AFC Vietnam Fund: NHNN sẽ tiếp tục hạ lãi suất cho tới cuối quý II/2023
AFC Vietnam Fund đánh giá tác động từ các diễn biến tiêu cực của hệ thống ngân hàng Mỹ và châu Âu tới các nhà băng Việt Nam là rất hạn chế, do vậy thị trường chứng khoán Việt Nam ít bị ảnh hưởng.
Hệ thống ngân hàng ổn định, lãi suất giảm
Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank – cú đổ vỡ lớn nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu và vụ “giải cứu” khẩn cấp Credit Suisse đã thổi bùng làn sóng bán tháo cổ phiếu nhóm ngân hàng tại Mỹ và châu Âu. Đây cũng là lý do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải bơm khoảng 300 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng để hạ nhiệt thị trường.
Thêm vào đó, chính phủ Thuỵ Sỹ cũng cam kết sẽ cung ứng gói hỗ trợ nhằm đảm bảo việc UBS tiếp nhận Credit Suisse diễn ra thành công. Tổng cộng, Thuỵ Sỹ đã bơm thêm 209 tỷ francs, tương đương khoảng ¼ GDP Thuỵ Sỹ vào hệ thống ngân hàng.
Tác động của các diễn biến trên tới hệ thống ngân hàng Việt Nam là rất hạn chế, một phần bởi ít có mối liên hệ đầu tư với các ngân hàng Mỹ và châu Âu. Bên cạnh đó, ngân hàng Việt Nam có nhiều điểm khác biệt với hệ thống ngân hàng Mỹ và châu Âu, khi các nhà băng vẫn đang tập trung vào các nghiệp vụ rất truyền thống như thu hút tiền gửi từ khách hàng và cho vay thông qua cấp tín dụng và thế chấp.
Tuy nhiên, những ồn ào trên mạng xã hội và mối lo ngại có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng tương tự năm 2008 vẫn khiến nhà đầu tư Việt Nam chịu ảnh hưởng, nhất là khi thị trường Việt Nam chủ yếu là nhóm nhà đầu tư cá nhân.
Vào ngày 16/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) bất ngờ hạ lãi suất từ mức 4,5% xuống 3,5% và lãi suất cho vay từ 5% xuống 4% nhằm hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một động thái bất ngờ khác là việc ngày 31/3, NHNN hạ lãi suất tái cấp vốn từ 6% xuống 5,5%. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà băng nhận được khoản vay với lãi suất thấp hơn từ NHNN, tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay doanh nghiệp.
NHNN cho rằng, lạm phát tại Việt Nam đã hạ nhiệt và đặt niềm tin Fed sẽ sớm ngừng nâng lãi suất, giảm áp lực lên VND. Cùng với đó, NHNN bơm hơn 52 nghìn tỷ đồng (2,2 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng. Nhờ vậy, thanh khoản được cải thiện, lãi suất qua đêm giảm từ 8,4% tháng 10/2022 xuống khoảng 1% vào tháng 3/2023.
“Chúng tôi cho rằng, NHNN sẽ tiếp tục hạ lãi suất thêm cho tới cuối quý II/2023”, AFC Vietnam Fund nhận định.
Một điểm tích cực với nền kinh tế Việt Nam là du lịch hồi phục mạnh mẽ. Nhiều khả năng mục tiêu đón 8 triệu du khách quốc tế sẽ sớm đạt được. Theo thống kê của cơ quan thống kê Việt Nam, lượng du khách quốc tế trong quý I/2023 đạt 2,7 triệu người, tương đương 60% mức trước đại dịch (quý I/2019). Sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch có thể là động lực lớn cho tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay.
Việt Nam trên đường trở thành trung tâm sản xuất quan trọng bậc nhất toàn cầu
Trong 2 thập kỷ qua, Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu đối với dòng vốn đầu tư tập trung vào hoạt động sản xuất nhờ những lợi thế về vị trí địa lý, lực lượng lao động và chi phí cạnh tranh. So với các quốc gia Đông Nam Á khác, Việt Nam nổi bật với các cảng hàng không quốc tế, cảng biển và hệ thống đường sắt, đường bộ…
Việt Nam ngày càng thành công trong thu hút vốn đầu tư quốc tế, nhất là các tập đoàn công nghệ cao như Samsung, LG Electronics, Apple… Theo Ngân hàng Thế giới (WB), lĩnh vực sản xuất đóng góp gần 25% GDP của Việt Nam năm 2021, tăng so với mức khoảng 17% năm 2010. Xu hướng gia tăng tỷ trọng này được đánh giá sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.
Một ấn tượng khác của AFC Vietnam Fund là việc theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, xếp hạng của Việt Nam đã cải thiện từ vị trí 104 năm 2020 lên 77 vào cuối năm 2022, vượt các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan. Đây là cải thiện quan trọng sau vài năm thực thi chiến lược chống tham nhũng và sẽ tạo nền tảng cho thành công của Việt Nam trong dài hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận