Ba ngân hàng hợp vốn 1.8 tỷ USD cho dự án sân bay Long Thành
Chiều 01/06, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ ký kết hợp đồng cấp tín dụng trị giá 1.8 tỷ USD cho dự án thành phần 3 của Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Đây cũng là khoản cấp tín dụng trung dài hạn bằng ngoại tệ lớn nhất cho khách hàng của ngành ngân hàng.
Thủ tướng và các đại biểu chứng kiến lễ ký kết hợp đồng cấp tín dụng trị giá 1.8 tỷ USD cho dự án thành phần 3 của Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: VGP
Khoản vốn này tương ứng khoảng 45% tổng mức đầu tư của dự án, trong đó Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tài trợ 1 tỷ USD, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) tài trợ 450 triệu USD và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tài trợ 350 triệu USD.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Vietcombank - cho biết đây là dự án có số tiền tài trợ vốn lớn nhất trong ngành ngân hàng. Đồng thời, đây cũng là dự án đầu tiên được thu xếp hoàn toàn bằng nguồn USD trung dài hạn từ các ngân hàng thương mại nhà nước với điều kiện cạnh tranh hơn so với vay vốn từ các định chế tài chính quốc tế.
Phát biểu tại lễ ký kết, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Đảng và Nhà nước ta xác định xây dựng hệ thống kết cầu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước.
Trong đó, việc tập trung phát triển hệ thống dự án hạ tầng giao thông chiến lược đường bộ cao tốc, đường sắt, cảng hàng không… là trụ cột quan trọng, tạo không gian phát triển mới, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Đánh giá cao việc phối hợp thu xếp vốn thành công vừa qua của Vietcombank, VietinBank và BIDV cho dự án sân bay Long Thành, Thủ tướng tin tưởng đây sẽ là bước khởi đầu tích cực, tạo tiền đề quan trọng để khuyến khích các ngân hàng thương mại Việt Nam tiếp tục chủ động hợp tác trong các dự án lớn, quan trọng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP
Theo Thủ tướng, sân bay Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành giao thông vận tải, là công trình cấp đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng chiến lược đối với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cũng như với sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam và kinh tế - xã hội đất nước ta trong những năm tới.
Sân bay Long Thành dự kiến sẽ đóng góp vào quy mô GDP Việt Nam năm 2030 khoảng 0,98%, tạo ra 200,000 việc làm và có ý nghĩa lan tỏa tới tổng thể kinh tế - xã hội Việt Nam.
Người đứng đầu Chính phủ thông tin đang giao triển khai làm đề án sân bay Biên Hòa. Như vậy, sân bay Tân Sơn Nhất (mở rộng), sân bay Biên Hòa và sân bay Long Thành sẽ tạo thành cụm cảng hàng không hiện đại, trung tâm trung chuyển hàng không, logistics với tầm cỡ hàng đầu khu vực và quốc tế.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích các NHTM, tổ chức tín dụng cho vay vốn với điều kiện ưu đãi, phù hợp, đưa dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên như đầu tư phát triển hạ tầng, sản xuất, kinh doanh.
Về phía ACV, cần đặc biệt lưu ý khớp nối tiến độ, thời gian hoàn thành các gói thầu còn lại để tránh xung đột, giao cắt trong quá trình thi công, bảo đảm tính liên kết và tiến độ của cả dự án. Sớm nghiên cứu, đề xuất phương án triển khai công tác chuẩn bị phục vụ thi công giai đoạn 2 để không làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của giai đoạn 1, trên cơ sở điều chỉnh chủ trương đầu tư giai đoạn 1.
Giai đoạn 1 dự án Cảng HKQT Long Thành quy mô 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách, công suất vận chuyển 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Trong đó, ACV được giao là chủ đầu tư dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu trong cảng hàng không. Tổng mức đầu tư khái toán cho toàn bộ sân bay Long Thành là hơn 16 tỷ USD, chia thành 3 giai đoạn. Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 1 là hơn 5.4 tỷ USD, trong đó dự án thành phần 3 có nhu cầu vay vốn tính đến hết năm 2023 là 1.8 tỷ USD (33%). |
Tùng Phong
FILI
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận