24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Hảo
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ai chịu trách nhiệm bồi thường 9.700 tỷ đồng sau khi bà Hứa Thị Phấn qua đời?

Sau thông tin bà Hứa Thị Phấn qua đời, câu hỏi đặt ra, ai sẽ phải chịu trách nhiệm liên quan đến việc bồi thường số tiền 9.700 tỷ đồng còn lại của bà Phấn?

Bà Hứa Thị Phấn, sinh năm 1947, cựu Cố vấn cấp cao HĐQT Ngân hàng Đại Tín (TrustBank), được xác định đã qua đời, trưa 13/2.

Bà Phấn từng là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phú Mỹ, cựu Cố vấn cấp cao HĐQT Ngân hàng Đại Tín - TrustBank. Ngoài lần đầu tiên xuất hiện tại toà năm 2015 với tư cách người liên quan trong đại án Phạm Công Danh, bà này vắng mặt trong tất cả các phiên toà sau đó và được hoãn thi hành án hình sự do bệnh nặng. Nhiều năm nay, bà Phấn phải điều trị trong tình trạng bị mất 93% sức khoẻ.

Từ năm 2018 đến 2020, bà nhiều lần bị TAND TP.Hồ Chí Minh và TAND Cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh đưa ra xét xử trong hai vụ án liên quan đến sai phạm trong thời gian điều hành Trustbank.

Tại đại án Phạm Công Danh, bà Phấn bị xác định lợi dụng việc sở hữu lượng lớn cổ phần (gần 85%) Trustbank để thao túng mọi hoạt động nhà băng, chỉ đạo các thành viên HĐQT, nhân viên là người dưới quyền hoặc trong gia đình thực hiện nhiều hành vi sai phạm chiếm đoạt và gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng cho nhà băng.

Trong tất cả giai đoạn của đại án trên, tổng số tiền bà Phấn bị buộc bồi thường là hơn 16.000 tỷ đồng và phải chấp hành 30 năm tù (mức án cao nhất của hình phạt có thời hạn). Tính đến năm 2022 đã thi hành 7.000 tỷ đồng). Trong khi, số tài sản kê biên đảm bảo cho các khoản thi hành án của bà Phấn ở cả 2 giai đoạn chỉ gồm 18 bất động sản, một số cổ phần, cổ phiếu…

Do đó, sau thông tin bà Phấn qua đời, câu hỏi đặt ra là ai sẽ phải chịu trách nhiệm liên quan đến 2 vụ án trên, đặc biệt là với số tiền bồi thường 9.700 tỷ đồng còn lại?

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Hà Nội, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết: Đối với việc chấp hành án phạt tù (bản án 30 năm tù), khoản 6 Điều 125 Luật thi hành án hình sự 2019 có quy định: “Trường hợp người chấp hành án chết, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để thông báo cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải ra quyết định đình chỉ".

"Như vậy, theo quy định này, Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với bản án của bà Phấn" - luật sư Trần Xuân Tiền cho hay.

Bên cạnh đó, theo luật sư Trần Xuân Tiền, đối với phần trách nhiệm dân sự trong vụ án này, Thủ trưởng cơ quan thi hành án cần xem xét, ra quyết định thi hành án cho người thừa kế hoặc đình chỉ thi hành án đối với phần trách nhiệm này.

Cụ thể, theo khoản 2 Điều 54 Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2020: “Trường hợp người được thi hành án, người phải thi hành án là cá nhân chết thì quyền, nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao cho người khác theo quy định của pháp luật về thừa kế.”

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 615 Bộ luật dân sự 2015 thì những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, nếu bà Hứa Thị Phấn có tài sản để lại và còn người thừa kế thì những người thừa kế của bà phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại trong phạm vi di sản của bà.

Lúc này, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án đối với cá nhân, tổ chức mới tương ứng với quyền, nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao và ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án trước đây theo khoản 3 Điều 54 Luật thi hành án dân sự hiện hành.

Trong trường hợp bà chết không để lại di sản hoặc theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành án dân sự theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 50 Luật thi hành án dân sự.

Cũng theo thông tin từ Văn phòng Tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh cho biết, về phần trách nhiệm hình sự, Tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh sẽ phối hợp Viện kiểm sát, công an thực hiện các thủ tục đình chỉ thi hành án đối với bà Phấn.

Về trách nhiệm dân sự bồi thường hơn 18.129 tỉ đồng, trường hợp người phải thi hành án mất thì sẽ chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án cho người khác theo quy định của pháp luật về thừa kế, căn cứ vào khoản 2, Điều 54 Luật Thi hành án dân sự. Điều 615 Bộ luật Dân sự cũng quy định về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.

Vì vậy, theo Cục Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh, di sản bà Phấn để lại vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho các bị hại trong vụ án. Trong vụ việc này, cơ quan chức năng cần xác định ai là người được hưởng thừa kế di sản của bà Phấn để mời lên phối hợp làm việc. Nếu quá trình tổ chức thi hành án còn dư tiền, người thừa kế sẽ được hưởng theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác theo Điều 620 Bộ luật Dân sự.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả