24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Cao Đức Giang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Agriseco gợi ý các cơ hội đầu tư tiềm năng trong tháng 7

Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán Agriseco đã chỉ ra các cơ hội đầu tư tiềm năng trong tháng 7

Trong tháng 7, Agriseco Research đánh giá các yếu tố tác động đến thị trường có thể kể đến như (1) Chính sách lãi suất của FED trong kỳ họp FOMC sắp tới; (2) KQKD bán niên của các doanh nghiệp dần được hé lộ; (3) Tiến độ triển khai đầu tư công; (4) Các chính sách tiền tệ, hỗ trợ các doanh nghiệp đang được triển khai và thẩm thấu như thể nào tới nền kinh tế. Hiện tại, mặt bằng định giá cổ phiếu đang ở vùng P/E khoảng 13,3 lần, là mức tương đối hấp dẫn trong bối cảnh dòng tiền đang có xu hướng dịch chuyển từ kênh tiền gửi quay lại thị trường chứng khoán. Sau khi danh mục tháng 6 của Agriseco Research đạt được tỷ suất vượt trội thị trường, chúng tôi đã tiếp tục nghiên cứu và lựa chọn ra các cổ phiếu có tiềm năng tăng giá tốt trong tháng 7 với cơ cấu tài chính lành mạnh và đang có mức định giá phù hợp

Agriseco gợi ý các cơ hội đầu tư tiềm năng trong tháng 7

C4G - Tập Đoàn Cienco4

C4G trúng được nhiều gói thầu xây lắp quan trọng. C4G đã trúng thầu gần 4.500 tỷ đồng trong năm ngoái và đầu năm nay, bao gồm các gói thầu thuộc dự án Cao tốc Bắc - Nam (đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Bùng - Vạn Ninh, Hậu Giang - Cà Mau,...), gói thầu tại các sân bay như Tân Sơn Nhất, Phú Bài, Cam Ranh,... và các dự án đường giao thông trọng điểm tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Theo chia sẻ của BLĐ, khối lượng công việc hiện tại sẽ đủ cho C4G thực hiện trong 3 năm tới, vì vậy BLĐ cũng không thi công dự án bằng mọi giá. Thêm vào đó, tình hình tài chính đã có sự cải thiện mạnh khi hệ số vay nợ/VCSH đã giảm đáng kể (cuối Q1/2023 chỉ còn 1,4 lần), do đó chúng tôi kỳ vọng C4G sẽ tiếp tục trúng thêm các gói thầu hạ tầng giao thông, sân bay trọng điểm trong tương lai.

Kỳ vọng lợi nhuận bán niên khả quan nhờ hạch toán từ các dự án: Cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, Phan Thiết - Dầu Giây; Sân bay Phú Bài... C4G cũng đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2023 tương đối cao (lần lượt 4.500 tỷ và 330 tỷ, cao hơn +60% yoy và +117% yoy), có thể nhờ kỳ vọng hạch toán doanh thu - lợi nhuận từ việc (1) Chuyển nhượng 2 dự án BĐS: Long Sơn 1B và Long Sơn 3 trong Q2/2023, (2) Thu hồi vốn tại dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới kỳ vọng thu về dòng tiền khả quan. Ngoài yếu tố lợi nhuận một lần kể trên, các hợp đồng thi công năm nay có mức giá trúng thầu tốt hơn rất nhiều so với giai đoạn trước, vì vậy đây cũng là yếu tố giúp đạt mục tiêu doanh thu - lợi nhuận năm 2023.

Thông tin hỗ trợ ngắn hạn: (1) C4G tiếp tục trình kế hoạch chuyển sàn từ UPCOM sang HOSE hoặc HNX (dời từ năm 2022 qua 2023 do chưa lựa được thời điểm thích hợp); (2) Trả cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 6% và phát hành cổ phiếu tăng vốn tỷ lệ 2:1 để thanh toán các khoản công nợ phải trả cho nhà cung cấp dịch vụ, hàng hóa, nhà thầu phụ và Ngân hàng, cũng như bổ sung vốn lưu động nhằm giúp gia tăng tài chính.

HPG - CTCP Tập đoàn Hòa Phát

Sản lượng thép tiêu thụ vẫn ở mức thấp nhưng đã có sự cải thiện: Trong 5 tháng đầu năm 2023, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của HPG đạt 1,37 triệu tấn (giảm khoảng 32% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, riêng trong tháng 5, sản lượng thép xây dựng Hòa Phát đạt 284.000, tăng 33% so với tháng 4/2023, thép cuộn cán nóng ghi nhận 243.000 tấn, cao nhất kể từ đầu năm và tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

HPG bắt đầu mở lại lò cao khi giai đoạn khó khăn nhất đã đi qua: HPG đã mở 1 lò Dung Quất vào Tháng 4, tiếp tục mở thêm 1 lò nữa vào tháng 5 và dự kiến mở lò cao còn lại vào tháng 7 năm nay. Qua đó, sản lượng thép các tháng sắp tới có thể tiếp tục phục hồi.

Nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng có thể dần phục hồi kể từ Q3: Thị trường BDS trong nước được kỳ vọng sẽ dần phục hồi trong nửa sau năm 2023 nhờ Các chính sách hỗ trợ thị trường BDS được ban hành nhằm gỡ nút thắt về vốn và pháp lý. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá mức độ phục hồi sẽ chậm do các chính sách cần thời gian để thấm thấu.

Sản lượng xuất khẩu khả quan: Sản lượng xuất khẩu vẫn đang trên đà phục hồi với sản lượng HRC tháng 5 ghi nhận cao nhất từ đầu năm và tăng 19% so với cũng kỳ. Một số quốc gia đang có dấu hiệu bắt đầu chu kỳ hạ lãi suất qua đó kỳ vọng giúp cải thiện nhu cầu tiêu thụ thép HRC.

HVN - Tổng Công ty Hàng không Việt Nam

Sản lượng khách đi qua các cảng hàng không tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Tính tới tháng 4, sản lượng khách đi qua các cảng hàng không đạt 36,4 triệu lượt. Trong đó lượt khách quốc tế đã hồi phục về mức 80% so với năm 2019. Đáng chú ý, theo GSO, lượng khách Trung Quốc tới Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện, ước tính lũy kế 5T/2023 phục hồi về mức gần 20% so với pre-Covid. Chúng tôi kỳ vọng sản lượng khách quốc tế tới Việt Nam tiếp tục cải thiện thời gian tới, trong bối cảnh hầu hết các quốc gia đang dần mở cửa nền kinh tế.

Giá xăng Jet A1 sụt giảm góp phần đẩy nhanh tiến trình cải thiện lợi nhuận của các doanh nghiệp vận tải hàng không. Trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế xuất hiện, EIA dự báo giá dầu thô sụt giảm từ 5-10% trong các tháng kế tiếp. Thông thường giá dầu thô có mối tương quan cùng chiều với giá xăng Jet A1 - nhiên liệu được sử dụng cho máy bay, do đó chúng tôi kỳ vọng triển vọng lợi nhuận trong tương lai của HVN cũng sẽ có sự cải thiện.

KQKD Quý 1 có sự phục hồi mạnh, doanh thu gấp 2 lần cùng kỳ và tương đương khoảng 90% mức pre-Covid, trong đó doanh thu từ vận tải hàng không gấp 2,24 lần so với Q1/2022. Sự phục hồi về nhu cầu du lịch cũng giúp HVN lần đầu tiên ghi nhận LNTT dương kể từ khi Covid19 bùng phát, đạt 19,3 tỷ đồng. Chúng tôi kỳ vọng sự phục hồi về lượng khách quốc tế, khôi phục các tuyến bay và mở một số tuyến bay mới (sang Ấn Độ, Úc...) sẽ giúp công ty sớm lấy lại lợi nhuận trong thời gian tới.

Rủi ro liên quan tới khả năng hủy niêm yết của HVN khi hiện tại công ty vẫn chưa công bố BCTC kiểm toán năm 2022. Công ty hiện đã ghi nhận lỗ sau thuế chưa kiểm toán trong 3 năm liên tục (2020, 2021, 2022). Với quy định hiện tại của HSX, trong trường hợp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 của HVN ghi nhận lỗ sau thuế, công ty sẽ bị hủy niêm yết trên HSX.

KBC - Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc

Kỳ vọng KQKD Quý 2/2023 tăng trưởng tích cực nhờ doanh số cho thuê khu công nghiệp: Sau khi tăng trưởng tích cực trong Quý I/2023 nhờ ghi nhận doanh thu cho thuê được các dự án Quang Châu mở rộng và Nam Sơn Hạp Lĩnh. Bên cạnh đó, trong quý KBC đã ký Biên bản ghi nhớ khoảng 83ha từ các dự án KCN, trong đó 20ha KCN Tân Phú Trung và 62,7ha KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh. Do đó, Agriseco Research dự báo KQKD Quý II của KBC sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan với doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng, gấp từ 4- 5 lần so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế khoảng 900 tỷ đồng so với mức âm trong năm 2022.

Tiến độ triển khai bán hàng các dự án tích cực: Trong Quý I/2023, khoản người mua trả trước và nhận đặt cọc hơn 2.200 tỷ đồng, tăng gần 200 tỷ so với cuối năm 2022, chủ yếu từ các dự án KCN Quang Châu mở rộng, Nam Sơn Hạp Lĩnh, Tân Phú Trung và KĐT Tràng Duệ và Phúc Ninh. Điều này cho thấy tiến độ bán hàng khả quan trong năm 2023 và kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ tăng trưởng mạnh so với mức nền thấp cùng kỳ. KBC cũng ước tính trong năm 2023 có thể ghi nhận doanh thu và LNST lần lượt là 9.000 tỷ đồng (gấp 9,5 lần svck) và 4.000 tỷ đồng (gấp 2,5 lần svck).

Tình hình tài chính duy trì lành mạnh giúp giảm áp lực nợ vay: Áp lực trả nợ trái phiếu đáo hạn trong Quý II của KBC đã giảm đi đáng kể nhờ dòng thu lớn từ hoạt động cho thuê bất động sản KCN. Cụ thể trong Quý I, KBC đã hoàn tất việc mua lại trước hạn 2.400 tỷ đồng các trái phiếu đến hạn trong năm nay vả cả năm sau. Mặc dù vay nợ có tăng gần 600 tỷ đồng so với đầu năm nhưng các hệ số đòn bẩy tài chính vẫn ở mức an toàn. Tỷ lệ nợ vay vẫn nhỏ so với tổng tài sản và tài sản lưu động. Theo đó, chúng tôi cho rằng KBC sẽ có đủ nguồn lực tài chính để trả nợ trái phiếu đáo hạn. Hiện KBC đang tiến hành mua lại trước hạn các trái phiếu đáo hạn trong năm nay và cả năm sau.

MBB - Ngân hàng TMCP Quân Đội

MBB đặt kế hoạch LNTT năm 2023 là 26.100 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022. Tới 31/3/2023, LNTT MBB đạt 6.512 tỷ đồng, tăng trưởng 10%yoy, bám sát kế hoạch đã đề ra trong bối cảnh toàn ngành tăng trưởng âm.

Kỳ vọng tăng trưởng cho vay tích cực trong 6 tháng cuối năm. Tăng trưởng cho vay cuối Quý I chỉ đạt 4,5% so với đầu năm, đây là mức tăng chậm so với các năm trước do môi trường lãi suất cao khiến nhu cầu vay của người dân và doanh nghiệp thấp. Tuy nhiên mặt bằng lãi suất hiện đã giảm đáng kể, đặc biệt là lãi suất huy động, giúp tạo dư địa cho ngân hàng giảm lãi suất cho vay để tăng trưởng tín dụng. Chúng tôi kỳ vọng MBB với lợi thế nguồn vốn dồi dào và chi phí thấp sẽ tận dụng môi trường lãi suất thuận lợi để tăng trưởng tín dụng tích cực trong thời gian tới.

Kỳ vọng chất lượng tài sản cải thiện: Nợ xấu Quý I tăng lên 1,76% từ mức 1,09% cuối năm 2022. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng từ Quý II chất lượng tài sản của MBB sẽ cải thiện sau khi (1) NHNN ban hành thông tư 02 và 03 giúp tạo điều kiện cho các ngân hàng cơ cấu lại nợ, tháo gỡ một phần khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp (2) Các khoản cho vay, trái phiếu đối với một số khách hàng lớn lĩnh vực BĐS, năng lượng có dấu hiệu tích cực trở lại khi các dự án được tái khởi động.

Định giá ở mức hấp dẫn khi P/B hiện tại của MBB là 1,13 lần, thấp hơn so với trung bình ngành trong khi khả năng sinh lời của MBB nằm trong top đầu ngành với ROE 23%. Đồng thời mức P/B này cũng đang thấp hơn so với trung bình 5 năm (khoảng 1,4 lần).

STK - CTCP Sợi thế kỷ

KQKD có dấu hiệu phục hồi trong Q2.2023: Sau Q1 có KQKD kém khả quan với doanh thu sụt giảm 55,1% yoy và LNST chỉ đạt 1,6 tỷ đồng, STK dự kiến có KQKD Q2 phục hồi tích cực hơn với doanh thu đạt 420 tỷ đồng (tăng 1,5 lần so với Q1) và LNST đạt khoảng 33 tỷ đồng. Điều này nhờ vào lượng đơn hàng trong Q2.2023 đã cải thiện. STK đã nối lại hoạt động của nhà máy Củ Chi từ cuối Q1.2023 giúp khôi phục hoàn toàn công suất sản xuất.

Đà phục hồi rõ nét hơn trong nửa cuối năm 2023: Agriseco Research đánh giá các doanh nghiệp thượng nguồn như STK sẽ phục hồi sớm hơn so với các doanh nghiệp may mặc khác. Cụ thể, chúng tôi cho rằng đà phục hồi của STK sẽ rõ nét hơn kể từ Q3.2023 nhờ (1) Lạm phát tại các thị trường xuất khẩu chính dần hạ nhiệt; (2) Các doanh nghiệp, đối tác lớn cũng tăng tích trữ hàng tồn kho cho mùa cao điểm cuối năm với nhiều dịp lễ lớn. Bước sang năm 2024, Lợi nhuận của STK có thể phục hồi mạnh mẽ nhờ (1) Mức nền thấp của năm 2023; (2) Nhu cầu bị dồn nén và (3) Đóng góp công suất từ nhà máy Unitex

Dự án nhà máy Unitex là động lực tăng trưởng trong dài hạn: Nhà máy Unitex giai đoạn 1 có thể vận hành từ Q1.2024 với 30% công suất tăng thêm so với cùng kỳ. Hiện nay, STK đang có kế hoạch tăng cường nguồn vốn thông qua các khoản vay nước ngoài để tiếp tục hoàn thiện dự án nhà máy Unitex.

VNM - CTCP Sữa Việt Nam

Giá sữa bột đầu vào giảm kỳ vọng sẽ phản ánh vào biên lợi nhuận từ Q3.2023: Theo Global Dairy Trade, hiện giá sữa bột gầy đã giảm trên 40% từ vùng đỉnh 4.600 USD/tấn vào đầu tháng 4 năm 2022. VNM bắt đầu sử dụng nguyên liệu tồn kho chi phí thấp so với cùng kỳ, do đó kỳ vọng biên lợi nhuận gộp sẽ cải thiện đáng kể từ Q3.2023

Thị trường xuất khẩu phục hồi tích cực nhờ các hợp đồng kí mới: Trong Q1.2023, Doanh thu thuần xuất khẩu chấm dứt đà giảm với mức tăng trưởng 7,5% yoy, đạt 1.225 tỷ đồng. Đầu năm 2023, Vinamilk đã ký kết thành công nhiều hợp đồng xuất khẩu lớn với tổng giá trị lên đến 100 triệu USD, chủ yếu phục vụ nhu cầu sữa bột trẻ em tại thị trường Trung Đông sẽ được phân bổ trong H1.2023. Coong ty dự kiến tổng giá trị xuất khẩu năm nay trên 200 triệu USD. Bên cạnh đó, doanh thu thuần các chi nhánh nước ngoài đạt 1.203 tỷ đồng, tiếp tục tăng trưởng hai chữ số 11,3% yoy nhờ sự ổn định của Driftwood tại Mỹ và AngkorMilk tại Campuchia với mức tăng trưởng doanh thu đạt lần lượt là 7% và 11% yoy.

Định giá hấp dẫn: Với mức chiết khấu mạnh trong thời gian vừa qua, định giá của VNM đã về mức hấp dẫn hơn với p/e ~ 18 lần thấp hơn so với trung bình 5 năm gần nhất (p/e~20 lần)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
1,228.10 -0.23 (-0.02%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả