menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Thanh Huyền

Áp lực kinh tế 'đe dọa' truyền thống sinh con tuổi rồng của người Trung Quốc

Sinh nhiều em bé nhờ năm rồng sẽ hữu ích cho tăng trưởng của Trung Quốc, nhưng chính áp lực kinh tế khiến truyền thống này khó bùng nổ.

Khi mang thai được sáu tháng, Ma Qian khiến bạn bè ghen tị vì sẽ có một bé trai tuổi rồng sinh vào Giáp Thìn 2024. Thực tế, đây không phải là tình cờ. Họ tranh thủ có con ngay sau làm đám cưới vào tháng 7/2023. "Tất cả đã được lên kế hoạch. Ngay sau khi ký hôn thú, tôi bắt đầu chuẩn bị sẵn sàng", cô gái 27 tuổi sống ở Bắc Kinh với người chồng là nhà đầu tư 30 tuổi, cho biết.

Áp lực kinh tế 'đe dọa' truyền thống sinh con tuổi rồng của người Trung Quốc
Trẻ em Hàng Châu vẫy quốc kỳ Trung Quốc khi tham gia một buổi lễ ngày 29/9/2017. Ảnh: Reuters

Có một đứa con tuổi Thìn thường được người Trung Quốc xem là điều tốt. Con rồng có xu hướng gắn liền với những thành tựu to lớn hơn, vì rồng - con thú thần thoại duy nhất trong 12 con giáp - đại diện cho quyền lực và sự vĩ đại.

Thực tế, tỷ lệ sinh của Trung Quốc trong năm Thìn 2012 đã tăng lên 14,57%, từ mức 13,27% của 2011, trước khi giảm xuống 13,03% vào 2013. Một phân tích của Financial Times cũng cho thấy tỷ lệ sinh tăng đột biến trong những năm con rồng xa hơn, chẳng hạn như năm 1988 và 1976.

Những đứa trẻ tuổi rồng còn được cho là có những đặc điểm đáng mơ ước như trí thông minh, khả năng lãnh đạo và vận may. Một nghiên cứu vào năm 2017 của Naci Mocan và Han Yu, hai nhà kinh tế tại Đại học Bang Louisiana (Mỹ), tìm cách kiểm chứng niềm tin này.

Họ phát hiện người tuổi rồng có điểm trung bình tốt hơn ở nhiều chỉ số khác nhau, bao gồm tỷ lệ có bằng cử nhân, thi tuyển đại học. Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ lý giải rằng "thành tích học tập cao hơn của trẻ em tuổi Thìn ở Trung Quốc phần lớn là do cha mẹ chúng kỳ vọng cao hơn nhiều".

Nghĩa là, những đứa trẻ tuổi rồng có thể giỏi hơn không phải vì thừa hưởng điều gì siêu nhiên, mà chính bởi sự chăm sóc kỹ của phụ huynh. Nhưng dù sao, kết quả này cũng tốt cho nhân lực Trung Quốc, với một lứa thế hệ được đầu tư.

Yuan Xin, Phó chủ tịch Hiệp hội Dân số Trung Quốc thừa nhận xu hướng giảm tổng dân số chắc chắn sẽ kéo dài và trở thành đặc điểm cố hữu.

Năm 2022, dân số Trung Quốc lần đầu tiên giảm kể từ những năm 1960. Đến 2023, Ấn Độ vượt qua, thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Tháng 1/2024, dân số nước này tiếp tục giảm. Tỷ suất sinh - được tính bằng số lượng trẻ em sinh ra trong một năm so với tổng số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ - hiện ước khoảng 1, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định.

Dân số giảm đặt ra thách thức với tăng trưởng của Trung Quốc, đặc biệt là khi nước này chuyển trọng tâm xem nhu cầu trong nước thành động lực quan trọng. Nghiên cứu của tổ chức tư vấn Bruegel vào tháng 10/2023, do Alicia García-Herrero và Xu Jianwei thực hiện, phát hiện rằng dân số ngày càng giảm có thể làm mất đi 1,4% mức tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc sau 2035.

Điều này là do tỷ lệ sinh giảm bắt đầu có tác động rõ nét đến dân số trong độ tuổi lao động, cùng với quá trình đô thị hóa giảm dần. Trong bối cảnh tỷ lệ sinh Trung Quốc đã giảm 7 năm liên tiếp, gây lo ngại cho tương lai kinh tế về lâu dài, truyền thống chuộng sinh con tuổi rồng thắp lên chút hy vọng mức giảm dân số năm 2024 sẽ nhẹ hơn.

Yue Su, Kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Economist Intelligence Unit (EIU) kỳ vọng số ca sinh mới sẽ phục hồi vào năm nay. "Điều này có khả năng góp phần vào quỹ đạo tăng trưởng dân số tích cực một lần nữa", chuyên gia nói.

Dù vậy, không có nhiều hy vọng bùng nổ dân số tuổi rồng năm nay. Áp lực kinh tế khiến các gia đình dù muốn có con tuổi rồng cũng phải rất cân nhắc.

Tiến sĩ Mu Zheng, nhà xã hội học nghiên cứu về sinh sản của Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Singapore, dự báo gia tăng số trẻ em năm nay "nhưng nó có thể rất vừa phải". "Việc sinh con vẫn là một quyết định lớn, cần cân nhắc kỹ lưỡng. Ý nghĩa tốt lành của năm con rồng có thể thúc đẩy những người có ý định sinh con nhưng với những người đã không muốn thì không tác dụng lắm", bà nói.

Chuyên gia này phân tích đằng sau sự suy giảm dân số của Trung Quốc gồm 3 vấn đề. Đầu tiên là áp lực và chi phí ngày càng tăng. Ngoài ra, những quan điểm lựa chọn cuộc sống thay đổi. Trong đó, trách nhiệm với trẻ em có thể được coi là gánh nặng và không phải là mục tiêu cuộc đời một số người. Các định kiến giới tính dai dẳng cũng tạo ra sự miễn cưỡng trong kết hôn và sinh con ở những phụ nữ có trình độ học vấn cao.

Wang Feng, chuyên gia nhân khẩu học Trung Quốc tại Đại học California cũng cho rằng sự bi quan về kinh tế là lực cản để cải thiện tỷ lệ sinh trong năm nay. "Có con là trách nhiệm suốt đời. Chính vì vậy mà phụ nữ Trung Quốc ngày càng phải tìm cách không sinh con hoặc không kết hôn", ông nói.


Thực tiễn kinh nghiệm, có những vợ chồng thậm chí né sinh con năm rồng vì sợ đứa trẻ phải chịu áp lực và cạnh tranh hơn. Liu Xi, người Thành Đô, phải xếp hàng dài ở bệnh viện để khám thai sản và thậm chí cả khi đi sinh hồi 2000. "Đó là năm thiên niên kỷ và cũng là năm rồng nên bà bầu ở khắp mọi nơi", Liu kể lại.

Con gái tuổi rồng của Liu trải qua phần lớn cuộc đời học sinh với sự cạnh tranh khốc liệt. Các lớp học đông hơn và nguồn lực bị căng ra. Theo bà, các bậc cha mẹ có thể không muốn đặt con mình vào hoàn cảnh như vậy và sẽ tránh sinh con năm nay.

Kinh tế trưởng Yue Su dự báo sau thời gian ngắn phục hồi năm 2024 và có thể là năm 2025, số lượng trẻ sơ sinh dự kiến quay trở lại xu hướng giảm trước đó, do có ít phụ nữ trong độ tuổi sinh sản hơn và tỷ lệ sinh giảm.

Năm con rồng bản thân khó thay đổi cục diện dân số. Tiến sĩ Mu Zheng cho rằng việc tăng tỷ lệ sinh một cách hiệu quả sẽ phải trả giá đắt và đòi hỏi những thay đổi đáng kể về mặt hệ thống để hỗ trợ sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của cha mẹ, cũng như giải quyết sự bất bình đẳng giới trong hôn nhân và gia đình.

Và trong khi những kỳ vọng về bùng nổ trẻ em tuổi rồng còn khiêm tốn, một số quan điểm bất lợi còn nổi lên. Cuối tháng 1, mạng xã hội Trung Quốc lan truyền nội dung năm Giáp Thìn không tốt để kết hôn.

Lý lẽ đưa ra là ngày Lập Xuân 2024 rơi vào 4/2, tức trước Mùng 1 Tết Giáp Thìn (rơi vào 10/2), theo quan điểm dân gian gọi là năm "không có mùa xuân". Vì mùa xuân là thời điểm sinh sôi nảy nở nên năm "không có mùa xuân" được xem là "năm góa phụ", dẫn đến kết hôn sẽ kém may mắn.

Dư luận khiến Bộ Dân chính Trung Quốc vào cuộc theo dõi, và một đài truyền hình nhà nước phải đăng tin khẳng định không có mối liên hệ nào giữa vận rủi và một "năm không có mùa xuân". Cùng với đó, Lập Xuân xảy ra trước Mùng 1 không hiếm gặp, và từng xảy ra vào năm 2019 và 2021.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
24 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại