Agriseco Research: Cơ hội cho những nhóm ngành xuất khẩu các tháng cuối năm
Phòng Phân tích CTCP Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) vừa có báo cáo đánh giá triển vọng các ngành xuất khẩu. Trong đó nhận định tình hình xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng 2 chữ số trong các tháng cuối năm 2021 và 2022 với triển vọng đến từ (1) sự phục hồi của hoạt động sản xuất sau giai đoạn chuỗi cung ứng bị đứt gãy bởi làn sóng Covid lần thứ 4; (2) nhu cầu toàn cầu tăng trưởng mạnh đặc biệt từ các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 10/2021 đạt 55 tỷ USD, tăng 2.2% so với tháng trước. Lũy kế 10 tháng đầu năm, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 539.42 tỷ USD, tăng 22.6% so cùng kỳ, tương ứng 99.54 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt 269.77 tỷ USD, tăng 17.4%; nhập khẩu đạt 269.65 tỷ USD, tăng 28.3%, qua đó chính thức đưa cán cân thương mại thặng dư 125 triệu USD. Khối FDI vẫn là động lực dẫn dắt tăng trưởng khi đóng góp 197.49 tỷ USD vào quy mô xuất khẩu (tỷ trọng 73.2%); khu vực kinh tế trong nước đóng góp 72.28 tỷ USD (tỷ trọng 26.8%).
Bên cạnh những nhóm hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI như Điện thoại & linh kiện; Máy vi tính; Máy móc thiết bị, rất nhiều nhóm hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp nội địa như Sơ xơi; Hàng dệt may, Da giày; Gỗ; Sắt thép; Thủy sản cũng có sự tăng trưởng bất chấp diễn biến dịch bệnh phức tạp trong thời gian vừa qua.
Ngành thủy sản: Chứng khoán Agriseco đánh giá ngành thủy sản đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất vào năm 2019, 2020 và kéo dài tới hết quý 3 vừa rồi bởi làn sóng Covid. Với những tín hiệu tốt từ việc cước vận tải biển hạ nhiệt, kiểm soát tốt dịch bệnh với tỷ lệ tiêm vaccine tăng cao, đặc biệt là khu vực miền Nam, sẽ giúp cho triển vọng xuất khẩu thủy sản trong Q4/2021 và năm 2022 có thể phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ.
Ngành dệt may: Chứng khoán Agriseco cũng đánh giá tích cực triển vọng ngành dệt may trong cuối năm 2021 và đầu 2022, đặc biệt là các doanh nghiệp ở miền Bắc và miền Trung, những khu vực không phải phong tỏa do làn sóng dịch bệnh. Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng và các đơn hàng ra khỏi Trung Quốc cũng sẽ là động lực hỗ trợ ngành dệt may Việt Nam trong trung và dài hạn. Đặc biệt, với nhóm ngành xơ sợi, giá trị xuất khẩu của nhóm này đã tăng 60% trong 10 tháng 2021, được hưởng lợi trực tiếp từ việc giá bông tăng mạnh và chính thức áp thuế chống bán phá giá 5 năm với sợi polyester nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indo, Malay từ ngày 13/10/2021 với mức thuế suất từ 17-54%
Ngành gỗ: Mặc dù có sự sụt giảm trong quý 3 bởi những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid bùng phát tại Việt Nam, lũy kế 9 tháng 2021, xuất khẩu gỗ vẫn tăng mạnh 23% so cùng kỳ. Mỹ là nước nhập khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam và dự kiến tăng mạnh trong thời gian tới khi Việt Nam hiện là lựa chọn hàng đầu cho sự thay thế đồ nội thất Trung Quốc. Điều này được thúc đẩy từ khi Mỹ áp thuế nhập khẩu lên gỗ nội thất ở Trung Quốc kể từ chiến tranh thương mại của 2 nước này.
Ngành thép: Nhu cầu thép xuất khẩu vẫn sẽ duy trì ở mức cao khi các nền kinh tế phục hồi, cùng với đó là nhu cầu nội địa tăng mạnh khi gói kích thích kinh tế được thông qua với trọng tâm là đầu tư công, xây dựng hạ tầng. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kết quả kinh doanh các doanh nghiệp thép trong quý 4/2021 sẽ có sự sụt giảm so với các quý trước đó, bởi diễn biến giá thép đang có chiều xu hướng sụt giảm.
Bình luận