Ảnh hưởng của dịch Covid-19 và vai trò của chính sách tiền tệ
Đại dịch Covid-19 là cú sốc cung nghiêm trọng nhất trên toàn cầu kể từ Thế chiến thứ 2 đến nay. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn nên việc chủ động xây dựng một chiến lược ứng phó hữu hiệu với các cú sốc như thế này là đòi hỏi bắt buộc.
Bản chất của khủng hoảng kinh tế trong dịch Covid-19
Tính đến đầu tháng 5/2020, dịch bệnh đã lan rộng đến 214 quốc gia và vùng lãnh thổ, số ca nhiễm mới và số người tử vong vẫn rất lớn. Dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới. (Hình 1).
Tác động ban đầu của dịch bệnh là những nước bị ảnh hưởng phải đóng cửa một số hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ. Điều này trực tiếp ảnh hưởng lên GDP của nước đó. Dịch bệnh lan rộng, nên các hoạt động sản xuất tại các nước khác cũng bị đình đốn làm cho chuỗi giá trị sản xuất bị gián đoạn, những ngành sản xuất có đầu vào phụ thuộc bên ngoài gặp khó khăn lớn trong duy trì hoạt động.
Khi doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, thất nghiệp gia tăng, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, gia tăng tiết kiệm để phòng ngừa rủi ro. Đồng thời, nhà đầu tư cũng sẽ thu hẹp đầu tư, mà chuyển sang nắm giữ các tài sản an toàn.
Đây chính là tác động của yếu tố tâm lý. Khi đối mặt với sự không chắc chắn như dịch bệnh hiện nay, người tiêu dùng và các doanh nghiệp đều có xu hướng tăng cường các biện pháp phòng vệ (hạn chế tiêu dùng, tăng tiết kiệm đề phòng bất trắc, thu hẹp đầu tư… để chờ đợi sụt giảm mạnh đồng thời của tổng cầu và tổng cung sẽ gây ra suy thoái kinh tế sâu.
Kinh tế nước ta cũng đã lần lượt bị tác động bởi các yếu tố trên, tổng cung, tổng cầu và niềm tin.
Tổng cung bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các biện pháp cách ly nghiêm ngặt, nhất là các ngành dịch vụ du lịch, hàng không, giao thông, vận tải, vui chơi, giải trí, nông nghiệp; hoạt động sản xuất của nhiều ngành công nghiệp khó khăn do thiếu nguyên liệu, chuỗi cung ứng gián đoạn, nhu cầu hàng hóa trong nước và quốc tế giảm, nhất là giá dầu, xuất khẩu và tiêu thụ nhiều mặt hàng gặp khó khăn.
Hầu hết các hoạt động kinh tế đều suy giảm. GDP, chỉ số sản xuất công nghiệp, doanh thu bán lẻ và dịch vụ, vốn đầu tư toàn xã hội, nhập khẩu và tín dụng mặc dù vẫn tăng trưởng nhưng ở mức thấp; vốn FDI đăng ký và thực hiện đều tăng trưởng âm. (Hình 2).
Diễn biến tại Hình 2 cho thấy, mặc dù tốc độ tăng trưởng của quý I/2020 vẫn cao hơn chút ít so với tốc độ tăng trưởng quý I/2009 nhưng quý I/2020 là quý đầu tiên có nhiều ngành tăng trưởng âm, với mức sụt giảm lớn như: nông nghiệp (-1,17%); khai khoáng (-3,18%); lưu trú, ăn uống (-11%); vận tải, kho bãi (-0,9%); hoạt động hành chính (-3,5%). Khác với quý I/2009, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2020 vẫn tăng trưởng khá. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ đảo chiều vào quý II/2020.
Tổng cầu suy giảm mạnh từ cả đầu tư, tiêu dùng nội địa và nhu cầu hàng hóa của thế giới. Cầu nội địa và quốc tế đều bị kìm hãm bởi các biện pháp đóng cửa quốc gia, giãn cách xã hội, cấm ra khỏi nhà, cách ly, phong tỏa. Toàn bộ hệ thống thị trường và nền kinh tế quốc gia và thế giới, đồng thời giảm tốc đột ngột làm cho cơ hội, chính sách chuyển hướng giữa thị trường trong nước và thị trường nước ngoài không phát huy tác dụng ngắn hạn.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I/2020 chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức tăng thấp nhất từ năm 2012 đến nay. Đáng chú ý, hai động lực quan trọng nhất của tăng trưởng là đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài đều suy yếu. Sự gia tăng mạnh mẽ của đầu tư thuộc vốn ngân sách nhà nước (NSNN) cho thấy Chính phủ đã chủ động thực hiện các chính sách chống chu kỳ, đẩy mạnh đầu tư công để hạn chế đà suy giảm kinh tế, nhưng giải ngân đầu tư công còn chậm và không lớn để bù đắp cho sự sụt giảm của đầu tư tư nhân và FDI.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I/2020 chỉ tăng 4,7% (chưa trừ yếu tố tăng giá) thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 9% vào quý I/2019. Đây là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Tác động của dịch bệnh lên hoạt động bán lẻ và tiêu dùng dịch vụ chỉ bắt đầu từ tháng 3 và mức ảnh hưởng rất lớn. Chỉ số bán lẻ trong tháng 3 đã giảm xuống 1,6% từ mức 7,2% của tháng 1. Với việc siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và thực hiện giãn cách xã hội từ tháng 3 và còn tiếp tục kéo dài, thì cầu tiêu dùng sẽ tiếp tục giảm mạnh trong tháng 4 và có thể phục hồi lại dần trong tháng 5 cùng với việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Vai trò của chính sách tiền tệ trong ứng phó dịch bệnh
Nguyên tắc đưa ra các giải pháp nhằm phục hồi kinh tế
Bản chất của tác động dịch bệnh lên nền kinh tế ban đầu là do cú sốc cung, sau đó làm suy giảm tổng cầu. Các biện pháp nhằm “giãn cách xã hội” mà chính phủ các nước cũng như Chính phủ Việt Nam thực hiện trong thời gian qua đã làm gián đoạn chuỗi giá trị sản xuất, doanh nghiệp thu hẹp hoạt động khiến tổng cung của nền kinh tế bị đình trệ. Kéo theo đó là sự sụt giảm tổng cầu nghiêm trọng thể hiện qua việc người dân thu hẹp tiêu dùng do thất nghiệp, giảm thu nhập và đầu tư toàn xã hội suy giảm.
Như vậy, với hai yếu tố làm suy thoái kinh tế, xét trên góc độ tổng cầu và tổng cung thì việc giảm tổng cung mang tính chủ động, xuất phát từ động thái của chính phủ; còn giảm tổng cầu là hệ quả kéo theo khi thu nhập giảm và niềm tin suy giảm.
Vai trò chính sách tiền tệ thời kỳ dịch bệnh
Các giải pháp ứng phó hỗ trợ phát triển kinh tế cần chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn dịch bệnh chưa được khống chế và giai đoạn sau khi đã kiểm soát được dịch.
Trong thời kỳ dịch bệnh chưa được khống chế, các ưu tiên hàng đầu là chống dịch và nền kinh tế suy giảm do các biện pháp hạn chế sản xuất và tiêu dùng. Rào cản đối với phát triển kinh tế trong thời kỳ dịch bệnh không phải là do người dân không có tiền để chi tiêu mà do tổng cung bị thu hẹp, hạn chế khả năng tiêu dùng; đồng thời do sự bất định về tương lai gia tăng làm người dân giảm chi tiêu, tăng tiết kiệm.
Do đó, các chính sách hỗ trợ kinh tế trong thời kỳ này không mang bản chất hỗ trợ tăng trưởng mà là duy trì năng lực cho nền kinh tế, đảm bảo cho nền kinh tế không bị kiệt quệ, mất khả năng phục hồi nhanh khi dịch bệnh qua đi.
Các chính sách ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn này là: (1) duy trì hoạt động của doanh nghiệp hạn chế tối đa tình trạng phá sản; (2) duy trì việc làm cho người lao động, hạn chế tình trạng thất nghiệp, mất thu nhập; và (3) đảm bảo hệ thống ngân hàng - huyết mạch của nền kinh tế - duy trì được trạng thái ổn định, vận hành tốt, đủ năng lực vực dậy nền kinh tế sau dịch bệnh.
Trong một nền kinh tế thị trường năng động như Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động dựa vào các khoản vay được đảm bảo bằng các khoản doanh thu trong tương lai. Khi nền kinh tế bị đóng cửa, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động nhưng những doanh nghiệp và người tiêu dùng có các khoản vay thì họ vẫn phải tiếp tục trả nợ cho dù họ không có bất kỳ nguồn thu nào.
Doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục trả lương cho người lao động, người dân vẫn phải trả hóa đơn tiền nhà, tiền điện và các sản phẩm dịch vụ thiết yếu khác. Nếu không có sự trợ giúp từ phía chính phủ thì khi tình trạng đóng cửa nền kinh tế kéo dài có thể dẫn đến một làn sóng vỡ nợ, phá sản và gây thảm họa cho thị trường tài chính và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Đây chính là bản chất của cú sốc cung và trong bối cảnh đó, các chính sách tiền tệ truyền thống sẽ không có tác dụng. Khi hầu hết các doanh nghiệp, các trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí đóng cửa thì tất cả các chính sách khuyến khích tiêu dùng nhiều hơn đều trở nên vô dụng. Việc giảm lãi suất, tăng thanh khoản cũng không làm cho doanh nghiệp vay mượn nhiều hơn vì doanh nghiệp hầu như không có nhu cầu vay mượn trong thời kỳ này. Đồng thời, do sự gián đoạn của nguồn cung, nhiều doanh nghiệp sẽ không có doanh thu, dẫn đến mất khả năng trả nợ, khi đó thì không ngân hàng nào cho vay dù với bất kỳ lãi suất nào.
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ giảm các áp lực trả nợ và các chi phí lưu động và chính sách tài khóa là chính sách hiệu quả nhất để thực hiện các hoạt động hỗ trợ này. Các chính sách như giảm thuế, hỗ trợ trả lương cho doanh nghiệp, hỗ trợ đóng các phí bảo hiểm, các chi phí điện nước… sẽ có tác động trực tiếp giảm áp lực chi phí cho các doanh nghiệp và người lao động trong thời kỳ khó khăn. Tuy nhiên, nếu đẩy gánh nặng tài khóa quá lớn có thể sẽ gây nên những bất ổn vĩ mô lâu dài và hậu quả là kéo lùi nền kinh tế. Đồng thời, các chi phí lãi vay cũng sẽ là gánh nặng đối với các doanh nghiệp trong khi không có doanh thu.
Trong bối cảnh này, chính sách tiền tệ có thể hỗ trợ thông qua việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hỗ trợ các ngân hàng thương mại cơ cấu lại các khoản nợ hiện hành cho các khách hàng (giảm lãi suất đối với các khoản nợ hiện hành, đảo nợ..); miễn giảm lãi trong thời kỳ không doanh nghiệp không có doanh thu.
Một sai lầm thường mắc phải khi vận dụng chính sách tiền tệ để ứng phó với dịch bệnh là nới lỏng các quy định an toàn của hệ thống tài chính để tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế (điều chỉnh về phân loại nợ, tỷ lệ an toàn vốn, các điều kiện cho vay…). Điều này trên thực tế sẽ làm suy yếu hệ thống ngân hàng, rủi ro hệ thống gia tăng, nợ xấu tăng và một vài ngân hàng yếu kém dễ dàng rơi vào tình trạng phá sản khi các doanh nghiệp vay nợ mất khả năng trả nợ, từ đó đẩy toàn bộ hệ thống vào nguy hiểm.
Thêm vào đó, những diễn biến xấu của dịch bệnh có thể làm cho hàng loạt doanh nghiệp lâm vào khó khăn và nợ xấu trên bảng cân đối của các tổ chức tín dụng tăng nhanh. Điều này làm cho các ngân hàng mất khả năng thanh khoản và gây khủng hoảng hệ thống trong khi các doanh nghiệp cần các tổ chức tín dụng tiếp sức để phục hồi sau dịch.
Do đó, để đảm bảo khả năng phục hồi của nền kinh tế, việc duy trì một hệ thống các tổ chức tín dụng lành mạnh là yêu cầu tiên quyết. Nói cách khác, trong thời kỳ dịch bệnh, các tổ chức tín dụng là những doanh nghiệp cần được đặc biệt bảo vệ.
Trong thời kỳ dịch bệnh, chính sách tài khóa đóng vai trò quyết định, chính sách tiền tệ chỉ mang tính chất hỗ trợ. Tuy nhiên, khi dịch bệnh được kiểm soát thì chính sách tiền tệ phải đóng vai trò quyết định trong việc cung cấp nguồn vốn cần thiết giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
Nhóm chính sách ưu tiên khi dịch bệnh được khống chế đó là: (i) nhanh chóng xóa bỏ các hạn chế về cung; (ii) hỗ trợ vốn do doanh nghiệp phục hồi; (iii) kích cầu để tạo động lực cho tổng cung mở rộng. Đồng thời, từng bước phục hồi lại kỷ luật tài khóa (vốn được nới lỏng trong thời kỳ dịch bệnh) để đảm bảo sự bền vững của ngân sách trong dài hạn.
Điểm đáng lưu ý là hoạt động của các tổ chức tín dụng phụ thuộc vào dòng vốn cho vay ra và dòng vốn trả trở lại của các doanh nghiệp. Trong thời kỳ dịch bệnh, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn để có thể duy trì dòng vốn trả lại cho các tổ chức tín dụng trong ngắn hạn. Ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát, các doanh nghiệp cũng cần có thời gian để phục hồi lại khả năng trả nợ.
Trong khoảng thời gian này, một số tổ chức tín dụng có thể bị thiếu thanh khoản do dòng vốn trở về bị ách tắc. NHNN cần sẵn sàng cung ứng thanh khoản kịp thời cho các tổ chức tín dụng. Khi các hoạt động sản xuất - kinh doanh được phục hồi lại bình thường thì NHNN sẽ rút lại các nguồn vốn này để kiểm soát lạm phát không tăng quá cao.
Có thể thấy, đại dịch Covid-19 là một cú sốc cung nghiêm trọng nhất trên toàn cầu kể từ Thế chiến thứ 2 đến nay. Các đại dịch dường như đang trở nên thường xuyên hơn, trong khi hầu như tất cả các nước đều chưa có một cách thức ứng phó hiệu quả để hạn chế các thiệt hại cả về kinh tế và nhân mạng. Mô hình kinh tế dựa vào tiêu dùng và vay nợ hàng thập kỷ qua đã trở nên dễ tổn thương nghiêm trọng khi chúng ta không có đủ tiết kiệm để phòng ngừa cho những cú sốc cung như thế này.
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn nên việc chủ động xây dựng một chiến lược ứng phó hữu hiệu với các cú sốc như thế này là đòi hỏi bắt buộc. Chiến lược này phải xác định được các dư địa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cần có để có thể ứng phó với khủng hoảng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận