Bà Tạ Thanh Bình: Chấn chỉnh vi phạm không phải để siết mà để thị trường phát triển bền vững
Tại Hội nghị nhà đầu tư thường niên - Invest ASEAN của Maybank, bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đã có những chia sẻ về việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) từ góc độ cơ quan quản lý.
Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững
Theo bà Tạ Thanh Bình, mục tiêu của cơ quan quản lý xuyên suốt từ trước đến nay trong việc phát triển thị trường tài chính là phát triển thị trường tài chính, trong đó có thị trường vốn và trong thị trường vốn sẽ cân đối giữa thị trường trái phiếu và cổ phiếu. Thời gian qua, thị trường trái phiếu Chính phủ đã phát triển rất tốt. Tuy nhiên, thị trường TPDN chỉ vừa phát triển trong những năm gần đây. Quan điểm chung của cơ quan quản lý là phát triển thị trường TPDN và coi đó là một phần để lắp ghép vào bức tranh chung của thị trường vốn. Mặt khác, những động thái chấn chỉnh vi phạm gần đây không phải để siết thị trường này lại mà là để thị trường này có thể tiếp tục phát triển bền vững.
Trong chiến lược phát triển thị trường đến năm 2030 có khẳng định đến năm 2025, quy mô thị trường TPDN phải đạt tối thiểu 20% GDP và đến năm 2030 đạt tối thiểu 25% GDP. Tính đến cuối năm 2021, con số đạt được là 15% GDP nhưng đến hết quý 1/2022 là hơn 16% GDP. Tốc độ tăng trưởng những tháng gần đây tuy chậm lại nhưng nhìn chung vẫn đang tiếp tục tăng trưởng. Nhìn chung, quan điểm của cơ quan quản lý vẫn là phát triển thị trường TPDN nhưng phải bền vững và lành mạnh.
Về dự thảo 153 sửa đổi lần 5, dự thảo đã được lấy ý kiến tại Bộ Tư pháp cách đây vài tuần. Theo quy trình, lấy ý kiến của Bộ Tư pháp được xem là bước cuối cùng, sau đó cơ quan soạn thảo sẽ hoàn thiện lại các ý kiến tiếp thu và chuyển Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, trong quá trình lấy ý kiến tại Bộ Tư pháp, dự thảo tiếp tục nhận được ý kiến từ các thành viên thị trường. Hiện nay, Bộ Tài chính vẫn đang trong quá trình hoàn chỉnh Nghị định này và trong thời gian ngắn tới, Nghị định sẽ được ban hành.
Về phía nhà đầu tư cá nhân, con số từ cơ quan quản lý cho thấy nhà đầu tư cá nhân đang nắm giữ trên 30% chứ không phải 25%. Tuy nhiên, con số 30% không phải thể hiện nguy hiểm hay không nguy hiểm mà điều quan trọng là trong số 30% có bao nhiêu nhà đầu tư chuyên nghiệp theo quy định. Các nhà đầu tư không đạt chuẩn mới là mối lo của cơ quan quản lý. Bởi vì, bản chất của TPDN là tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm và để làm được điều đó nhà đầu tư cần hiểu rõ bản chất của trái phiếu khi mua. Nhưng với nhiều lý do khác nhau như ham lãi suất cao hay được tư vấn không chính xác, các nhà đầu tư cá nhân không đạt chuẩn tham gia mua rất nhiều, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho chính bản thân họ cũng như hệ thống và trật tự xã hội.
Để giải quyết vấn đề trên, việc nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp trong Luật Chứng khoán chỉ là một phần, vì có người sẽ tìm cách lách luật do tham những lợi ích khác như lãi suất cao. Vì vậy, cơ quan quản lý cho rằng phải xử lý rất nghiêm những đối tượng hỗ trợ cho các nhà đầu tư cá nhân không đạt chuẩn, lách các quy định để tiếp cận loại sản phẩm không phù hợp với họ. Ví dụ như tăng cường xử lý các công ty chứng khoán và tổ chức phát hành có hành động lôi kéo, mời chào không đúng bản chất sản phẩm, khiến nhà đầu tư hiểu sai.
Mặc khác, về dài hạn, trong những quy định sắp tới, cơ quan quản lý sẽ định hướng dòng nhà đầu tư cá nhân, nếu muốn tham gia vào các sản phẩm có độ rủi ro cao thì sẽ thông qua các định chế đầu tư, ví dụ như các quỹ đầu tư. Điều này sẽ giúp giảm lượng nhà đầu tư cá nhân, tăng lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp lên và giảm thiểu được nhiều rủi ro.
Một giải pháp khác là cơ quan quản lý sẽ tổ chức thị trường thứ cấp. Theo Nghị định 153 có quy định, các tổ chức phát hành riêng lẻ sẽ phải lựa chọn tổ chức lưu ký như Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và các thành viên. Tuy nhiên, trên thực tế, đa số tổ chức phát hành đều đăng ký với công ty chứng khoán, tỷ trọng đăng ký tại VSD rất thấp. Điều này sẽ làm cho thị trường giao dịch giữa những nhà đầu tư sẽ không minh bạch, việc kiểm soát đối với thị trường của cơ quan quản lý cũng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, một trong những điều sửa đổi trong Nghị định lần này là yêu cầu các tổ chức phát hành khi phát hành trái phiếu phải đăng ký tại VSD và đưa các trái phiếu này giao dịch trên nền tảng tập trung, dự kiến sẽ là Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Hiện nay, về công tác chuẩn bị, phương án tổ chức thị trường đã được Bộ Tài chính phê duyệt, UBCKNN chỉ chờ Nghị định 153 sửa đổi chính thức được ban hành thì sẽ ban hành thông tư hướng dẫn các tổ chức tham gia thị trường này. Về mặt nền tảng hạ tầng, HNX và VSD đã chuẩn bị sẵn sàng. Như vậy, sắp tới, sẽ có “chợ” chính thức cho các nhà đầu tư khi tham gia sẽ được tham gia bài bản, minh bạch, giá giao dịch được niêm yết công khai.
Tách hệ thống giao dịch lô lẻ
Bên lề hội nghị, chia sẻ với chúng tôi, bà Bình cho biết các thị trường trên thế giới đa số vẫn sử dụng lô 100 do họ có hệ thống giao dịch lô lẻ riêng từ 1-99. Dự kiến trong tháng 7 tới, UBCKNN sẽ đưa hệ thống giao dịch lô lẻ 10 cp vào hoạt động. Tuy nhiên, sau khi công nghệ hoàn thiện hơn, hệ thống chính sẽ áp dụng lô 100 trở lại, còn lô lẻ từ 1-99 sẽ được tách riêng.
Về quá trình hướng đến giao dịch T0, bà Bình cho biết các phương án chưa được công bố nhưng các kế hoạch đã bắt đầu được triển khai nhằm giảm thời gian thanh toán. Nếu có sự hỗ trợ của công nghệ sẽ có thể làm nhiều hơn nữa nhưng trước mắt, điều cần làm là rút ngắn các công đoạn để giảm bớt thời gian thanh toán. Muốn giảm thời gian thanh toán phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố vì chu trình thanh toán trải qua rất nhiều khâu và mỗi khâu phải trải qua một khoảng thời gian nhất định. Công nghệ là phải cần nhưng chủ yếu là cần rút ngắn thời gian của mỗi công đoạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận