menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quyền Nguyễn

Ba trụ cột chính hỗ trợ thị trường chứng khoán những tháng cuối năm

Diễn biến Covid-19 còn nhiều phức tạp khiến thị trường sẽ trở nên khó lường cho giai đoạn cuối năm khi tác động mạnh nhất của thị trường đến từ tình hình dịch bệnh vốn có nhiều bất định. Tuy nhiên, về cơ bản, thị trường có thể diễn ra theo 3 kịch bản cơ bản

Sau khi các lệnh giãn cách xã hội hết hiệu lực và Việt Nam đi vào một trạng thái “bình thường mới” thì kinh tế Việt Nam đã bước đầu có sự khôi phục nhờ sự thúc đẩy tiêu dùng nội địa trong quý 2/2020. Tuy nhiên, những diễn biến lây nhiễm mới của Covid-19 có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm khiến các nỗ lực đưa tốc độ tăng trưởng cả năm 2020 của Việt Nam lên mức 5% không khả thi. Song, việc EVFTA có hiệu lực, Chính phủ đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và làn sóng chuyển dịch sản sản xuất sang Việt Nam… sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán (TTCK) những tháng cuối năm…

Ông Chu Hà Thanh - Trưởng Bộ phận Phân tích, CTCK BOS trả lời phỏng vấn phóng viên Thời báo Ngân hàng.

Ông có thể nói rõ hơn tác động của lần lây nhiễm Covid-19 mới này đến TTCK Việt Nam giai đoạn từ nay đến cuối năm, thưa ông?

TTCK cũng có chung nhịp đập cùng nền kinh tế và đã được chứng minh khá rõ trong lần thứ nhất chống Covid-19 tại Việt Nam. Thị trường đã lao dốc mạnh cho tới cuối tháng 3 khi mất tới hơn 31% giá trị trong giai đoạn này. Nhưng khi dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát, thị trường đã có một chu kỳ tăng kéo dài với biên độ tăng lên tới hơn 36% so với giai đoạn trước đó.

Trong lần lây nhiễm mới này, thị trường cũng đã có những nhịp giảm điểm khá mạnh với biên độ giảm tới gần 40 điểm/phiên, tuy nhiên mức độ kéo dài của các nhịp giảm điểm này tính tới hiện tại là không cao và thị trường về cơ bản chỉ mất khoảng hơn 6% so với trước khi dịch bệnh quay trở lại. Điều này được lý giải đến từ 2 nguyên nhân chính.

Một là, các nỗ lực dập dịch đầy hiệu quả trước đó của Chính phủ đã củng cố lòng tin đối với nhà đầu tư và khiến nhà đầu tư sẵn sàng giải ngân khi thị trường giảm điểm mạnh. Điều này có thể thấy rõ khi các phiên giảm điểm mạnh của thị trường cũng là những phiên thanh khoản bùng nổ và dòng tiền bắt đáy tham gia đầy tích cực vào thị trường.

Hai là, giai đoạn tăng điểm mạnh từ đầu tháng tư khiến nhiều nhà đầu tư có tâm lý chờ đợi các pha giảm điểm mạnh của thị trường để tiến hành bắt đáy. Đây là hành vi có tính chất rủi ro thấp trong khi lợi nhuận ở mức khá tích cực.

Dù vậy, vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước và rất khó có thể tính toán trước được diễn biến của thị trường trước những biến động phức tạp của dịch bệnh hiện tại. Tuy nhiên, các kinh nghiệm thành công trước đó khiến tôi cho rằng thị trường sẽ có một vùng biến động hẹp trong giai đoạn tháng 8 với khả năng giảm điểm mạnh ít xảy ra và sẽ có nhịp hồi phục trở lại sau khi dịch bệnh có tín hiệu tích cực.

Thị trường trong các tháng cuối năm chắc chắn còn nhiều biến động. Vậy ông có thể đưa ra các dự báo đối với thị trường cho giai đoạn này?

Diễn biến Covid-19 còn nhiều phức tạp khiến thị trường sẽ trở nên khó lường cho giai đoạn cuối năm khi tác động mạnh nhất của thị trường đến từ tình hình dịch bệnh vốn có nhiều bất định. Tuy nhiên, về cơ bản, thị trường có thể diễn ra theo 3 kịch bản cơ bản:

Kịch bản tích cực: VN-Index biến động trong vùng 860 – 950 điểm. Kịch bản tích cực này dựa trên kỳ vọng thông tin vắc-xin cho Covid-19 sẽ được triển khai trong 6 tháng cuối năm. Các thị trường dần hồi phục nhờ chính sách kích thích và nới lỏng đã được triển khai trước đó. Kinh tế tăng trưởng âm trong một vài quý, sau đó nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng nhanh trở lại.

Kịch bản trung tính: VN-Index biến động trong vùng 780 – 860 điểm. Trong kịch bản này, vắc-xin cho Covid-19 chưa sớm được triển khai trong năm 2020. Nền kinh tế toàn cầu hồi phục chậm.

Kịch bản tiêu cực: VN-Index biến động trong vùng 580 – 680 điểm. Trong kịch bản này, dịch Covid-19 tái bùng phát lần thứ 2 trên toàn cầu. Vắc-xin cho Covid-19 chưa sớm được triển khai. Các chính sách kích thích kinh tế không phát huy tác dụng. Nền kinh tế rơi vào suy thoái kéo dài. Trong trường hợp này, TTCK có thể giảm về vùng 580-680 điểm.

Trong các kịch bản này, tôi cho rằng khả năng kịch bản trung tính diễn ra được đánh giá có tới 60% diễn ra trong giai đoạn cuối năm.

Vậy cơ hội đầu tư những tháng cuối năm trên TTCK sẽ phụ thuộc vào những yếu tố nào?

Điểm nhấn đáng chú ý nhất trong các tháng cuối năm là việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020. Hiệp định EVFTA được giới đầu tư kỳ vọng sẽ là một cú huých thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong trung, dài hạn. Việc xóa bỏ hơn 99% số dòng thuế theo lộ trình, tạo thuận lợi cho các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường EU như: dệt may, da giày, nông, thủy sản, đồ gỗ. Ngoài ra, khi tham gia EVFTA, Việt Nam có thể trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. Một lượng lớn vốn từ các DN EU sẽ được đầu tư vào Việt Nam, giúp nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy thị trường trong nước phát triển mạnh mẽ hơn.

Hiệp định EVFTA là một trong những điểm sáng đáng được kỳ vọng nhất ở thời điểm này, giúp Việt Nam đa dạng hóa các đối tác thương mại, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường trọng điểm ở cả lĩnh vực xuất khẩu và nhập khẩu; đồng thời, tranh thủ thời cơ để giữ vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Với diễn biến hiện tại của Covid-19 thì EVFTA chưa thể ngay lập tức đem tới những tác động mạnh mẽ tới hầu hết các thành phần kinh tế trong nước tuy nhiên ảnh hưởng tâm lý là hoàn toàn có thể diễn ra tức thời.

Bên cạnh đó, với các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, đang có chỗ đứng nhất định như thủy sản, da giày và dệt may thì ảnh hưởng của EVFTA sẽ ảnh hưởng ngay trong năm 2020 khi hàng loạt các hàng rào thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam được EU dỡ bỏ. Ví dụ như với ngành thủy sản, theo VASEP, mức thuế nhập khẩu thủy sản vào EU trước khi có EVFTA trung bình là 14%; trong đó, nhiều mặt hàng chịu thuế cao tới 26%. Khi EVFTA có hiệu lực thì có khoảng 840 dòng thuế suất cơ sở, chiếm khoảng 50% số dòng thuế đối với sản phẩm thủy sản sẽ giảm về 0%, số còn lại có lộ trình cắt giảm từ 3-7 năm.

Hành động mạnh mẽ trong thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ khá mạnh cho các ngành xây dựng, vật liệu xây dựng trong nước. Tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được phép thực hiện trong năm 2020 là gần 700 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019. Với tình hình Covid-19 khiến xuất khẩu - động lực tăng trưởng chính năm 2019 gặp rất nhiều khó khăn thì đầu tư công được coi là giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với mục tiêu tăng trưởng năm 2020 vẫn giữ được mức 4,1%. Chính phủ cũng đã đặt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2020.

Không chỉ có EVFTA và đầu tư công, một trong những điều có thể coi là điểm sáng đối với kinh tế Việt Nam là việc các doanh nghiệp có xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc tới các quốc gia lân cận. Quá trình này đang mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam. Làn sóng chuyển dịch này đã khiến cho các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp trở thành điểm sáng trong giai đoạn đầu năm nay khi đều có những kết quả kinh doanh tích cực bất chấp dịch bệnh.

Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả