ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng mạnh
Nền kinh tế Việt Nam được dự báo duy trì tăng trưởng mạnh trong năm 2019 và năm 2020 ở mức tương ứng là 6,8% và 6,7%, sau khi đã bứt phá mạnh với mức 7,1% trong năm 2018.
Quang cảnh lễ công bố. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Đây là nhận định của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong bản Cập nhật báo cáo triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2019 được công bố tại họp báo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam ngày 25/9, tại Hà Nội.
Phát biểu tại họp báo, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam Eric Sidgwick nhấn mạnh: “Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu bị chững lại do xung đột thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc kéo theo sự sụt giảm của thương mại toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh nhờ cầu nội địa tiếp tục gia tăng và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được duy trì. Triển vọng về tiêu dùng trong nước tiếp tục sáng sủa, được hỗ trợ bởi sự gia tăng thu nhập, mở rộng việc làm và lạm phát duy trì ở mức thấp”.
Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á Cơ quan thường trú tại Việt Nam Nguyễn Minh Cường cho biết, lạm phát được dự báo sẽ giảm trong năm 2019 và dự báo cho năm 2020 cũng được điều chỉnh xuống.
Thặng dư tài khoản vãng lai được dự báo sẽ thu hẹp trong cả hai năm ở mức cao hơn so với dự báo hồi tháng 4/2019. Mặc dù hoạt động xuất khẩu tăng trưởng chậm lại, nền kinh tế nhìn chung sẽ vẫn duy trì tăng trưởng lành mạnh nhờ nhu cầu nội địa cao và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được duy trì ổn định.
Trong báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2019, Ngân hàng Phát triển châu Á lưu ý, mặc dù tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội có chậm lại trong nửa đầu năm 2019, song Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng vững vàng trong năm 2019 và năm 2020, bất chấp môi trường bên ngoài suy yếu. Các dự báo lạm phát được điều chỉnh giảm từ 3,5% xuống còn 3,0% trong năm 2019 và từ 3,8% xuống còn 3,5% cho năm 2020.
Việc ký kết hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu gần đây và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương hứa hẹn sẽ mở ra khả năng tiếp cận thị trường cho các hoạt động thương mại và đầu tư lớn hơn. Sửa đổi gần đây trong Luật Đầu tư công sẽ giúp cải thiện hoạt động đầu tư công bằng cách đẩy nhanh các quy trình, đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện để giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn.
Trong khi Ngân hàng Phát triển châu Á giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho Việt Nam trong năm 2019 và năm 2020, báo cáo cũng nêu lên những rủi ro đáng kể đối với dự báo tăng trưởng kinh tế. Căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc và sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu có thể khiến thương mại toàn cầu sụt giảm, gây tác động tiêu cực tới hoạt động thương mại và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến việc Tổng cục Thống kê Việt Nam đánh giá lại GDP với mức tăng khá lớn, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam Eric Sidgwick cho rằng, chỉnh sửa lại gần đây của Tổng cục Thống kê chưa phải là báo cáo được phê chuẩn một cách chính thức. Họ chỉ mới đề xuất, con số 25,4% GDP chênh lệch là rất lớn. Theo ông Eric Sidgwick, việc điều chỉnh này là GDP danh nghĩa, rõ ràng tất cả tỷ lệ được tính toán sẽ bị ảnh hưởng, một số sẽ tốt hơn, một số sẽ tệ hơn.
Việc điều chỉnh GDP không phải là sự thay đổi về nợ danh nghĩa hay doanh thu… Đây là chuyện bình thường khi có điều chỉnh đối với GDP, các nước khác đều có điều chỉnh, có thể không phải khoảng lớn như vậy. Một số nước có điều chỉnh GDP lớn như thế, thay đổi về mặt cấu trúc diễn ra, điều đó không có gì là đáng ngạc nhiên…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận