Australia khẳng định không phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc
Australia quyết định không trả đũa Trung Quốc, đồng thời khẳng định không có cuộc chiến thương mại giữa 2 nước.
Ngày 18/5, Trung Quốc đã xác nhận sẽ áp thuế 80,5% lên mặt hàng lúa mạch nhập khẩu từ Australia, sau khi hoàn thành cuộc điều tra kéo dài 18 tháng và đi đến kết luận rằng mặt hàng nhập khẩu từ Australia đã gây tổn hại cho thị trường trong nước.
Trước đó, các cơ quan chức năng Trung Quốc đã đề xuất mức thuế 56,14%. Một số ý kiến cho rằng mức thuế cao hơn hẳn so với dự kiến ban đầu là minh chứng cho thấy động thái của Trung Quốc liên quan chặt chẽ với quan điểm chính trị của Australia về việc điều tra nguồn gốc Covid-19.
Ngày 19/5, Bộ trưởng Nông nghiệp Australia David Littleproud đã lên tiếng khẳng định không hề có cuộc chiến thương mại, cho rằng quá trình điều tra của Trung Quốc đã diễn ra một cách khách quan.
Trái lại, luật sư kinh tế Weihuan Zhou thuộc Trung tâm Herbert Smith Freehills, Đại học New South Wales nhận định, về bản chất, khoản thuế cần phải đủ cao để loại bỏ sản phẩm lúa mạch của Australia khỏi thị trường Trung Quốc, nhưng lẽ ra mức 56,14% như dự kiến ban đầu đã là đủ; vì vậy, chắc hẳn mức thuế thực tế có liên quan đến quan điểm của Australia về Covid-19.
Từ trước tới nay, hai nước đã nhiều lần áp đặt mức thuế cao lên mặt hàng xuất khẩu của bên kia, nhưng vẫn thực hiện thỏa thuận thương mại tự do đối với nhiều sản phẩm khác. Ông Littleproud cho rằng, các hãng bia và người tiêu dùng Trung Quốc sẽ là người bị thất vọng; họ sẽ phải trả giá do chi phí lúa mạch tăng cao ở Trung Quốc, hoặc sẽ phải sử dụng sản phẩm kém chất lượng từ nước khác.
Trong khi đó, Australia sẽ phải nỗ lực giúp các nhà sản xuất lúa mạch của Australia tìm cơ hội thị trường, đặc biệt là trong vài tháng tới, trước khi đến mùa thu hoạch. Quan trọng hơn, Australia sẽ đẩy mạnh hợp tác với nhiều đối tác, trong đó có Indonesia, nơi mà Australia sẽ có khoảng 500.000 tấn hạt giống miễn thuế trong thời gian tới.
Các tổ chức nông nghiệp lớn của Australia cũng bày tỏ sự không hài lòng đối với hành động của Trung Quốc, cho rằng cáo buộc về hành vi bán phá giá là không có căn cứ do các nhà sản xuất lúa mạch Australia được hưởng mức trợ cấp thấp nhất trên thế giới và chẳng có lý do gì để Australia bán phá giá lúa mạch.
Chủ tịch Hiệp hội Nông dân quốc gia Australia Tony Mahar cho biết, các nhà sản xuất của Australia hoạt động trong thị trường toàn cầu tự do và cạnh tranh; ý kiến cho rằng lúa mạch của Australia bị bán phá giá ở Trung Quốc là không phù hợp với thực tế sản xuất của Australia; giá xuất khẩu luôn cao hơn giá mua lại từ nông dân và giá bán của nông dân luôn cao hơn chi phí sản xuất. Các hiệp hội nông nghiệp của Australia đã kêu gọi Chính phủ hỗ trợ nông dân bằng cách trao đổi với Trung Quốc một cách thực chất và tôn trọng nhằm bảo vệ quan hệ thương mại vốn tồn tại từ những năm 1960.
Trong khi căng thẳng thương mại đang leo thang, Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia vẫn tiếp tục công kích quan điểm của Australia về điều tra nguồn gốc Covid-19, điều được cho là nguyên nhân dẫn đến biện pháp thuế đối với lúa mạch.
Trong tuyên bố sáng ngày 19/5, Đại sứ quán Trung Quốc cho rằng, việc Australia được minh oan bởi việc hơn 100 nước nhất trí ký kết văn bản ủng hộ điều tra Covid-19 tại Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) là “trò hề”, do dự thảo nghị quyết có nội dung hoàn toàn khác với quan điểm của Australia về điều tra độc lập.
Cùng ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cũng đã lên tiếng chỉ trích quan điểm của Australia về việc điều tra độc lập, cho rằng dự thảo Nghị quyết tại WHA đề cao vai trò của WHO thay vì điều tra độc lập như Australia đề xuất và yêu cầu Australia sửa sai, từ bỏ chính trị hóa dịch bệnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận