Ai đứng đằng sau kế hoạch “siết gọng kìm” quản lý doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ?
Quan điểm cứng rắn với giới chức và doanh nghiệp Trung Quốc thể hiện gần đây là quan điểm thống nhất của các nhà quản lý ngành tài chính Mỹ, chứ không riêng các trợ lý của Trump.
Tình thế căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc giờ đây đã vượt qua lĩnh vực thương mại và công nghệ, hiện giờ đang lan sang cả lĩnh vực tài chính, theo phân tích của một bài báo mới được Nikkei đăng tải gần đây.
Gần đây, toàn cầu không khỏi chú ý đến dự luật Hồng Kông và chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thông qua. Chính quyền Tổng thống Trump áp biện pháp trừng phạt, thâu tóm tài sản và cấm thực hiện các giao dịch bằng đồng USD với một số quan chức Trung Quốc đại lục và Hồng Kông. Những quan chức này được cho là có liên quan đến các chính sách gây tổn hại đến quyền tự trị của Hồng Kông.
Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc có niêm yết cổ phiếu tại Mỹ lại lo lắng về các động thái mà Mỹ đưa ra nhằm siết chặt các quy định về kiểm toán.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã đe dọa sẽ hủy niêm yết cổ phiếu một số công ty Trung Quốc tại Mỹ, điều này phát đi tín hiệu Mỹ muốn chấm dứt mối liên hệ tài chính giữa hai nước.
Ngày 6/8/2020, Bộ Tài chính Mỹ công bố tài liệu gây sốc với tiêu đề “Báo cáo về việc bảo vệ nhà đầu tư Mỹ khỏi những rủi ro lớn từ các doanh nghiệp Trung Quốc”. Theo nhiều nguồn tin, chính Tổng thống Trump đã yêu cầu các nhóm làm việc liên quan đến thị trường tài chính Mỹ bắt đầu soạn thảo ra báo cáo này từ đầu tháng 6/2020.
Một thuật ngữ quan trọng được nhắc đến trong báo cáo chính là sự thiếu hợp tác. Điều đó đồng nghĩa rằng nếu một nước nào đó có các công ty niêm yết cổ phiếu tại Mỹ nhưng lại không hợp tác về việc công bố thông tin sẽ phải chịu hình phạt.
Báo cáo kêu gọi các doanh nghiệp phải chấp nhận để sổ sách kiểm toán của mình được giám sát bởi Ủy ban Giám sát Kế toán Doanh nghiệp Đại chúng Mỹ (PCAOB) nếu họ muốn niêm yết cổ phiếu tại Mỹ hoặc tiếp tục kéo dài việc niêm yết. Báo cáo nhấn mạnh rằng nếu công ty đó từ chối, cổ phiếu của công ty sẽ bị hủy niêm yết sau khoảng thời gian “ân hạn” kéo dài đến ngày 1/1/2022.
Theo phân tích của báo Nikkei, nhiều người có thể cho rằng báo cáo là sản phẩm của chính quyền Trump và những chính trị gia cùng quan điểm, tuy nhiên, suy nghĩ đó không đúng trong trường hợp này. Quan điểm cứng rắn với giới chức và doanh nghiệp Trung Quốc thể hiện trong báo cáo là quan điểm thống nhất của các nhà quản lý ngành tài chính Mỹ.
Nhóm soạn thảo báo cáo trên bao gồm nhiều tên tuổi nổi bật: Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnucin, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Mỹ Jay Clayton và Chủ tịch Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Heath Tarbert.
Từ năm 2007 đến nay, Trung Quốc đã liên tục từ chối hợp tác với PCAOB bởi phía Trung Quốc không muốn giới chức Mỹ “chõ mũi” vào những thông tin nhạy cảm mà nhóm doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đang nắm giữ. Thế nhưng không chỉ riêng nhóm doanh nghiệp nhà nước không hợp tác mà một số công ty tư nhân, trong đó có Baidu hay Alibaba cũng đều từ chối tuân thủ quy định kiểm toán từ phía Mỹ.
Bản danh sách mà PCAOB đưa ra bao gồm nhiều doanh nghiệp mà PCAOB yêu cầu được kiểm toán.
Theo Ủy ban Giám sát Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung Quốc, ủy ban có sự tham gia của chính trị gia lưỡng viện và đồng thời giữ vai trò tư vấn cho Quốc hội Mỹ, 156 công ty Trung Quốc hiện đang niêm yết trên sàn chứng khoán New York và sàn Nasdaq tính đến ngày 25/2/2019. Trong khi tổng số các công ty này có giá trị thị trường khoảng 1,2 nghìn tỷ USD, 11 công ty trong số đó là công ty nhà nước hoặc có hơn 30% cổ phần thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc.
11 doanh nghiệp trong số này bao gồm PetroChina, China Petroleum & Chemical hay còn gọi là Sinopec và công ty bảo hiểm nhân thọ Trung Quốc. Tổng giá trị vốn hóa thị trường của các công ty này ước tính lần lượt 104,6 tỷ USD và 76,1 tỷ USD. Lượng cổ phiếu niêm yết trên sàn Mỹ của Sinopec ước tính 3,5 tỷ USD còn con số này tại công ty bảo hiểm nhân thọ nhà nước Trung Quốc ước khoảng 3 tỷ USD.
Ủy ban cho rằng sẽ có thể xảy ra khủng hoảng gây tổn hại đến an ninh của nước Mỹ bởi nhiều doanh nghiệp Trung Quốc huy động vốn từ thị trường Mỹ nhưng hoạt động rất bí hiểm.
Nhóm làm việc của Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh rằng hoạt động quản lý của doanh nghiệp của công ty Trung Quốc có nhiều điểm không minh bạch. Các nhà thực thi pháp luật Mỹ đã phải viện đến nhiều biện pháp bởi nghi ngờ doanh nghiệp Trung Quốc vi phạm luật chứng khoán trong phát hành trái phiếu, đăng ký doanh nghiệp trong thập kỷ qua. Chính phủ Mỹ sẽ có thể sớm công bố danh sách này nếu phía Trung Quốc vẫn tiếp tục không hợp tác.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận