24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đoan Trang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

ASEAN tăng cường áp thuế lên doanh nghiệp kỹ thuật số

Các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang tiến hành các biện pháp áp thuế riêng rẽ đối với các công ty kỹ thuật số. Điều này có thể gây tác động đáng kể đến ngành kinh tế vốn đang bùng nổ mạnh mẽ trong đại dịch Covid-19.

Những nỗ lực thắt chặt quy định về thuế kỹ thuật số

Theo Nikkei Asia, tại các quốc gia Đông Nam Á, từ Thái Lan cho tới Indonesia, nhiều loại thuế kỹ thuật số mới đã bắt đầu hoặc đang được áp dụng, đe dọa tới doanh thu của hàng loạt công ty công nghệ vốn đang hưởng lợi lớn từ làn sóng số hóa của khu vực với 650 triệu dân này.

Theo nghiên cứu của Maybank Kim Eng - đơn vị môi giới của Ngân hàng Malayan Banking, Thái Lan đang yêu cầu các nền tảng kỹ thuật số nước ngoài không có chi nhánh tại địa phương và kiếm được hơn 57.000 đô la Mỹ mỗi năm phải nộp thuế giá trị gia tăng 7% doanh số. Khoản thuế này được dự báo có thể mang lại 96 triệu đô la/năm cho Chính phủ Thái Lan.

Tại Indonesia, hồi tháng 8, chính phủ nước này đã áp mức thuế 10% đối với doanh số của các công ty cung cấp dịch vụ và sản phẩm kỹ thuật số. Phạm vi áp thuế bao gồm các dịch vụ phát trực tuyến, ứng dụng di động và trò chơi kỹ thuật số.

Singapore và Malaysia cũng đưa ra cơ chế thuế kỹ thuật số cho những nền tảng nước ngoài và cơ chế này đã có hiệu lực trong năm 2020. Cụ thể, Singapore nhắm tới các dịch vụ nhập khẩu cho người tiêu dùng Singapore, trong khi Malaysia áp thuế dịch vụ 6% đối với các công ty nước ngoài có doanh thu hàng năm vượt quá 120.000 đô la.

Tại Philippines, một dự luật đã được đưa ra vào tháng 5 để đánh thuế các nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật số lớn như Facebook, Google, YouTube, Netflix, nhằm tạo nguồn tài chính ứng phó với tác động từ đại dịch Covid-19.

Maybank lưu ý rằng mức thuế dự kiến 12% ​​đối với các dịch vụ kỹ thuật số được kỳ vọng ​​sẽ huy động số tiền 571 triệu đô la để nhà nước tài trợ cho các chương trình như dự án băng thông rộng quốc gia và nghiên cứu kỹ thuật số.

Trong một báo cáo, các nhà phân tích Lee Ju Ye và Chua Hak Bin tại May Bank lưu ý: “Các quy định xung quanh nền kinh tế kỹ thuật số đang được thắt chặt khi đại dịch Covid-19 thúc đẩy sự bùng nổ nhu cầu dịch vụ trực tuyến ở ASEAN.

Xu hướng chung của toàn cầu

Những biện pháp của các nước ASEAN là một phần trong các động thái toàn cầu của các chính phủ nhằm cố gắng đưa nền kinh tế kỹ thuật số không biên giới vào mạng lưới thuế, giám sát xem các công ty công nghệ có thường xuyên trả các khoản phí tương ứng với khoản thu nhập khổng lồ mà họ nhận được hay không.

Theo báo Financial Times, các công ty công nghệ đã trở thành mục tiêu của mạng lưới thuế dịch vụ kỹ thuật số đang dần được thắt chặt ở một số quốc gia châu Âu. Các nhà chức trách Pháp tuần qua đã bắt đầu gửi yêu cầu thanh toán tới các tập đoàn công nghệ của Mỹ về một loại thuế dịch vụ kỹ thuật số mới.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đang cố gắng giải quyết vấn đề ở cấp độ đa phương với nỗ lực cải cách các quy tắc đánh thuế quốc tế, điều chỉnh cách thức các doanh nghiệp đa quốc gia nộp thuế tại các quốc gia nơi họ hoạt động.

Các chuyên gia về thuế cho biết nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp thường được xác định tại nơi công ty có sự hiện diện thực tế, chứ không phải thị trường nước ngoài.

Điều này dẫn tới một sân chơi không công bằng, trong đó những nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật số nội địa phải đóng thuế cho chính phủ nước họ, còn những đối thủ cạnh tranh nước ngoài thì không.

Phản ứng từ các doanh nghiệp kỹ thuật số

Trước những biện pháp thuế kỹ thuật số mới từ các chính phủ Đông Nam Á, các hãng công nghệ lớn đã có những phản ứng khá thận trọng và dè dặt.

Lazada, một nền tảng thương mại điện tử trong khu vực thuộc sở hữu của gã khổng lồ Internet Trung Quốc Alibaba, cho biết họ sẽ tuân thủ các quy định về thuế của thị trường nội địa. “Chúng tôi sẽ tiếp tục cộng tác với các nhà lập pháp và các cơ quan chính phủ khác về các sáng kiến ​​thuế kỹ thuật số mang lại lợi ích công bằng cho tất cả các bên liên quan”, người phát ngôn của Lazada chia sẻ với Nikkei.

Trong khi đó, Facebook và Google đã không trả lời các câu hỏi của báo Nikkei Asia Review về các chế độ thuế kỹ thuật số tại Đông Nam Á. Kỳ lân công nghệ Sea Group - vốn nhận được sự hậu thuẫn từ hãng công nghệ Trung Quốc Tencent và là công ty mẹ của Shopee cũng từ chối bình luận về vấn đề này.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp kỹ thuật số tại địa phương lại tỏ ra hoan nghênh các biện pháp này, và đồng tình với nhận định của giới chức các nước về việc việc áp thuế sẽ giúp tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn cho các công ty bản địa.

Những tranh cãi về tác động từ các biện pháp áp thuế riêng lẻ

Các chuyên gia cũng bày tỏ những quan điểm khác nhau về việc các nước ASEAN đưa ra những quy định riêng của mình nhằm vào các công ty nước ngoài, trong lúc OECD đang cố gắng đưa ra một khuôn khổ thuế kỹ thuật số quốc tế thông qua việc đàm phán với hơn 130 quốc gia.

Liên minh Internet châu Á (AIC), bao gồm cả những gã khổng lồ công nghệ như Facebook, Google, Amazon và nhà cung cấp siêu ứng dụng Grab ở Singapore, đã chỉ trích những nỗ lực đơn độc của các chính phủ. Theo AIC, sự thiếu đồng thuận về khung thuế toàn cầu có thể làm giảm các khoản đầu tư, thương mại xuyên biên giới và khả năng tiếp cận các công nghệ đổi mới của nhiều cộng đồng, từ đó làm gia tăng khoảng cách kỹ thuật số giữa các quốc gia.

Ông Jeff Paine, Giám đốc điều hành tại AIC chia sẻ với Nikkei: “Chi phí và sự phức tạp từ việc các quốc gia tự mình thiết lập và áp dụng các quy tắc của riêng họ cuối cùng sẽ đánh vào túi tiền của người tiêu dùng và có thể làm giảm tham vọng đầu tư vào tăng trưởng trong tương lai của các công ty”. Do đó, ông cho rằng các nước nên duy trì cam kết của mình đối với các nỗ lực đa phương của OECD.

Giám đốc điều hành phụ trách thuế gián thu của Deloitte Malaysia, ông Senthuran Elalingam lưu ý rằng việc OECD thúc đẩy một tiêu chuẩn toàn cầu về thu thuế trong thương mại dịch vụ quốc tế đã được củng cố bởi nguyên tắc “điểm đến”, nơi các khoản thuế sẽ được thu bởi khu vực pháp lý nơi khách hàng sử dụng dịch vụ.

Tuy nhiên, ông cũng giải thích rằng đó chỉ là những hướng dẫn và không có ràng buộc cụ thể nào về mặt phương pháp. Do đó, việc thiếu tính nhất quán trong cách thu thuế có thể xuất hiện ở Đông Nam Á, cũng như những nơi khác. Ông Elalingam cho biết: “Mỗi cơ quan tài phán, trong khi căn cứ vào luật của họ trên các nguyên tắc cơ bản, đã điều chỉnh cho phù hợp với luật pháp địa phương”.

Chuyên gia Kaul của Frost and Sullivan lưu ý, trong lúc các chính phủ tìm cách đánh thuế những nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật số nước ngoài, người tiêu dùng địa phương có thể là đối tượng chịu thiệt thòi. Ông nhận định: “Nếu có bất cứ vấn đề gì, những gã khổng lồ kỹ thuật số sẽ chuyển những chi phí bổ sung này cho người tiêu dùng, điều này có nghĩa là người tiêu dùng của những gã khổng lồ kỹ thuật số quốc tế này ở nước X đang trả tiền cho chính phủ nước X”.

Cuối cùng, ông Paul MacDonnell, Giám đốc điều hành tại Global Digital Foundation cho biết thuế kỹ thuật số có thể ảnh hưởng đến hành vi của khách hàng giống như thuế đối với việc các sản phẩm rượu và thuốc lá. “Thuế dịch vụ kỹ thuật số có thể gây ra tác động tương tự như thuế tội lỗi - sin tax (loại thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng cho các mặt hàng được coi là có hại cho xã hội, trong nỗ lực giảm tiêu dùng bằng cách tăng giá), đó là làm tăng nguồn thu của chính phủ, nhưng đổi lại, khiến hoạt động tiêu dùng sụt giảm. Thuế dịch vụ kỹ thuật số, do đó, có thể tạo ra một bước lùi”.

Nguồn: Nikkei Asia, Reuters, Financial Times, SCMP

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả