Bắc Kinh gió đã đổi chiều, Donald Trump lại nói điều khó lường
TT Mỹ Donald Trump đang cân nhắc một thỏa thuận tạm thời với Trung Quốc sau khi Bắc Kinh có những động thái lùi bước mạnh mẽ: cam kết về sở hữu trí tuệ và mua nông sản Mỹ trong bối cảnh sắp kỷ niệm 70 năm quốc khánh.
Gió đổi chiều trước thời điểm nhạy cảm
Theo CNBC, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đang cân nhắc một thỏa thuận tạm thời với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông muốn một bản thỏa thuận đầy đủ hơn, thay vì một bản tạm thời trong bối cảnh cả 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đều đang tìm cách chấm dứt một cuộc chiến thương mại leo thang.
Trước đó, ông Trump đã tạm hoãn quyết định tăng thêm thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc thêm 2 tuần trong bối cảnh Bắc Kinh sắp sửa tổ chức kỷ niệm 70 năm quốc khánh vào ngày 1/10 tới.
Nói với các phóng viên, tổng thống Trump cho biết ông muốn ký một hiệp định thương mại đầy đủ với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng cũng để ngỏ một thỏa thuận có giới hạn với Bắc Kinh.
“Nếu chúng tôi ký một thỏa thuận như vậy, hãy để nó diễn ra. Có rất nhiều người nói về một thỏa thuận như vậy, tôi thấy các nhà phân tích nói về một thỏa thuận tạm thời. Có nghĩa là chúng ta sẽ có những thỏa thuận từng phần, những gì dễ thì làm trước. Nhưng thực tế không có cái gì được gọi là dễ hay khó. Chỉ là có thỏa thuận hay không có thỏa thuận mà thôi. Dù vậy, thỏa thuận mọi người đề cập là một cái gì đó mà chúng tôi sẽ xem xét”, ông Donald Trump chia sẻ với các phóng viên tại Baltimore.
Ông Donald Trump để ngỏ một thỏa thuận tạm thời với Trung Quốc.
Các chỉ số chứng khoán của Mỹ đều tăng mạnh sau thông tin về một thỏa thuận tạm thời với Trung Quốc. Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ chung cuộc chỉ còn tăng nhẹ sau khi một quan chức Nhà Trắng sau đó cho biết Mỹ “hoàn toàn không” cân nhắc một thỏa thuận như vậy.
Người phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere đã nhấn mạnh rằng tổng thống Trump muốn có một thỏa thuận hoản chỉnh.
Theo kế hoạch, các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau trong tuần tới nhằm nỗ lực cứu vãn một hiệp ước thương mại và chấm dứt một cuộc xung đột mở rộng. Một cuộc chiến thương mại vốn làm rấy lên lo ngại có thể làm tổn thương cho người tiêu dùng Mỹ và làm tăng nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Hôm 12/9, tổng thống Trump cho biết ông sẽ lùi việc tăng thuế quan lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc (từ 25% lên 30%) từ mốc ban đầu là ngày 01/10 sang mốc mới là 15/10 vì “thiện chí” của Trung Quốc, “theo đề nghị của Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc” và “thực tế là họ sắp sửa tổ chức kỷ niệm 70 năm quốc khánh vào ngày 1/10”.
Trong thời gian gần đây khi mà cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang, ông Trump luôn khẳng định những tác động tới người tiêu dùng và nền kinh tế Mỹ là không lớn và khẳng định sẵn sàng duy trì các mức thuế cao lên Bắc Kinh, đồng thời cho rằng Trung Quốc đã gánh chịu những tác động lớn từ những đòn thuế so với Mỹ.
Giải pháp tạm thời, chưa có gì chắc chắn
Dù vậy, tổng thống thứ 45 của Mỹ muốn đạt một thỏa thuận với Bắc Kinh và buộc Trung Quốc thay đổi các hoạt động thương mại của mình đúng như cam kết của mình trước đó, ở vào thời điểm trước cuộc bầu cử Mỹ 2020.
Còn theo Bloomberg, các cố vấn của ông Trump đang cân nhắc một thỏa thuận tạm thời với Trung Quốc, trong đó bao gồm cả trì hoãn hàng rào thuế quan và thậm chí là rút lại một số hàng rào thuế quan. Đổi lại, Trung Quốc sẽ cam kết về sở hữu trí tuệ và nông sản Mỹ.
Những thông tin chi tiết về thỏa thuận, dù vậy, vẫn chưa được tiết lộ.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Trung Quốc sẽ bắt đầu mua lượng lớn nông sản Mỹ. Bộ Thương mại Trung Quốc cũng xác nhận đã điều này. Nông sản mà Bắc Kinh cho phép doanh nghiệp nước này mua của Mỹ bao gồm: đậu nành và thịt heo sau khi ngừng mua từ 8/2019.
Theo SCMP, Trung Quốc dự định sẽ mua thêm nông sản của Mỹ với hy vọng thoả thuận thương mại sẽ thuận lợi hơn khi mà 2 bên đã thống nhất sẽ trở lại với vòng đàm phán thứ 13 vào tháng tới.
Hai bên đang thảo luận về một văn bản dựa trên một bản thảo đã thảo luận từ hồi tháng 4. Theo đó, Bắc Kinh có thể sẽ đưa ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường hơn, bảo vệ hiệu quả hơn đối với sở hữu trí tuệ, thực hiện cải cách các doanh nghiệp nhà nước…
Trước đó, sự thiếu tin tưởng giữa 2 bên đã khiến đàm phán đổ vỡ hồi tháng 5 dù khi đó thoả thuận thương mại đã được hoàn thiện tới 90%, bao gồm cả vấn đề tiền tệ. Hồi tháng 7, Mỹ muốn nối lại đàm phán dựa trên các văn bản trước đó nhưng Bắc Kinh ra điều kiện Mỹ phải dỡ bỏ thuế quan, rồi sau đó để NDT tụt xuống dưới ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD… khiến ông Trump nổi giận.
Cuộc chiến Mỹ-Trung được cho là còn kéo dài.
Theo nhiều chuyên gia, Bắc Kinh muốn có một lễ kỷ niệm 70 quốc khánh một cách yên bình. Sau đó, các cuộc đàm phán có thể sẽ bị đình trệ và kéo dài đến năm 2020, gây khó khăn cho chiến tích tái tranh cử của ông Trump.
Trong khi đó, Bắc Kinh cũng đang có những bước đi nhắm tới các mục tiêu dài hạn, vực dậy nền kinh tế, tự do hóa thị trường tài chính, bắt tay với Nga… Những động thái này cho thấy thỏa thuận với Mỹ nhiều khả năng chỉ là tạm thời.
Về phía Mỹ, sự nhượng bộ của ông Trump cũng được xem là ngắn hạn. Chưa có giải pháp nào thực tế và toàn diện như mong muốn của ông Trump. Mâu thuẫn và khác biệt Mỹ-Trung còn lớn.
Ông Trump trong khi đó cũng đang gây áp lực mạnh lên Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), muốn Fed giảm lãi suất mạnh hơn nữa, “xuống 0 hoặc thấp hơn” thay vì 2-2,25% như hiện tại cùng với những đề xuất “tài trợ cho các khoản nợ” chưa từng có. Đây là những động thái có thể được xem là bước đi để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ trước một cuộc chiến có thể còn kéo dài.
Với nhiều nhà đầu tư, vẫn còn quá sớm để đưa tiền vào các loại tài sản rủi ro cao như cổ phiếu, nhất là trong bối cảnh thế giới còn quá nhiều bất ổn khác, từ vấn đề Triều Tiên, Hong Kong cho tới Brexit tại châu Âu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận