Bà Rịa – Vũng Tàu: Ai bảo vệ người dân tại dự án Sơn Thịnh 2?
Người dân mua căn hộ tại dự án Sơn Thịnh 2 – thành phố Vũng Tàu đang “hoảng hồn” với hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư tại Kết luận Thanh tra số 01/KL-TTr của Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Dự án Cao ốc dịch vụ du lịch Sơn Thịnh (dự án Sơn Thịnh 2) của doanh nghiệp tư nhân Sơn Thịnh được Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cấp Giấy phép xây dựng số 33/GPXD vào ngày 8/4/2011, trên lô đất có diện tích 3.828,2m2, tại số 2 Lê Hồng Phong, phường Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu, với chiều cao công trình là 33 tầng + 2 tầng hầm + tầng kỹ thuật và sân thượng tương đương 120m.
Bao năm qua, người dân tích cóp tưởng mua được căn nhà tốt vì là dự án được cơ quan Nhà nước cấp phép nhưng hiện hàng trăm hộ dân tại đây đang rất hoang mang, lo lắng cho số phận căn nhà mình đang ở.
Dân hoang mang, lo lắng
Theo phản ánh của người dân, dự án Sơn Thịnh 2 đã được chủ đầu tư bàn giao và đi vào hoạt động được hơn 4 năm, chung cư này có 400 căn hộ với hàng trăm người dân đang sinh sống tại đây.
Đa số người dân mua căn hộ đều ký Hợp đồng mua bán nhà ở với doanh nghiệp tư nhân Sơn Thịnh. Tuy nhiên, họ vừa phát hiện ra mình bị lừa khi ngày 21/2/2020, Thanh tra tỉnh ban hành Kết luận Thanh tra số 01 liên quan đến hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư.
Cụ thể, khu đất thực hiện dự án là đất chuyên dùng (không phải là đất ở lâu dài). Vì thế, bao năm nay, hàng trăm khách hàng mua căn hộ tại đây không thể có sổ đỏ để được thể hiện mình là chính chủ căn hộ.
“Rất nhiều lần chúng tôi đã kiến nghị lên chủ đầu tư cũng như các cơ quan chính quyền về việc cấp giấy chủ quyền nhà, nhưng chủ đầu tư chỉ trả lời rằng dự án được cấp phép xây dựng là dạng condotel và cần chờ sự hướng dẫn từ cấp trên vì đây là loại hình mới”, chị Hồng Nhung, chủ một căn hộ tại đây lo lắng cho biết.
Người dân tại đây hiện đang rất lo lắng vì thông tin chủ đầu tư đưa ra dự án này là mô hình condotel, trong khi hợp đồng của họ lại ký là “Căn hộ sử dụng lâu dài”. Vậy ai sẽ bảo vệ quyền lợi cho họ? Có một lo lắng khác mà đa số người dân ở đây đang phải đối mặt, nếu là dự án condotel thì họ sẽ không thể đăng ký hộ khẩu và con cái sẽ không thể đi học.
“Chúng tôi ký Hợp đồng mua bán nhà ở với chủ đầu tư là Hợp đồng mua bán dựa trên Luật Nhà ở và chung cư; không phải là Hợp đồng góp vốn và giao tài sản cho doanh nghiệp khai thác và ăn chia phần trăm như các dự án condotel khác. Chúng tôi mua là mong muốn có nơi sinh sống.
Tuy nhiên, với tình hình như hiện nay, chúng tôi không thể đăng ký thường trú hay tạm trú, trẻ em không thể làm giấy tờ theo học đúng tuyến theo quy định, người dân trở thành cư ngụ bất hợp pháp ngay trên chính tài sản của mình”, chị Nguyễn Thị Hoài Thu bức xúc nói.
Được biết, ngày 12/7/2020, đại diện chủ đầu tư và toàn bộ cư dân Sơn Thịnh 2 đã có buổi làm việc xung quanh những vấn đề mà người dân còn đang bức xúc. Tuy nhiên kết thúc buổi làm việc, giữa chủ đầu tư và cư dân chưa có tiếng nói chung.
Cơ quan quản lý và chủ đầu tư có nhiều sai phạm
Người dân đang lo cho căn nhà của mình bởi tại Kết luận Thanh tra số 01 ngày 21/2/2020 của Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho thấy hàng loạt sai phạm của doanh nghiệp tư nhân Sơn Thịnh liên quan tới dự án Sơn Thịnh 2 có địa chỉ tại số 2 Lê Hồng Phong, phường Tam Thắng, thành phố Vũng Tàu.
Dự án này có diện tích 3.828,2m2 của bà Lâm Thị Kim Hồng chuyển nhượng cho ông Nguyễn Công Bình – Chủ doanh nghiệp tư nhân Sơn Thịnh, thuộc loại đất chuyên dùng với thời gian sử dụng lâu dài.
“Việc doanh nghiệp tư nhân Sơn Thịnh xây dựng Dự án Cao ốc dịch vụ du lịch Sơn Thịnh với mục tiêu phục vụ nhu cầu về phòng khách sạn, căn hộ du lịch, cung cấp dịch vụ thương mại cao cấp của người dân địa phương và khách du lịch đến thành phố Vũng Tàu trên đất chuyên dùng là phù hợp với quy định”, Kết luận Thanh tra số 01 khẳng định.
Tuy nhiên, phần “Chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng” lại chỉ ra hàng loạt sai phạm. Cụ thể, dự án này được Sở Xây dựng cấp Giấy phép quy hoạch số 01/GPQH ngày 30/3/2011 cho doanh nghiệp tư nhân Sơn Thịnh, trên lô đất 3.828,2m2 với mật độ xây dựng < 56%, chiều cao công trình 33 tầng (không kể tầng hầm, tầng lửng, tầng kỹ thuật và sân thượng), hệ số sử dụng đất là 18,2 lần.
Đến ngày 8/4/2011, Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng số 33/GPXD cho dự án này trong đó thể hiện: Vị trí xây dựng là thửa đất số 165+166 tờ bản đồ số 65, trên diện tích 3.828m2, diện tích xây dựng công trình là 2.125m2, cách lộ giới đường Lê Hồng Phong nối dài 12m. Dự án có tổng diện tích sàn xây dựng 69.429m2, diện tích sàn khối thương mại dịch vụ là 6.027m2, diện tích căn hộ nghỉ dưỡng 63.402m2.
Tuy nhiên đến ngày 02/10/2015, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có văn bản chấp thuận cho doanh nghiệp tư nhân được điều chỉnh thiết kế công trình này. Chỉ 12 ngày sau (ngày 14/10/2015) UBND tỉnh tiếp tục cấp Giấy phép quy hoạch số 28 cho dự án với hệ số sử dụng đất tăng từ 18,2 lần (theo giấy phép cũ) lên 20,4 lần.
Câu chuyện không có gì để nói nếu tất cả đều đúng Luật. Tuy nhiên ở đây câu chuyện lại không đơn giản, vì theo Quyết định số 235/2005/QĐ-TTg ngày 26/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng thành phố Vũng Tàu đến năm 2020 thì khu vực này (cụ thể là khu vực có dự án Sơn Thịnh 2) chỉ được phép xây dựng tối đa 18 tầng.
Tuy nhiên, Giấy phép xây dựng lại cho phép xây dựng 33 tầng + 2 tầng hầm + tầng kỹ thuật và sân thượng, tương đương 120m là vượt chiều cao theo quy định”, Kết luận số 01 chỉ rõ sai phạm của các cơ quản quản lý.
Ngoài ra, Kết luận Thanh tra còn xác định chủ đầu tư đã cho thi công, xây dựng một số hạng mục trái phép, không phép, không tuân thủ tỷ lệ xanh theo quy chuẩn xây dựng.
Cụ thể, chủ đầu tư xây dựng vượt diện tích ghi trên giấy phép với diện tích 158m2 gồm: Nhà để máy phát điện dự phòng, nhà kho, hồ bơi, cửa hàng tiện lợi. Đây là những công trình phụ gây cản trở đường lưu thông xe cứu hỏa phục vụ phòng cháy chữa cháy cho công trình.
Đồng thời, chủ đầu tư đã thay đổi thiết kế làm tăng diện tích sàn căn hộ nghỉ dưỡng từ 63.402m2 lên thành 74.072m2 (tăng 10.670m2), trong đó điều chỉnh tầng lửng (tầng dịch vụ giải trí) thành dịch vụ khách sạn và sử dụng tầng kỹ thuật làm căn hộ nghỉ dưỡng.
Thanh tra tỉnh cũng chỉ rõ việc thanh, kiểm tra trong quá trình thực hiện dự án chưa được kịp thời là nguyên nhân dẫn đến các vi phạm kéo dài nêu trên. Đáng nói, cho đến nay các nội dung vi phạm vẫn chưa được cơ quan chức năng xử lý dứt điểm.
Đến nay, doanh nghiệp tư nhân Sơn Thịnh đã được chuyển nhượng cho “chủ mới” tiếp quản và “ông chủ” này thông báo cho người dân sống tại đây là họ sẽ quản lý dự án này theo đúng tinh thần của giấy phép được cấp. Vậy ai sẽ đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người dân?
Tại sao có rất nhiều cấp quản lý lại để 1 dự án với hàng loạt sai phạm về Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Xây dựng? Chính vì thế, kéo theo rất nhiều hệ luỵ mà chính các cơ quan quản lý sẽ phải đương đầu và giải quyết trong tương lai cho sự quản lý lỏng lẻo của mình. Ai chịu trách nhiệm chính trong sự việc này?
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận