Anh chính thức đăng ký gia nhập hiệp định CPTPP
Chính phủ Anh sẽ chính thức đăng ký gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để giúp gỡ bỏ hầu hết thuế quan với 11 nước gồm Úc, Brunei,Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, có tổng GDP trị giá 10,6 ngàn tỉ đô la Mỹ, chiếm 13% GDP toàn cầu.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 31-1, Thủ tướng Anh, Boris Johnson nói: “Một năm sau khi rời Liên minh châu Âu (EU), chúng ta đang củng cố các mối quan hệ đối tác mới mà sẽ mang lại các lợi ích kinh tế khổng lồ cho người dân Anh”.
Ông nhấn mạnh việc trở thành nước mới đầu tiên đăng ký gia nhập CPTPP thể hiện ‘tham vọng làm ăn của Anh làm ăn với bạn bè và đối tác của chúng ta trên khắp trên thế giới dựa trên các điều khoản tốt nhất’ và thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ thương mại tự do toàn cầu.
Ông cho hay Bộ trưởng Thương mại Anh, Liz Truss, sẽ trao đổi với người đồng cấp của Nhật Bản và New Zealand vào ngày 1-2 về đề nghị gia nhập CPTPP. Dự kiến các cuộc đàm phán chính thức sẽ khởi động ngay trong năm nay.
Bà Truss tin rằng việc trở thành thành viên của CPTPP sẽ giúp củng cố thương mại của Anh với toàn cầu đang có giá trị 111 tỉ bảng với mức tăng trưởng 8% mỗi năm kể từ khi năm 2016 khi dân Anh bỏ phiếu đồng ý rời EU trong một cuộc trưng cầu dân ý.
Bà cho hay gia nhập CPTPP sẽ giúp tăng tốc tự do thương mại số, xóa bỏ thuế đánh vào các sản phẩm của Anh như xe hơi và rượu whisky cũng như đơn giản hóa thủ tục thị thực đối với giới doanh nhân Anh muốn đi lại ở các nước thành viên của CPTPP.
Giới chức Anh cũng hy vọng phần thưởng lớn hơn sẽ là sử dụng CPTPP như là công cụ để củng cố mối quan hệ thương mại với Mỹ nếu chính phủ của Tổng thống Joe Biden quyết định tái đàm phán gia nhập CPTPP.
Mỹ đang mua hàng hóa xuất khẩu của Anh với trị giá hơn gấp đôi so với tất cả các nước thành viên CPTPP gộp lại.
Một quan chức Anh nói: “Chúng tôi hy vọng Mỹ chia sẻ tham vọng của chúng tôi rằng việc gia nhập CPTPP sẽ giúp hai nước siết chặt quan hệ quan hệ thương mại thông qua các kênh đa phương”
Tuy nhiên, có một số ý kiến chỉ trích tại Anh nói rằng tham gia một hiệp định thương mại với 11 nước ở vị trí địa lý xa xôi với Anh chỉ mang lại lợi ích kinh tế hạn chế. Họ cũng không nhìn thấy triển vọng ông Biden đưa Mỹ gia nhập CPTPP trở lại sớm. Ông Biden đang tập trung cải thiện nền kinh tế trong nước do vậy, một hiệp định thương mại với Anh hay việc gia nhập CPTPP không phải là ưu tiên của Nhà Trắng vào thời điểm này.
“Tổng thống Biden đã nhiều lần khẳng định CPTPP sẽ cần được được đàm phán lại. Nhưng chính phủ Mỹ hiện tại tập trung cho nỗ lực đầu tư và tăng trưởng kinh tế để hỗ trợ tầng lớp trung lưu của Mỹ. Dù đang xem xét các thỏa thuận hiện hành và tiềm năng với các đối tác, chính phủ Mỹ sẽ không lập tức tìm cách ký kết bất cứ thỏa thuận thương mại mới nào”, một quan chức chính phủ Mỹ nói.
Khoảng cách địa lý và một yếu tố quan trọng trong thương mại. Theo một nghiên cứu của chính phủ Anh, ngay cả hiệp định thương mại được ký kết gần đây giữa Anh với nền kinh tế khổng lồ Nhật Bản chỉ giúp tăng GDP của Anh trong dài hạn thêm 0,07 điểm phần trăm.
Một nghiên cứu khác của chính phủ Anh vào năm 2018 cũng chỉ ra rằng các hiệp định thương mại của Anh với các nước và khối kinh tế bên ngoài EU như Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, ASEAN và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh cũng chỉ giúp GDP tổng thể của Anh tăng khoảng 0,1-0,4 điểm phần trăm trong dài hạn. Bộ Thương mại quốc tế Anh sẽ công bố báo cáo đánh giá các lợi ích kinh tế của việc gia nhập CPTPP trong mùa xuân này.
David Henig, người đồng sáng lập Diễn đàn Thương mại Anh, nhận định việc gia nhập CPTPP chỉ mang lại cho Anh các lợi ích kinh tế hạn chế và không có điều gì bảo đảm đề nghị gia nhập CPTPP sẽ được chấp nhận. Các tiêu chuẩn thực phẩm chặt chẽ của Anh có thể vấn đề gây khó khăn trong quá trình đàm phán với các nước thành viên CPTPP như Úc và New Zealand.
Tuy nhiên, Henig ghi nhận về khía cạnh chính sách thương mại, Anh sẽ được hưởng lợi nếu gia nhập ‘một nhóm các nước cùng chí hướng’. Ông cho rằng trong khi EU, Mỹ và Trung Quốc chi phối chính sách thương mại toàn cầu, nhóm các nước CPTPP cũng được xem là ‘một câu lạc bộ có sức ảnh hưởng ở tầm trung’.
Theo Reuters, Financial Times
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận