Bà Harris: 'Không đóng cửa nhà máy ôtô như thời Donald Trump'
Hai ứng cử viên tổng thống có quan điểm đối lập về cách duy trì sức mạnh của ngành công nghiệp ôtô.
Cuộc tranh luận tối 10/9 chuyển sang một vấn đề quan trọng ở bang chiến trường Michigan khi các ứng viên chia sẻ tầm nhìn về cách duy trì sức mạnh của ngành công nghiệp ôtô.
Khi trả lời câu hỏi về biến đổi khí hậu, ứng viên Dân chủ Kamala Harris nói "một phần của việc xây dựng nền kinh tế năng lượng sạch là đầu tư vào các sản phẩm do Mỹ sản xuất, ôtô Mỹ".
"Điều đó bao gồm việc phát triển những gì chúng ta có thể làm xung quanh ngành sản xuất của Mỹ và mở thêm các nhà máy ôtô, không phải đóng cửa chúng như những gì đã xảy ra dưới thời Donald Trump", bà Harris nói thêm.
Bà Kamala Harris cắm sạc xe điện tại bang Maryland, tháng 12/2021. Ảnh: AP
Bà Harris cũng nhắc đến việc nhận được sự ủng hộ từ Nghiệp đoàn công nhân ôtô Mỹ (UAW) và chủ tịch của nghiệp đoàn là Shawn Fain, người đã tuyên bố sẽ tích cực hỗ trợ cho nỗ lực vào Nhà Trắng của phó tổng thống.
Cựu tổng thống Donald Trump, ứng viên đảng Cộng hòa, phản bác bằng cách nói rằng chính quyền Biden "đã để mất 10.000 việc làm trong lĩnh vực sản xuất trong tháng trước".
"Họ đang biến mất, tất cả họ đang rời đi", ông Trump nói về các nhà sản xuất ôtô trong nước.
Ông Trump cũng cho rằng Trung Quốc đang xây dựng các nhà máy ôtô ở Mexico với kế hoạch tràn ngập thị trường Mỹ bằng các phương tiện giá rẻ.
"Chúng tôi sẽ đánh thuế những chiếc xe đó để chúng không thể vào nước ta, bởi vì chúng sẽ giết chết UAW và bất kỳ công nhân ôtô nào, cho dù là ở Detroit hay South Carolina hay bất kỳ nơi nào khác", cựu tổng thống nói.
Những phản hồi cho thấy sự tương phản hoàn toàn giữa các kế hoạch của bà Harris khi tiếp tục trợ cấp cho ngành sản xuất và ngành công nghiệp ôtô của Mỹ khi chuyển dịch sang xe điện, và trọng tâm của ông Trump vào việc khuấy động nỗi sợ hãi rằng sự chuyển đổi như vậy có thể khiến giới công nhân mất việc.
Khẳng định của ông Trump rằng các công việc trong ngành sản xuất đã giảm trong tháng trước là đúng, nhưng bức tranh rộng lớn hơn của lĩnh vực này đã chuyển biến tích cực hơn kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.
Có khoảng 13 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất trên toàn nước Mỹ vào tháng 1, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS). Đây cũng là mức cao nhất kể từ tháng 11/2008 - thời điểm cuối của đợt suy giảm kéo dài hàng thập kỷ trong ngành sản xuất của Mỹ.
Đối với ngành ôtô ở Michigan, số việc làm trong lĩnh vực sản xuất ôtô và phụ tùng đã giảm phần nào dưới thời ông Biden và bà Harris. Có khoảng 166.000 việc làm tương ứng vào tháng 1/2021, giảm xuống còn khoảng 162.000 vào tháng 7/2024.
Ông Trump và các đồng minh nêu rằng việc làm trong ngành ôtô sẽ giảm mạnh do các chính sách của Biden liên quan đến xe điện, trong khi bà Harris và chiến dịch của bà cho biết những nỗ lực lập pháp như Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) trị giá hàng tỷ USD sẽ giữ được việc làm và tạo điều kiện tăng trưởng trong ngành công nghiệp đặc trưng của Michigan.
Ví dụ, một sáng kiến được IRA hậu thuẫn cam kết lên tới 500 triệu USD cho General Motors (GM) để chuyển đổi nhà máy lắp ráp Lansing Grand River của hãng từ sản xuất xe động cơ đốt trong sang xe điện. Việc này sẽ hỗ trợ duy trì hơn 650 việc làm và tạo ra 50 việc làm mới, theo mô tả dự án từ chính quyền Biden-Harris.
Đôi khi, ông Trump tuyên bố sẽ bãi bỏ một số khía cạnh của gói chính sách về khí hậu và sản xuất - như khoản ưu đãi 7.500 USD đối với xe điện - dù gần đây ông né tránh các chi tiết, theo báo cáo từ Politico.
Bản thân bà Harris vốn tránh thảo luận về xe điện kể từ khi phát động chiến dịch tranh cử vào tháng 7. Công nghệ mới nổi vẫn chưa phổ biến đối với người tiêu dùng ở Michigan và không mang lại lợi nhuận cho các nhà sản xuất ôtô ở Detroit là Ford, Stellantis và GM.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận