AI đưa 'hào quang' trở lại với cổ phiếu công nghệ
Trong nửa đầu năm 2023, các cổ phiếu thuộc nhóm ngành công nghệ, đặc biệt là các cổ phiếu vốn hoá lớn và các cổ phiếu liên quan tới trí tuệ nhân tạo (AI) đã có sự bùng nổ mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này cũng đi kèm với nỗi bất an, khi động lực chính thúc đẩy thị trường chỉ là “niềm tin”.
“Hào quang” trở lại
Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/6, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 285,18 điểm, tương đương 0,84%, đóng cửa ở mức 34.407,60. Chỉ số S&P 500 tăng 1,23% để kết thúc ở mức 4.450,38 và Nasdaq Composite tăng 196,59 điểm, tương đương 1,45%, lên 13.787,92. Đây là phiên giao dịch quan trọng đối với các nhà đầu tư, vì vừa là phiên giao dịch cuối của tuần, của tháng 6, quý II và cả nửa đầu năm 2023.
Kết thúc tháng 6, Nasdaq Composite tăng 6,6%, S&P 500 tăng 6,5%. Cả hai chỉ số liên quan mật thiết tới ngành công nghệ đều ghi nhận tháng thứ 4 tích cực liên tiếp. Kết thúc quý II, chỉ số S&P 500 tăng 8,3%, đánh dấu quý tăng thứ 3 liên tiếp và là mức tăng hàng quý lớn nhất kể từ quý IV/2021. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 12,8%. Còn nếu tính từ đầu năm đến hết tháng 6, chỉ số S&P 500 tăng 16%, đạt mức tăng trong nửa đầu năm tốt nhất kể từ năm 2019. Đáng chú ý, chỉ số Nasdaq Composite tăng 32%, đạt hiệu suất nửa đầu năm tốt nhất kể từ năm 1983.
Sáu tháng đầu năm chứng kiến sự vụt sáng trở lại của những tên tuổi công nghệ từng sa sút trong năm 2022, khi niềm tin vào trí tuệ nhân tạo và hy vọng kết thúc chiến dịch lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang đã nâng những công ty công nghệ lớn lên một tầm cao đáng kinh ngạc.
Một trong những minh chứng tiêu biểu nhất là trường hợp của Nvidia - công ty sản xuất chip được coi là “tương lai của AI”. Cổ phiếu công ty tăng gần 200% trong 6 tháng đầu năm và đạt kỷ lục 438 USD vào phiên giao dịch ngày 20/6, giúp Nvidia trở thành nhà sản xuất chip đầu tiên đạt cột mốc vốn hoá 1.000 tỷ USD, đồng thời trở nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới tính theo định giá thị trường, “bỏ xa” các đối thủ lâu đời hơn như TSMC hay Micron. Tính đến giữa tháng 7, cổ phiếu Nvidia vẫn tiếp tục duy trì đà tăng, lên gần mốc 460 USD/cổ phiếu, đưa định giá công ty lên 1.120 tỷ USD.
“Kẻ chiến thắng” khác trong màn trình diễn thăng hoa của nhóm cổ phiếu công nghệ trong nửa đầu năm không ai khác ngoài Apple. Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6, nhà sản xuất iPhone đã vượt cột mốc vốn hoá 3.000 tỷ USD lần đầu tiên từ sau tháng 1/2022. Cổ phiếu công ty tăng thêm 2,3% và đóng cửa ở mức 193,97 USD sau khi đạt kỷ lục 194,48 USD trong phiên 30/6. Đây là công ty đầu tiên trên thế giới đạt mốc vốn hoá 3.000 tỷ USD.
Theo Bloomberg, các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn nhất, bao gồm Apple, Microsoft, Amazon.com, Nvidia và Alphabet, được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng thu nhập tốt nhất trong số các công ty Mỹ trong quý III nhờ việc thị trường tiến vào thời kỳ giá lên.
Niềm tin dẫn dắt thị trường
Nói về động lực thúc đẩy các nhà đầu tư và thị trường trong nửa đầu năm, “niềm tin” có lẽ là từ khoá cô đọng và súc tích nhất. Tất nhiên, việc nền kinh tế Mỹ cho thấy những dấu hiệu đáng mừng trong nửa đầu năm, lạm phát giảm dần và những tín hiệu của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) về việc giảm và tạm dừng tăng lãi suất cũng đóng góp một phần đáng kể trong câu chuyện này, nhưng “niềm tin”, hay chính xác hơn là “niềm tin vào AI” mới là điều thúc đẩy sự tăng trưởng của các cổ phiếu công nghệ.
Màn xuất hiện choáng ngợp từ ChatGPT - một chatbot thông minh từ công ty khởi nghiệp OpenAI, rõ ràng là một điểm mấu chốt cho vấn đề niềm tin của thị trường. Nhờ sự xuất hiện của ChatGPT, lần đầu tiên con người cảm nhận được sự ưu việt của AI trong đời sống thường ngày và cũng lần đầu tiên hình dung được một cách cụ thể cuộc sống sẽ thay đổi như thế nào trong tương lai. Không chỉ vậy, màn “chạy đua” giữa các công ty công nghệ hàng đầu trên khắp các châu lục nhằm tìm kiếm thắng lợi sớm trên “mặt trận” AI càng khiến nhà đầu tư tin tưởng vào một tương lai đầy xán lạn của các cổ phiếu liên quan tới ngành này. Kết quả, như chúng ta đã thấy, các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn lại một lần nữa tiến vào thời kỳ “vàng son”.
Nhìn thì có vẻ hào nhoáng, nhưng sự tăng trưởng quá mức và quá nhanh hiện nay của các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn và cổ phiếu liên quan tới AI đang khiến giới chuyên gia lo ngại. Bởi lẽ, không phải điều gì khác mà vì “niềm tin” đang là động lực chính cho thị trường. Điều này nghĩa là gì? Nghĩa là, chỉ cần một cú hích nho nhỏ khiến niềm tin nhà đầu tư vụt tắt thì vầng hào quang vừa sáng lại không bao lâu cũng sẽ lụi tàn. Cũng không ai dám chắc rằng ngày nào sẽ là ngày “niềm tin” bị dập tắt. Nếu như những công ty có nền tảng cốt lõi như Apple, Microsoft, Alphabet còn có nền tảng để duy trì, thì với Nvidia - một sản phẩm của AI, không ai dám chắc chắn về tương lai của công ty “nghìn tỷ USD” này.
Trong một buổi phỏng vấn với CNN hồi tháng 6, ông Matt Bartolini, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu SPDR Châu Mỹ tại State Street Global Advisors, cho rằng AI là một chủ đề rất “mơ hồ” mà khi nhắc đến nó, nhiều người vẫn chưa thể tưởng tượng ra điều gì khác ngoài ChatGPT. Do đó, việc kỳ vọng thị trường duy trì sự hứng thú với chủ đề này một cách lâu dài rõ ràng không khả thi lắm, đặc biệt là khi nhà đầu tư còn phải chú ý tới nhiều vấn đề khác như chính sách lãi suất của Fed, mùa báo cáo thu nhập quý II, khả năng suy thoái kinh tế, những bất ổn tiềm tàng về chính trị,...
Mặc dù vậy, các chuyên gia trong ngành không cho rằng niềm tin vào AI là một loại “bong bóng” với thị trường chứng khoán, bởi cho tới nay, sự hưng phấn về AI chỉ tập trung vào một nhóm nhỏ các cổ phiếu đang được hưởng lợi trực tiếp từ công nghệ, thay vì có ảnh hưởng lớn tới toàn bộ thị trường.
Dự báo gì cho thị trường nửa cuối năm?
Dựa trên các báo cáo dự đoán tình hình thị trường nửa cuối năm 2023, các chuyên gia kinh tế đều duy trì sự lạc quan đầy thận trọng. Một trong những người bi quan nhất về thị trường chứng khoán trong sáu tháng tới bao gồm Mike Wilson, trưởng chiến lược gia cổ phiếu Mỹ tại ngân hàng Morgan Stanley. Từ đầu tháng 6, ông Wilson đã dự đoán chỉ số S&P 500 sẽ giảm xuống mốc 3.900 vào cuối năm nay (S&P 500 đang ở mốc 4.500 điểm tính tới ngày 14/7). Điều này có nghĩa là chỉ số này sẽ giảm khoảng 15% so với thời điểm hiện tại. Chuyên gia từ Morgan Stanley cũng dự báo thu nhập của các công ty thuộc S&P 500 có thể giảm 16% trong năm nay.
Tình hình lạm phát và chương trình lãi suất cũng làm mờ triển vọng thị trường, đặc biệt là sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell đã “đánh tiếng” về việc ngân hàng trung ương Mỹ có thể tăng lãi suất thêm 2 lần từ nay tới cuối năm. Darrell Cronk, chủ tịch Viện Đầu tư Wells Fargo, viết: “Trong lịch sử, các chu kỳ kinh tế luôn có trật tự tự nhiên. Lạm phát gia tăng nhanh chóng kéo theo việc Fed tăng lãi suất, điều này thường tạo ra các điều kiện dẫn đến thị trường giá xuống và cuối cùng là suy thoái”. Các nhà kinh tế tại Cục Dự trữ Liên bang tin rằng nền kinh tế Mỹ có khả năng sẽ trải qua một cuộc suy thoái vào cuối năm 2023. Cuộc suy thoái này sẽ là chủ đề chính đối với các nhà giao dịch trong nửa cuối năm nay.
Riêng với triển vọng AI, các chuyên gia Phố Wall vẫn duy trì niềm tin đây sẽ là nguồn tạo “hưng phấn” cho thị trường. Justin Thomson, người đứng đầu bộ phận vốn cổ phần quốc tế tại T. Rowe Price, cho biết AI sẽ tiếp tục thúc đẩy đầu tư vào nhiều lĩnh vực công nghệ, bao gồm chất bán dẫn, bộ nhớ và lưu trữ đám mây. Ông lưu ý rằng “niềm tin AI” cũng sẽ tạo một “cú hích” lớn khác cho các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận