Ai hưởng lợi trong cú sập bất ngờ phiên 19/1?
Vì sao thị trường rơi điểm kỷ lục trong phiên ngày 19/1 và ai hưởng lợi trong cú sập bất ngờ, sau sự kiện này nhà đầu tư có thể rút ra bài học gì là những điều còn dư âm cho đến tuần này.
Bất ngờ
Vào phiên giao dịch sáng hôm thứ Hai tuần trước (18/1), giám đốc tư vấn đầu tư một công ty chứng khoán, quản lý khoảng chục tài khoản quy mô từ vài chục đến hơn trăm tỷ đồng chia sẻ: “Hôm nay, có mấy anh em kỳ cựu trong ngành gọi điện hỏi loạn lên về việc các công ty chứng khoán cắt margin do hết nguồn, làm em hơi lo lo”.
Trước câu hỏi có phải sợ thị trường này không đi tiếp được không, cậu giám đốc chia sẻ: “Hết nguồn tài trợ margin thì sức mua yếu dần, đặc biệt các nhà đầu tư lớn có dấu hiệu ứng tiền còn chậm và khó”.
Đến đầu phiên giao dịch ngày thứ Ba (19/1), thị trường vẫn có sắc xanh, nhưng từ 10 giờ, lệnh bán ồ ạt tung ra, đặc biệt toàn là các lệnh MP (bán bằng bất cứ giá nào).
Những nhà đầu tư VIP trên một số sàn truyền nhau thông tin, nhiều kho hàng lớn tung lệnh bán, chẳng hạn kho lớn nhất tại MBS, kích hoạt các kho khác bán ra, kéo theo các nhà đầu tư nhỏ lẻ khác chốt lãi.
Cộng hưởng với nỗi lo hệ thống giao dịch có thể trục trặc không đặt được lệnh, nhiều nhà đầu tư cắm đầu đặt lệnh. VN- Index đã thiết lập kỷ lục mới trong lịch sử hoạt động: giảm 74 điểm trong 1 phiên giao dịch. Dù phiên chiều nghẽn lệnh đã hãm đà rơi của chỉ số hơn 14 điểm so với thời điểm rớt sâu nhất, nhưng diễn biến trong phiên khiến cả những nhà đầu tư có kinh nghiệm cũng bất ngờ.
VN- Index đã thiết lập kỷ lục mới trong lịch sử hoạt động: giảm 74 điểm trong 1 phiên giao dịch.
Cũng khá tình cờ, sáng 19/1, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có cuộc gặp gỡ cuối năm với báo giới và tại đây, độ nóng của thị trường được đưa ra bàn luận, mổ xẻ; trong đó, có những câu hỏi về quy mô margin, dòng tiền trên thị trường.
Khi thị trường đỏ lửa, các báo lập tức tung ra thông tin quy mô margin toàn thị trường vào thời điểm cuối năm 2020 là 81.000 tỷ đồng, cũng chưa có dấu hiệu gì đáng phải lo ngại.
Tuy nhiên, sự trùng hợp về thời gian nói trên khiến các nhà đầu tư và cả giới công ty chứng khoán e ngại rằng thị trường lao dốc, căng margin khiến Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải đăng đàn trả lời báo chí. Tâm lý nhà đầu tư phần nào bị tác động ngược, lo lắng hơn.
Cùng lúc, các nhà đầu tư VIP trên thị trường chia sẻ thông tin các công ty chứng khoán lớn có nhiều hợp đồng phái sinh như SSI, VPS, VND giảm giá chặn cho vay margin. Giá chặn cho vay margin là một trong những chỉ số được nhiều nhà đầu tư lớn tham khảo khi quyết định mua bán cổ phiếu.
Đây là mức giá cao nhất của một mã cổ phiếu mà công ty chứng khoán áp dụng cho vay margin (ở chừng mực nào đó đây là mức giá công ty chứng khoán đánh giá an toàn).
Chẳng hạn, vào phiên giao dịch ngày 18/1, giá chặn cho vay margin của một công ty chứng khoán lớn có trong Top 10 thị phần môi giới áp dụng với cổ phiếu PAN là 40.000 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu MBB là 34.000 đồng/cổ phiếu; TCB là 34.000 đồng/cổ phiếu…
Nhưng ngày 19/1, giá chặn cho vay margin cổ phiếu MBB chỉ còn 20.000 đồng/cổ phiếu, khiến các nhà đầu tư đang căng margin lo ngại, giá chứng khoán giảm phải xoay tiền bù vào tài khoản… Điều này có thể ảnh hưởng mạnh đến dòng tiền trên thị trường, nên thúc đẩy nhà đầu tư bán ra.
Vào cuối ngày giao dịch 19/1, nhiều nhà đầu tư chia sẻ bình luận của giám đốc đầu tư một công ty chứng khoán và cho rằng đây là một giải thích khá hợp lý cho việc vì sao thị trường giảm mạnh một cách bất ngờ.
Theo đó, thị trường chứng khoán trong tuần đáo hạn hợp đồng phái sinh giảm điểm có thể là do các nhà đầu tư lớn thực hiện nghiệp vụ Arbitrage (thực hiện hai nghiệp vụ trái ngược trên hai thị trường nhằm hưởng chênh lệch giá) khi thấy giá hợp đồng tương lai chỉ số VN30F1 có mức chênh dương quá lớn so với chỉ số cơ sở VN30.
Cụ thể, các nhà đầu tư thực hiện Arbitrage sẽ mua cổ phiếu trong VN30 để kích giá lên, đồng thời mở vị thế bán phái sinh ở mức giá cao, sau đó bán cổ phiếu trong VN30 và mở vị thế mua phái sinh ở mức giá thấp để đóng vị thế bán trước đó khi mức chênh được thu hẹp. Chênh lệch giữa việc bán giá cao và mua giá thấp là lợi nhuận của nhà đầu tư.
Do tỷ lệ đòn bẩy trên sàn phái sinh cao nên mức lãi từ nghiệp vụ Arbitrage lớn hơn nhiều mức lỗ trên thị trường cơ sở.
Như mọi khi, các tổ chức thực hiện Arbitrage sẽ đóng vị thế vào phiên ATC ngày đáo hạn thứ Năm (bán ồ ạt cơ sở vào ATC và hợp đồng tương lai thả trôi tự đóng).
Nhưng lần này lại có điểm khác biệt. Thứ nhất, trong tháng vừa rồi, có rất nhiều ngày đáo hạn hợp đồng tương lai so với cơ sở tăng 30 - 40 điểm - một con số quá lớn trong lịch sử Arbitrage Việt Nam nên khi mức chênh thu về 10 điểm thôi là các tổ chức Arbit đã có lợi nhuận 20 - 30 điểm rồi nên họ sẽ đóng luôn vị thế trong phiên trước ngày đáo hạn.
Thứ hai, gần đây do thanh khoản thị trường tăng mạnh, hệ thống bị quá tải dẫn tới hiện tượng bị nghẽn lệnh sau 14 giờ.
Nếu đến phiên ATC không đẩy được lệnh bán trên thị trường cơ sở thì nghiệp vụ Arbitrage bị lỗi và lỗ. Do vậy, lần này, các tổ chức Arbitrage sẽ "ăn non" 20 - 30 điểm, bán ra trước phiên ATC ngày thứ 5.
Việc bị bán mồi sớm lại diễn ra trong trạng thái căng cứng margin nên các nhà đầu tư cả F0 lẫn Fx đều không hiểu chuyện gì xảy ra, dẫn tới bán tống bán tháo khi đang có lãi lớn. Nếu lãi ít có khi bán còn cẩn thận, còn lần này lãi nhiều quá nên bán vội để bảo vệ thành quả.
Kết hợp với phân tích kỹ thuật đã đủ điều kiện tạo đỉnh trung hạn, những nhà đầu tư theo trường phái phân tích kỹ thuật thuần túy cũng cắm đầu cắm cổ bán, càng đẩy thị trường xuống nhanh hơn.
Ai hưởng lợi?
Sau hai phiên giao dịch đầy kịch tính hôm 19 - 20/1, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi, ai hưởng lợi trong cú sập mạnh của thị trường vừa qua.
Hỏi rồi họ tự đi tìm câu trả lời. Theo phân tích của một nhà đầu tư có kinh nghiệm, có thể là các “tay to” trên cả thị trường cơ sở lẫn thị trường phái sinh.
Trước hết là thị trường phái sinh, như đã đề cập, hầu hết hợp đồng tương lai đều kỳ vọng thị trường lên mạnh, vì thế, mỗi điểm VN-Index mất đi sẽ tương đồng với điểm phần trăm mất đi trên hợp đồng tương lai.
VN-Index mất 70 điểm trong phiên ngày 19/1 sẽ “đốt cháy” các tài khoản phái sinh không có sẵn tiền mặt dự trữ trong tài khoản để bù vào phần sụt giảm.
Thông thường, chỉ cần VN-Index giảm 20 điểm, nhà đầu tư đã phải bù tài khoản. Ở đầu kia, “tay to” mua vào các hợp đồng tương lai bị “cháy” với giá cực kỳ rẻ mạt, chờ cơ hội thị trường bốc lên.
Những hợp đồng mà nhà đầu tư nạp tiền để giữ vị thế, vào phiên giao dịch ngày 20/1 lập tức rơi tiếp vào cảnh này khi có thời điểm VN-Index mất hơn 30 điểm. Lại một loạt tài khoản “bốc cháy”, làm mồi cho những “thợ săn” đang giương cung chờ sẵn.
Nếu thị trường cơ sở giảm 5%, “tay to” bán ra cổ phiếu cơ sở mất 5% giá trị thì trên thị trường phái sinh với biến động lớn như các phiên vừa qua, họ thu được lợi nhuận có thể gấp đôi, gấp ba. Còn trong trường hợp họ bán ra cổ phiếu khi thị trường chưa bị kích hoạt đà giảm sâu, tức là chỉ mất 2 - 3% giá chứng khoán cơ sở, lợi nhuận họ thu lại còn nhiều hơn.
Khi giá chứng khoán cơ sở theo hiệu ứng domino giảm quá đà, lập tức các “tay to” sẵn tiền gom vào, chờ cho một sóng mới trên hành trình hướng tới 1.200 điểm. Vậy là một mũi tên trúng nhiều đích: “ăn” cả trên thị trường cơ sở và thị trường phái sinh.
Sẽ rất khó để giải thích cho một sự trùng hợp khi những nhà đầu tư ở room VIP cho hay, giá chặn chứng khoán ở một số công ty lập tức được nâng lên sau 2 phiên 19 - 20/1. Và dù thị trường giảm mạnh trong phiên 19/1 nhưng giá trị khớp lệnh vẫn vọt lên 20.000 tỷ đồng, khác xa với ngày thường mà nhà đầu tư thường gọi là thị trường bị "rút phích" khi tiến đến mốc thanh khoản 16.000 - 17.000 tỷ đồng.
Kịch tính của thị trường khiến nhiều nhà đầu tư Fn đã phải thốt lên: “Đánh chứng khoán cơ sở bây giờ phải nghiên cứu cả phái sinh, chứng quyền, vì các sản phẩm này làm nhiễu thị trường theo ý đồ của một số “tay to”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận