An ninh lương thực - cuộc khủng hoảng nối dài - Bài 1
Có lẽ chưa bao giờ việc bảo đảm an ninh lương thực lại trở nên cấp bách như hiện nay, bởi đây không chỉ thuần túy là vấn đề kinh tế mà còn góp phần tích cực vào việc ổn định các nền tảng chính trị-xã hội của mỗi quốc gia cũng như toàn thế giới.
Sau hai năm trải qua nhiều khó khăn trước những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thế giới lại tiếp tục đối mặt với những căng thẳng địa chính trị mới liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Hậu quả là bất ổn về năng lượng xuất hiện, song hành với những tác động tiêu cực ngày càng hiện hữu của một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Tình hình này càng nêu bật tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức về an ninh lương thực, để từ đó hướng tới một nguồn cung năng lượng sạch, bền vững hơn, cũng như sự cần thiết của việc đánh giá lại thị trường lương thực toàn cầu. Là một quốc gia có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, nền kinh tế có độ mở cùng với nhiều lợi thế về lao động và dịch vụ kho vận (logistics), Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Để có cái nhìn toàn cảnh và chi tiết về vấn đề khủng hoảng lương thực toàn cầu, cũng như sự thích ứng của các nước trong bối cảnh mới, TTXVN trân trọng giới thiệu loạt gồm 4 bài viết với tựa đề “An ninh lương thực - cuộc khủng hoảng nối dài”.
An ninh lương thực từ lâu đã không còn là khái niệm xa lạ. Tuy nhiên, từ khóa này có lẽ đã không được đề cập nhiều đến vậy trong những ngày qua nếu không có sự xuất hiện dồn dập của một loạt yếu tố như dịch bệnh, suy thoái kinh tế, biến đổi khí hậu và đặc biệt là xung đột địa chính trị.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) liên quan đến vấn đề này, Trưởng đại diện Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam, ông Rémi Nono Womdim, cho biết, giá lương thực toàn cầu đã bắt đầu tăng từ nửa cuối năm 2020 và đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 3/2022 do nhu cầu cao, chi phí đầu vào và vận chuyển đắt đỏ, cũng như sự gián đoạn tại các cảng quan trọng.
Ngoài ra, trong khi quan hệ Nga-Ukraine vẫn tồn tại nhiều bất ổn, nguy cơ gián đoạn hoạt động nông nghiệp tại hai nước sản xuất và xuất khẩu chủ lực này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu.
Hiệu ứng "quả cầu tuyết"
Cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay được ví như một "quả cầu tuyết". Quả cầu ấy đã bắt đầu những vòng lăn chậm rãi đầu tiên từ trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, nhưng sau đó bất ngờ tăng tốc mạnh mẽ khi băng qua các "sườn dốc" của dịch bệnh, suy thoái kinh tế, biến đổi khí hậu…, với kích thước và tốc độ lớn dần lên mỗi ngày. Đến cuối cùng, quả cầu này đã trở nên không thể kiểm soát được trước xung đột Nga-Ukraine.
Ông Rémi Nono Womdim cho rằng mặc dù có khả năng sản xuất đủ lương thực cho từng người dân, song thế giới vẫn có đến 690 triệu người sống trong cảnh thiếu ăn trong giai đoạn trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.
Và đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng số người thiếu dinh dưỡng. Báo cáo về Tình trạng An ninh lương thực và Dinh dưỡng trên thế giới năm 2021 của FAO ước tính rằng thế giới có 768 triệu người bị thiếu dinh dưỡng trong năm 2020, trong đó có hơn 50% (tương đương 418 triệu người) sống ở châu Á và hơn 1/3 (282 triệu người) sống ở châu Phi. Mỹ Latinh và Caribe chiếm khoảng 8% (60 triệu người).
Những tác động tiêu cực và dai dẳng của đại dịch COVID-19 phải kể tới là thu nhập toàn cầu giảm sút và chuỗi cung ứng bị đứt gãy, trong đó đáng chú ý là sự gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực. Ngoài ra, xu hướng các biện pháp bảo hộ gia tăng cũng gây lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung và giá tăng cao, khiến vấn đề khủng hoảng lương thực thêm phần phức tạp.
Yếu tố tiếp theo là biến đổi khí hậu. Tháng 1/2022, lần lượt Brazil, Argentina và Paraguay, ba nhà sản xuất nông nghiệp lớn ở Nam Mỹ, đã chứng kiến thời kỳ hạn hán kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thu hoạch cũng như vận chuyển đường sông của các cây trồng trong vụ Hè, trong đó có ngô và đậu tương. Theo tổ chức Oxfam, lượng mưa dưới mức trung bình có nguy cơ làm giảm tới 70% sản lượng cây trồng và đẩy 3,1 triệu người vào cảnh nghèo đói nghiêm trọng.
Đến tháng 2/2022, trong khi đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và các điều kiện thời tiết khắc nghiệt còn chưa được cải thiện, thế giới tiếp tục đối mặt với một "cú sốc" mới mang tên xung đột Nga-Ukraine.
Việc Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine được ví như cú "knock-out" đối với thị trường lương thực và năng lượng thế giới, vốn đã gần như kiệt quệ trước những sức ép về kinh tế và dịch bệnh.
Nga và Ukraine là những nước sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 30% sản lượng lúa mỳ và 17% sản lượng ngô, 32% lúa mạch và 75% dầu hướng dương. Ngoài ra, Nga và Belarus (Bê-la-rút) cũng nằm trong số ba nhà sản xuất phân bón hàng đầu thế giới.
Giữa bối cảnh kinh tế Nga đang "mong manh" hơn bao giờ hết trước các lệnh trừng phạt dồn dập từ phương Tây, và các hoạt động nông nghiệp ở Ukraine cũng tê liệt vì xung đột kéo dài, thật khó để đưa ra dự báo tích cực về tình hình lương thực thế giới.
Số liệu do FAO công bố cho thấy giá lương thực thế giới trong tháng 3/2022 đã tăng gần 13%, lên mức cao kỷ lục mới, do xung đột Nga-Ukraine làm xáo trộn thị trường ngũ cốc và dầu ăn.
Trong khi đó, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cũng cảnh báo rằng tác động của căng thẳng địa chính trị đối với lĩnh vực nông nghiệp sẽ được cảm nhận không chỉ trong vấn đề giá lương thực tăng vọt mà còn khiến thế giới đối mặt với nguy cơ đói kém, bất ổn và gây ra tình trạng di cư ồ ạt.
Sự quan ngại này thậm chí còn được thể hiện trong báo cáo mới nhất của WFP với thông điệp: "Thế giới sẽ không thể chống chịu thêm một cuộc xung đột như những gì đang diễn ra ở Ukraine".
Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng thấy
Cuối tháng 3/2022, Giám đốc WFP David Beasley cảnh báo rằng căng thẳng Nga-Ukraine đã tạo ra "một thảm họa nối tiếp thảm họa", với những tác động tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Theo thống kê mới nhất của WFP, số người phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực ở mức nghiêm trọng trên toàn cầu đã tăng gấp đôi so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19, lên 276 triệu người. Đến cuối năm 2022, dưới tác động tích tụ của các cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội và chính trị liên tục diễn ra, con số này được dự báo sẽ tăng lên 323 triệu người.
Những hậu quả trong ngắn hạn là rõ ràng. Nền nông nghiệp hiện đại phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố đầu vào, ví dụ như nhiên liệu phục vụ trang thiết bị nông nghiệp và hoạt động sản xuất điện. Điều quan trọng không kém là hoạt động sản xuất ngũ cốc cũng phụ thuộc rất nhiều vào phân đạm tổng hợp. Ước tính, khoảng 1/3 dân số thế giới phụ thuộc trực tiếp vào nguồn cung ngũ cốc được sản xuất bằng các loại phân đạm tổng hợp.
Do vậy, giá năng lượng tăng cao đồng nghĩa với việc giá phân bón và giá ngũ cốc cũng cao hơn. Trong ngắn hạn, điều này có nghĩa là nạn đói xảy ra nhiều hơn ở các nước nghèo và phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực. Ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, nhiều quốc gia sẽ đạt đến "ngưỡng chịu đựng". Chi phí phục vụ nhu cầu thực phẩm tối thiểu hàng tháng ở Liban đã tăng tới 351%, ở Syria tăng 97% và ở Yemen tăng 81%. Bột mỳ và dầu ăn cũng tăng phi mã tới 47% trong khu vực.
Đặc biệt, kể từ năm 2019, số người bị đói ở Tây Phi đã tăng gấp 4 lần, là mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, trong khi giá lúa mỳ và dầu cũng tăng đến 300% ở quốc gia Đông Phi là Somalia trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Ngoài châu Phi, châu Âu cũng là châu lục chịu ảnh hưởng lớn do phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Nga và Ukraine. Lạm phát hàng năm của Pháp trong tháng 3/2022 đã lên tới 5,1%. Ở Vương quốc Anh, trong giai đoạn từ tháng 2/2021 đến tháng 2/2022, tỷ lệ lạm phát là 6,2%.
Hãng tin BBC cho rằng: "Mức sống ở Anh đang tăng giá với tốc độ nhanh nhất trong 30 năm. Đến cuối năm nay, mức tăng giá sinh hoạt có thể được tính bằng hai con số". Ngoài ra, báo Tầm nhìn (Nga) số ra mới đây cũng có bài viết dự báo một ổ bánh mỳ ở châu Âu sắp tới sẽ có giá 10 euro (tương đương 10,79 USD).
Trong khi đó, thiếu hụt dầu ăn cũng là một trong những vấn đề nhức nhối. Tại Pháp, một thùng dầu 25 lít giá 33 euro nay đã tăng lên 110 euro, buộc nhiều cơ sở sản xuất phải chuyển sang dùng các sản phẩm thay thế, chẳng hạn như dầu hạt cải. Tuy nhiên, ngay cả mặt hàng chưa thông dụng này cũng đang trở nên thiếu thốn.
Ở châu Á, an ninh lương thực có nguy cơ trở thành vấn đề an ninh quốc gia của Malaysia bởi ngành nông nghiệp chỉ chiếm 7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này (số liệu năm 2019) và Malaysia không thể tự cung tự cấp trong sản xuất lương thực cơ bản. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Malaysia đã tăng 2,2% lên ngưỡng 125,2 trong tháng 2/2022 so với mức 122,5 của tháng 2/2021, chủ yếu do lạm phát thực phẩm gia tăng.
Tại Việt Nam, CPI bình quân quý I/2022 tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước. Đây được coi là một kết quả đáng khích lệ. Dù vậy, ông Rémi Nono Womdim cho rằng Việt Nam là nước nhập khẩu phân bón từ nhiều thị trường khác nhau, trong đó có Nga. Vì vậy, việc giá phân bón tăng cao có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến an ninh lương thực và dinh dưỡng, đặc biệt là đối với những nhóm người dễ bị tổn thương nhất.
Đảo ngược nỗ lực xóa đói giảm nghèo
So với ngắn hạn thì những hậu quả lâu dài còn đáng lo ngại hơn. Các chuyên gia lo ngại rằng sự dễ tổn thương của các nước trước những cú sốc về giá lương thực sẽ làm thay đổi chính sách lương thực ở nhiều quốc gia.
Trong đó, các loại lương thực chính sẽ ngày càng được coi trọng và các quốc gia sẽ xây dựng nhiều hơn kho dự phòng của mình. Điều này đã được nhiều nước châu Á thực hiện đối với gạo và lúa mỳ. Mới đây nhất, Indonesia ngày 23/4 đã thông báo sẽ ngừng xuất khẩu dầu ăn trong bối cảnh thiếu hụt trầm trọng và giá tăng cao.
Trong khi đó, tình hình lạm phát nghiêm trọng sẽ buộc các hộ gia đình phải chuyển sang những lựa chọn rẻ và ít dinh dưỡng hơn, nhưng lại góp phần gây ra tình trạng suy dinh dưỡng và béo phì.
Điều này khiến tình trạng đói và suy dinh dưỡng ở trẻ em trở nên trầm trọng hơn. Năm 2022, sự gián đoạn do COVID-19 và những thách thức trong chuỗi cung ứng có thể đẩy thêm từ 9,3-13,6 triệu trẻ em vào suy dinh dưỡng cấp tính, với thiệt hại về kinh tế có thể lên tới 29,7 tỷ USD.
Ngoài ra, trong những năm qua, tầm quan trọng của ngành nông nghiệp so với các ngành công nghiệp và dịch vụ hiện đại khác đã suy giảm do sự chuyển đổi cơ cấu ở các nền kinh tế đang phát triển, chủ yếu do khu vực thành thị phát triển nhanh hơn. Đây vốn là con đường thoát nghèo bền vững duy nhất. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, những yếu tố tiêu cực đang làm chậm quá trình chuyển đổi cơ cấu này cũng sẽ cản trở quá trình xóa đói giảm nghèo.
Tỷ lệ dân số toàn cầu không được tiếp cận đầy đủ dinh dưỡng đã tăng từ 8,4% lên 9,9% chỉ trong một năm, trực tiếp đe dọa khả năng đạt Mục tiêu Phát triển Bền vững 2 của Liên hợp quốc là không còn nạn đói đến năm 2030.
Sau cơn mưa, liệu trời có sáng?
"Quả cầu tuyết" về khủng hoảng lương thực đã vượt khỏi tầm kiểm soát của các chính phủ do sự tích tụ của một loạt những tác nhân tiêu cực xảy ra trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này cũng nêu bật lên một thực tế đó là thế giới đang có quá nhiều người phụ thuộc vào nguồn dinh dưỡng từ một số ít loại ngũ cốc được sản xuất hàng loạt, bao gồm lúa mỳ, gạo và ngô.
Điều này có nghĩa là để đối phó với tình trạng thiếu hụt lương thực, mọi người dân trên thế giới cần tìm giải pháp đa dạng hóa nguồn cung lương thực, hướng tới những nguồn thực phẩm thay thế như trái cây, rau, quả hạch và các loại đậu… Song song với biện pháp này là giảm sự phụ thuộc vào lúa mỳ cùng các loại cây lương thực chủ lực truyền thống khác.
Mặc dù vậy, đây không phải nhiệm vụ dễ dàng bởi về dài hạn, điều này sẽ làm thay đổi bộ mặt ngành nông nghiệp thế giới, và không phải quốc gia nào cũng sẵn sàng chấp nhận sự thay đổi đó.
Hiện nay, nhiều quốc gia đang đẩy mạnh trợ cấp nông nghiệp đối với các loại hàng hóa lương thực thiết yếu, bao gồm ngô, gạo, lúa mỳ, dầu, đường và đậu tương. Tại những quốc gia trồng đến 2/3 số cây lương thực của thế giới, các chính phủ đã tài trợ lên tới 540 tỷ USD mỗi năm cho ngành nông nghiệp. Riêng Mỹ cũng chi đến 16 tỷ USD hàng năm để trợ cấp cho các nông trại, 80% trong số này dành cho 10% số trang trại lớn nhất của cả nước.
Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây cho thấy nếu 50% số tiền trợ cấp nông nghiệp trên toàn thế giới được tái đầu tư để trồng những loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe con người và môi trường khác, hiệu quả trồng trọt có thể tăng thêm tới 20% và lượng khí nhà kính phát thải từ nông nghiệp cũng có thể giảm tới 2%.
Đây cũng là giải pháp mà nhiều tổ chức quốc tế đang hướng tới. Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, ông Rémi Nono Womdim, cho rằng các quốc gia có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc chuyển đổi sang một hệ thống nông nghiệp hiệu quả, toàn diện và có khả năng chống chịu cao hơn. Những hệ thống này được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn dinh dưỡng tốt, thân thiện với môi trường và quan trọng nhất là không để ai bị bỏ lại phía sau.
Bài 2: 'Liều thuốc đặc trị' qua góc nhìn chuyên gia
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận