Áp lực tăng lạm phát chưa quá đáng ngại, không nên đổ xô mua vàng khi đã tăng giá
Gần đây, giá vàng có sự biến động mạnh, theo hướng tăng rất mạnh. Vậy có phải ai cũng trú ẩn vào vàng, nên tiền không vào chứng khoán?
Tại chương trình "Bí mật đồng tiền" số 11, bà Nguyễn Hằng Nga - Phó tổng giám đốc Quỹ đầu tư Vietcombank (VCBF) cho rằng khi có bất kỳ biến động nào trên thị trường, mọi người luôn nghĩ đến vàng là kênh trú ẩn an toàn. Vì vậy, trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào giá vàng cũng tăng lên. Đây là một tâm lý rất bình thường.
Tuy vậy, bản thân bà Nga nghĩ rằng “hầm trú ẩn” này cần phải ở trạng thái “có sẵn”, tức nhà đầu tư đã phải “có sẵn vàng trong tay” khi giá vàng lên thì có để bù trừ cho việc giảm ở cổ phiếu. Còn nếu ở hiện tại, khi nhận thấy giá vàng lên mới đi mua thì “hầm trú ẩn” này có thể nguy hiểm, thậm chí là “sập hầm” trong khoảng 2 năm sau đó. Bởi rủi ro đầu tư ở đây là khi chúng ta bị mua giá cao và bán giá thấp, trong khi để có lãi phải mua thấp bán cao. Nhiều nhà đầu tư nghĩ mua cao có thể bán cao hơn nhưng trên thực tế khi nhà đầu tư mua giá cao thì rủi ro nhiều hơn so với mua giá thấp.
Bà Nga cho rằng, vàng là kênh trú ẩn nhưng cần có sẵn, thay vì chạy đi đua mua khi giá tăng cao.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu vàng PNJ đang được nhiều công ty chứng khoán ưa thích, giá cổ phiếu PNJ cũng có vài phiên phản ứng tích cực trước kỳ vọng của nhà đầu tư về việc giá vàng tăng thì PNJ sẽ hưởng lợi, gia tăng lợi nhuận.
Ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI cho rằng, có một số nhà đầu tư không thích việc giá vàng tăng. Khi tình hình kinh tế khó khăn, giống như trời mưa phải đi tránh và đây là điều bình thường. Tuy nhiên, bây giờ có nhiều hình thức khác để tránh rủi ro nên giá vàng tăng cũng không ảnh hưởng nhiều. Ngay cả về chính sách vĩ mô, sẽ không có sự can thiệp tới giá vàng ở thời điểm hiện tại do ảnh hưởng của giá vàng đến chính sách ngoại hối là rất thấp.
Trả lời câu hỏi kỳ vọng lạm phát tăng sẽ ảnh hưởng thế nào đến thị trường chứng khoán, Phó tổng giám VCBF khẳng định lạm phát vẫn luôn là kẻ thù của thị trường chứng khoán. Lạm phát tăng ở một mức vừa phải là rất cần thiết cho tăng trưởng kinh tế, nhưng nếu lạm phát cao, các ngân hàng trung ương sẽ phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Nhiệm vụ quan trọng của NHNN là ổn định giá cả hàng hoá.
Tại Việt Nam, Chính Phủ đưa ra mục tiêu lạm phát dưới 4%. Khi lạm phát vượt mốc này và đánh giá là tạm thời, thì ngân hàng trung ương chưa có những biện pháp để giảm lạm phát ngay lập tức. Ngược lại, nếu cho rằng lạm phát có thể kéo dài trong dài và vượt xa hơn nhiều so với 4%, thì chắc chắn sẽ có các chính sách để kiềm chế lạm phát.
Khi mà chính sách kiểm soát đưa ra, chắc chắn dòng tiền sẽ bị thắt chặt, lãi suất tăng, tiền vào chứng khoán sẽ giảm và thị trường chắc chắn sẽ giảm. Lạm phát tăng cao không chỉ gây bất lợi cho chứng khoán mà cũng không có lợi cho bất kỳ tài sản tài chính nào, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân, kênh đầu tư trái phiếu, bất động sản…
Bà Nga cho rằng, nỗi lo lạm phát tăng không quá lớn cầu còn đang yếu. Năm 2022 cầu kỳ vọng cải thiện khi kinh tế mở cửa, nhưng doanh số bán lẻ vẫn âm so với cùng kỳ cho thấy vẫn có sự thận trọng trong chi tiêu. Hay như các năm, khi thấy giá dầu tăng thì cái gì cũng tăng “tát nước theo mưa”, nhưng 2021 giá dầu đã tăng rồi và đã tạo ra lạm phát, chỉ số trong ngành giao thông đã tăng rồi nhưng cả rổ chỉ số của Việt Nam chỉ 1,8% vì hàng hoá, lương thực thực phẩm vẫn giữ giá rất ổn.
Hoa hậu làng bank: vòng chung kết gọi tên 7 cổ phiếu
Chương trình "Bí mật đồng tiền" với chủ đề "Hoa hậu làng bank", cũng chọn vào vòng “chung kết” 7 cổ phiếu ngân hàng là VCB, TCB, VPB, STB, TPB, MBB và LPB để cùng bình chọn.
Đối với VCB của Vietcombank, ông Phạm Lưu Hưng đánh giá, VCB có nhiều chỉ số tài chính tốt, tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao. Trong trường hợp kinh tế gặp khó khăn, ngân hàng có sức chống chịu với rủi ro tốt. Bên cạnh đó, VCB cũng ở hữu mối quan hệ sâu rộng với các doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, VCB là cổ phiếu phù hợp để đầu tư.
Với TCB, bà Nguyễn Hằng Nga nhận định, quá khứ là rất đẹp, còn tương lai như thế nào là câu hỏi lớn? Techcombank hoạt động khá tập trung ở cho vay mua nhà và phân phối, phát hành trái phiếu – đóng góp lớn trong lợi nhuận. Tuy nhiên, Thông tư 16 mới được được ban hành có quy định liên quan đến việc ngân hàng được mua trái phiếu như thế nào, ảnh hưởng của Thông tư tới TCB ra sao thì chưa tính toán được. Đây là ẩn số lớn với ngân hàng trong tương lai. Nếu nhìn chỉ số của TCB thì rất đẹp và không có lý do gì để loại cổ phiếu này ra khỏi "vòng chung kết’’.
Đối với VPB, ông Phạm Lưu Hưng cho rằng, có cái hay của VPB là đang "kén rể" – đang tìm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Tuy nhiên, mức độ rủi ro của VPB là khá cao, không phải ai cũng có thể phân tích được.
Với STB của Sacombank, bà Nguyễn Hằng Nga đánh giá cổ phiếu này như "công chúa ngủ trong rừng" khi gần đây mới được nhà đầu tư chú ý nhiều.
Trước đây, Sacombank được ví như một cô gái xinh đẹp nhưng chưa ai phát hiện ra, có một số vấn đề, như vài vết sẹo chẳng hạn, thì đã xử lý gần xong. Theo kế hoạch, Sacombank sẽ có bề ngoài khác hẳn khi kế hoạch hoàn thành việc xử lý nợ xấu trong năm 2023 nhưng giới đầu tư kỳ vọng quá trình này có thể hoàn thành vào năm 2022.
Đối với MBB, ông Hưng nhận định sau khi trải qua đợt sụt giảm vừa qua, cổ phiếu này đã xuống vùng phù hợp để đầu tư.
Đánh giá về TPB, bà Nga cho rằng đây là “ngân hàng mới nổi” dù là một ngân hàng trẻ so với những cái tên còn lại nhưng TPBank đã có nhiều hành động để trở nên ''xinh đẹp'' - thể hiện qua tốc độ tăng trưởng lợi nhuận liên tục ở mức tốt, các chỉ số cơ bản như ROA, ROE và CASA đều đẹp. Ngoài ra ngân hàng này cũng rất năng động và tiên phong trong hoạt động chuyển đổi số.
Với LPB, ông Hưng cho rằng, các chỉ số tài chính của LienVietPostBank không tốt bằng các ngân hàng còn lại và việc thoái vốn bất thành của VNPost cũng gây ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, nhưng giới đầu tư vẫn kỳ vọng cổ phiếu LPB sẽ có thông tin hỗ trợ trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận