số Việt Nam
Theo Báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, những tháng đầu năm 2020, TTCK Việt Nam đã chứng kiến những đợt giảm điểm mạnh. Cuối quý I/2020, VN-Index giảm 33% so với cuối năm 2019.
Tuy nhiên, từ quý II trở đi, thị trường đã phục hồi bền vững, tăng trưởng ngoạn mục và kéo dài tới giai đoạn cuối năm 2020. TTCK Việt Nam được đánh giá là thị trường phục hồi mạnh nhất Đông Nam Á, nằm trong danh sách 10 TTCK có mức tăng trưởng tốt nhất trên thế giới.
Thanh khoản của thị trường tăng mạnh lên mức cao kỷ lục cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, trên thị trường cổ phiếu, giá trị giao dịch bình quân năm 2020 đạt trên 7.420 tỷ đồng/phiên, tăng 59,3% so với bình quân năm 2019.
Cũng theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tổng mức huy động vốn trên TTCK trong 11 tháng đầu năm 2021 đạt 444.941 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Trên thị trường cổ phiếu, chỉ số VN-Index nhiều lần thiết lập đỉnh lịch sử mới, đỉnh cao nhất là vào ngày 25/11/2021 khi VN-Index chạm mốc 1.500,81 điểm. Chốt phiên giao dịch cuối cùng của năm (31/12/2021), Vn-Index neo ở mức 1.498,2 điểm. Tỷ suất sinh lời của VN-Index cao hơn so với các chỉ số và kênh đầu tư khác trong năm 2021 nhờ sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư cá nhân.
Với việc TTCK liên tục gia tăng, các phiên giao dịch sôi động và trở thành kênh đầu tư sinh lời hấp dẫn nhất, từ đó thu hút lượng nhà đầu tư mới khổng lồ... Theo số liệu Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), chỉ trong năm 2020, nhà đầu tư trong nước đã mở tới 393.659 tài khoản giao dịch chứng khoán, lập kỷ lục trong hơn 20 năm lịch sử chứng khoán. Tính đến cuối năm 2020, có hơn 2,77 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, tài khoản trong nước chiếm gần 99% (khoảng 2,8% dân số Việt Nam).
Cũng theo dữ liệu từ VSD cho thấy, trong tháng 3/2022, số tài khoản giao dịch nhà đầu tư cá nhân mở mới ghi nhận tăng thêm 271.619 tài khoản. Lũy kế tới cuối tháng 3/2022, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân đạt gần 5 triệu tài khoản (khoảng 5% dân số Việt Nam). Điều này đồng nghĩa với mục tiêu 5% dân số nước ta có tkck vào năm 2025 đã về đích sớm 3 năm.
Tính đến cuối tháng 8 năm 2023, tổng số tài khoản nhà đầu tư trong nước vượt mốc 7,6 triệu tài khoản, tương đương khoảng gần 8% dân số.
Như vậy, chỉ từ cuối năm 2020 đến tháng 8/2023, TTCK Việt Nam đã có thêm gần 4,83 triệu số tài khoản mở mới. Điều này không chỉ cho thấy sự sôi động, bùng nổ của TTCK mà còn cho thấy nhiều nhà đầu tư coi đây là một kênh sinh lời và sẵn sàng vào tiền đầu tư.
Có thể nói, với sự ảnh hưởng từ Covid-19, làn sóng đầu tư vào chứng khoán trở nên mạnh mẽ từ những năm 2020. Với việc nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng hoặc phá sản dẫn đến nhiều người thất nghiệp, nhiều người chỉ làm việc không đủ ngày công, dẫn đến thu nhập sụt giảm. Trong khi đó, TTCK năm 2020 lại phát triển cực kỳ mạnh mẽ, sôi động. Mất việc, mất thu nhập, thời gian nhàn rỗi tăng lên, nhiều người đã nghiên cứu và lao vào TTCK như một cách cứu lấy cuộc sống của bản thân mình. Điều này, vô tình lại càng làm cho TTCK phát triển mạnh mẽ và bùng nổ. Từ đây, câu chuyện người người chơi chứng khoán, nhà nhà chơi chứng khoán ra đời.
Người người "chơi chứng", nhà nhà "chơi chứng"
Cùng với việc thị trường chứng khoán có nhiều nhà đầu tư mới, đời sống hằng ngày của nhiều người dân, nhất là người dân ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng… cũng có nhiều thay đổi. Câu chuyện về đầu tư chứng khoán đã trở thành chủ đề được đem ra bàn luận ở mọi lúc, mọi nơi. Đó có thể là một quán trà đá, cà phê ven đường, trong bữa cơm công sở, những buổi gặp gỡ bạn bè, gia đình hay là ngay trong lúc… làm việc.
Trong việc đầu tư vào TTCK luôn luôn có chuyện đầu tư thắng lợi và cũng có người bị thua lỗ. Tuy nhiên, nhiều người mới đầu tư với kinh nghiệm chưa phong phú, thiếu tài liệu nghiên cứu, thiếu thông tin đã phải ôm trái đắng.
Kể về việc chơi chứng khoán của mình, anh Lê Anh Đức (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, năm 2020 anh đang làm Trưởng phòng Truyền thông một công ty quy mô vừa tại Hà Nội, nhưng dịch Covid-19 bùng phát, anh phải ở nhà làm việc online. Thời gian rảnh rỗi nhiều, cộng với việc bạn bè gọi điện online rủ và hướng dẫn đầu tư chứng khoán, sau khi nghiên cứu anh quyết định “tất tay” tháng lương vừa nhận và đã thu được quả ngọt. “Từ đó, tôi bắt đầu dành nhiều thời gian vào nghiên cứu chứng khoán và coi đây như kênh sinh lợi chính của mình, công việc chính ở công ty tôi không còn dành đủ thời gian cho nó”.
Không giống như anh Lê Anh Đức, mặc dù nhìn thấy TTCK sinh lợi rất nhanh chóng, nhưng anh Nguyễn Linh (Hoàng Mai, Hà Nội) lại có cách tiếp cận nó một cách từ tốn hơn. “Tôi nghiên cứu TTCK sau đó thuê chuyên gia tư vấn và thỏa thuận sẽ trả cho họ 20% lợi nhuận. Như vậy, nếu có thua lỗ tôi không mất tiền trả chuyên gia, còn nếu được lãi thì cũng là lấy tiền lãi trả chuyên gia".
"Mặc dù có chuyên gia tư vấn, nhưng khi đã đầu tư thì vẫn luôn canh cánh trong lòng, nên tôi cũng thường xuyên "ôm bảng" để cập nhật tình hình, trò chuyện với chuyên gia, điều này cũng tốt không ít thời gian và công sức, anh Nguyễn Linh chia sẻ thêm.
Không chỉ ở các thành phố lớn, mà ngay ở vùng nông thôn, ngoại thành, việc đầu tư chứng khoán cũng diễn ra khá sôi động, nhất là trong giới trẻ. Anh Nguyễn Lâm (Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết, mỗi lần đi chơi cùng bạn bè là cuộc nói chuyện của họ chỉ tập trung vào chủ đề chứng khoán, chỉ còn một mình mình lạc lõng. Rồi thi thoảng bạn bè lại mời đi ăn uống do giá cổ phiếu tăng… thấy vậy anh cũng lân la hỏi han, nghiên cứu để đầu tư cùng bạn bè.
Khi đầu tư ở bất cứ lĩnh vực nào thì cũng đều có khả năng thua lỗ và thành công. Đầu tư chứng khoán không nằm ngoài quy luật này. Anh Lê Anh Đức sau những quả ngọt đầu tiên đã tiếp tục lấy tiền để đầu tư. Thấy kiếm tiền từ chứng khoán quá dễ, anh Anh Đức đã bàn với vợ lấy hết tiến tiết kiệm để đầu tư. “Khi thị trường cổ phiếu bắt đầu vào giai đoạn downtrend, mã cổ phiếu tôi mua bị sụt giảm, tôi vẫn tin tưởng một ngày nó sẽ tăng lên và tiếp tục lấy hết tiền tiết kiệm đầu tư với mong muốn ôm được cổ phiếu giá rẻ. Kết quả là bây giờ hai vợ chồng tôi phải bắt đầu lại từ đầu”.
Không phải làm lại từ đầu như anh Đức, nhưng anh Nguyễn Linh cũng nhận khá nhiều tổn thất. “Khi mã cổ phiếu giảm, tôi và chuyên gia cùng nhận định nó sẽ sớm tăng trở lại và quyết định không bán. Vậy mà nó cứ trượt dài, trượt dài và tôi đành bán cắt lỗ. Có lẽ tôi cần một chuyên gia uy tín hơn để hợp tác”, anh Nguyễn Linh chia sẻ với nét đượm buồn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận