Apple "nhòm ngó" Việt Nam: Chấm dứt tham vọng vươn lên siêu cường của Trung Quốc?
Việc Apple và các doanh nghiệp Mỹ xem xét rời Trung Quốc không có nghĩa là bỏ rơi hoàn toàn thị trường này, mà nó chỉ dự báo rằng những ngày huy hoàng của Trung Quốc như một trung tâm sản xuất của Phương Tây sắp chấm dứt mà thôi.
Muốn rút chân khỏi Trung Quốc, Apple “nhòm ngó” thị trường Việt Nam
Ít nhất 2 đối tác của Apple là Wistron Corp và Pegatron đang bắt đầu dịch chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và Ấn Độ sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. Trong khi Wistron chi tới 1 tỷ USD để chuyển một số dây chuyền sản xuất sang các cơ sở mới ở Việt Nam và Ấn Độ, thì Pegatron cũng lên kế hoạch bắt đầu sản xuất iPhone tại Việt Nam và Indonesia từ năm 2021.
Thực tế, nhiều tập đoàn đa quốc gia như Apple phụ thuộc chủ yếu vào các thị trường có nguồn cung lao động giá rẻ như Trung Quốc để sản xuất các sản phẩm cung cấp cho thị trường Mỹ, Châu Âu. Nhưng đại dịch Covid-19 bùng phát có lẽ sẽ khiến Nhà Táo Khuyết nghĩ lại, do những rủi ro lớn trong nền sản xuất toàn cầu mà Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng.
Một câu hỏi lớn lúc này là Apple sẽ làm gì? Tiếp tục “kết thân” với thị trường tỷ dân như bao lâu nay hay chọn lựa “dứt áo ra đi”; khi mà Tổng thống Donald Trump cùng nhiều quan chức Mỹ đang kêu gọi doanh nghiệp Mỹ “xa lánh” Trung Quốc? Bài toán mà Apple đang đối mặt, là liệu họ có thể hy sinh lợi nhuận vì những mục đích vô hình như sự độc lập kinh tế của nước Mỹ với Trung Quốc, và cao cả hơn là an ninh quốc gia hay không.
Apple khó có thể quay trở lại Mỹ, vì cách duy nhất để thị trường Mỹ trở nên thu hút là đưa chi phí sản xuất xuống ngang bằng với Trung Quốc. Nhưng rõ ràng, Mỹ khó mà cạnh tranh với Trung Quốc và các nước ASEAN về chi phí lao động. Do đó, các quốc gia như ASEAN, Ấn Độ… có vẻ là điểm đến hợp lý để Apple dừng chân.
Trong bối cảnh các đối tác như Pegatron và Wistron đã sẵn sàng rời Trung Quốc đến những thị trường tiềm năng với nguồn cung lao động rẻ tương đối như Việt Nam, có vẻ như Nhà Táo đã chuẩn bị cho sự dịch chuyển trong tương lai gần. Một dấu hiệu rõ rệt là từ khoảng tháng 2 đến cuối tháng 4, Apple liên tục đăng tải những thông tin tuyển dụng tại Hà Nội và TP. HCM, trong đó có nhiều vị trí quan trọng tại bộ phận vận hành và chuỗi cung ứng. Có vẻ như đại gia công nghệ Mỹ đang đẩy mạnh việc chuyển dịch một phần hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang thị trường Việt Nam trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung, tránh phụ thuộc vào một thị trường duy nhất.
Apple chỉ là một trong nhiều tập đoàn Mỹ nói riêng và doanh nghiệp toàn cầu nói chung xem xét những phương án dịch chuyển như vậy, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang dần tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Cuộc di tản” khỏi thị trường Trung Quốc hậu đại dịch Covid-19
3 thập kỷ trước, các nhà sản xuất Mỹ bắt đầu tìm đến nguồn cung ứng hoặc đặt nhà máy tại thị trường Trung Quốc chỉ bởi một lý do: chi phí đặc biệt rẻ. Trong 3 thập kỷ đó, không thể phủ nhận thị trường tỷ dân đã mang về khoản lợi nhuận khổng lồ cho các doanh nghiệp Mỹ. Cho đến năm 2018, Trung Quốc vượt mặt Mỹ trở thành nhà sản xuất hàng đầu thế giới, chịu trách nhiệm 28% sản lượng toàn cầu. Nhưng sự bùng phát đại dịch Covid-19 trong những tháng qua đã khiến nhiều chính phủ nhận ra một rủi ro đáng quan ngại rằng các doanh nghiệp của họ phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Thực chất, “cuộc di tản” khỏi thị trường tỷ dân đã bắt đầu từ vài năm trước, khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung do Tổng thống Mỹ Donald Trump châm ngòi làm tăng lên rủi ro thuế quan và mối đe dọa gián đoạn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng Mỹ - Trung sau đó đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, và Tổng thống Doanld Trump cũng quyết định dỡ bỏ hoặc đình chỉ một phần thuế quan lớn. Ngay sau đó, dịch Covid-19 bùng nổ và làm nổi bật một vấn đề đáng quan ngại hơn: sự phụ thuộc quá lớn vào chuỗi cung ứng Trung Quốc khiến các doanh nghiệp nước ngoài khó thích nghi và phục hồi trước những cú sốc không lường trước được.
Trung Quốc thành công trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19 tại nước này, nhưng cũng đồng thời trở thành cái bia chỉ trích của nhiều quốc gia trên thế giới bao gồm Mỹ khi để lây lan dịch Covid-19 ra toàn cầu. Khi Mỹ vật vã với số ca nhiễm Covid-19 lên tới hàng triệu người, Tổng thống Trump lần nữa đe dọa áp thuế để trả đũa Bắc Kinh vì những hậu quả khủng khiếp mà người Mỹ, nền kinh tế Mỹ phải gánh chịu. Ông Trump cũng kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là Apple rời thị trường Trung Quốc bằng những ưu đãi, hỗ trợ chuyển dịch hấp dẫn.
Doanh nghiệp Mỹ, những đơn vị gần như bị tê liệt khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc làm gián đoạn chuỗi cung ứng, rõ ràng đang nghiêm túc cân nhắc lời kêu gọi đó. Bằng chứng là hàng loạt công ty hoạt động trong lĩnh vực điện tử và phi điện tử đang cân nhắc rời thị trường Trung Quốc đến các nước lân cận như Việt Nam.
Google hiện đang có kế hoạch sản xuất smartphone giá rẻ Pixel 4A tại miền Bắc Việt Nam từ quý II năm nay, trong khi mẫu smartphone thế hệ mới Pixel 5 có thể cũng sẽ được sản xuất tại Việt Nam vào cuối năm. Microsoft thì lên kế hoạch sản xuất laptop tại Việt Nam từ quý II/2020, với khối lượng sản xuất tăng dần từ mức thấp đến cao, theo nguồn tin từ Nikkei Asian Review. Còn Apple thì đăng tải hàng loạt tin tức tuyển dụng tại Việt Nam, ngầm ám chỉ sự dịch chuyển sản xuất trong tương lai gần.
Điều đó không có nghĩa là các doanh nghiệp Mỹ bỏ rơi hoàn toàn thị trường Trung Quốc, mà nó chỉ dự báo rằng những ngày huy hoàng của Trung Quốc như một trung tâm sản xuất của Phương Tây sắp chấm dứt mà thôi.
Đáng nói là không riêng Mỹ, nhiều nền kinh tế lớn như Nhật Bản cũng kêu gọi doanh nghiệp trở về nước hoặc chuyển dịch sản xuất sang các thị trường ASEAN để đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Trong cuộc họp Hội đồng Đầu tư Chính phủ hồi tháng 4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tuyên bố chi tới 240 tỷ JPY (2,2 tỷ USD) trong phân bổ ngân sách năm tài khóa 2020 để hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản tái thiết lập chuỗi cung ứng sau đại dịch. Lời kêu gọi của ông Abe đã rất rõ ràng, ông muốn công ty Nhật “tránh xa Trung Quốc” sau khi chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp Nhật Bản lao đao vì dịch Covid-19 bùng phát ở quốc gia tỷ dân.
Làn sóng dịch chuyển khỏi Trung Quốc đang cảnh báo một viễn cảnh bi đát cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chấm dứt tham vọng vươn lên thành siêu cường và thống trị chuỗi cung ứng toàn cầu. Tất nhiên, để kết thúc những thập kỷ phụ thuộc vào Trung Quốc đòi hỏi sự hy sinh lợi nhuận đáng kể từ các doanh nghiệp Mỹ như Apple. Nhưng có nhiều thứ đáng giá hơn lợi nhuận doanh nghiệp, đó là lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ, điều mà Tổng thống Trump nhấn mạnh từ lâu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận