ACBS: Định giá P/B 1,5 lần, cơ hội với cổ phiếu ngân hàng
Mức định giá hiện khá hấp dẫn, cổ phiếu ngành ngân hàng là cơ hội đầu tư dài hạn, còn ngắn hạn có thể tận dụng được những đợt thị trường điều chỉnh để tích lũy cổ phiếu ngân hàng.
Theo thống kê mới đây của ACBS, trong quý IV/2022, tổng lợi nhuận trước thuế của 17 ngân hàng niêm yết trong chỉ số VN-Index tăng trưởng 17,1% so với cùng kỳ, nhưng giảm 11,7% so với quý trước. Tính chung cả năm 2022, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng trong VN-Index tăng trưởng 34,6% so với năm 2021.
ACBS dự báo, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ chậm lại trong năm 2023. Trong đó, các hoạt động thanh toán và bancassurance dự báo vẫn tăng trưởng ổn định trong năm 2023. Tuy nhiên, các hoạt động ngoài lãi khác sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn chung từ thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.
Trong khi đó, chi phí dự phòng chịu áp lực trong năm 2023 đến từ nợ xấu phát sinh gia tăng do rủi ro của nền kinh tế tăng lên. Bộ đệm dự phòng mặc dù vẫn còn khá dày, nhưng đã mỏng đi sau quý IV/2022 vừa qua do các ngân hàng sử dụng quỹ dự phòng để xóa sổ nợ xấu.
Thu nhập từ hoạt động tín dụng là điểm sáng duy nhất mà ACBS đánh giá trong năm 2023. Nhu cầu tín dụng của nền kinh tế vẫn khá tốt giúp các ngân hàng duy trì tăng trưởng tín dụng hợp lý và NIM được giữ ổn định.
“Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận năm 2023 của ngành ngân hàng tăng trưởng 10%, chậm lại so với mức tăng 34,6% của năm 2022. Tuy nhiên, mức tăng trưởng sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng. Các ngân hàng có thanh khoản dồi dào và đặc biệt là khả năng quản trị rủi ro tín dụng tốt sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn”, ACBS nhấn mạnh.
Tính đến cuối năm 2022, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng 14,2%, cao hơn so với tăng trưởng huy động khoảng 7%. Huy động toàn hệ thống đã bắt đầu cải thiện từ tháng 11/2022, sau khi huy động trên thị trường dân cư đã tăng lên mức hấp dẫn.
Trên thị trường liên ngân hàng, thanh khoản bắt đầu dư thừa và Ngân hàng Nhà nước đã phải hút bớt tiền thông qua kênh thị trường mở để tạo chênh lệch giữa lãi suất VND và USD để bảo vệ tỷ giá.
ACBS kỳ vọng, thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ cải thiện trong năm 2023 nhờ dòng vốn quốc tế quay trở lại hệ thống ngân hàng Việt Nam. Mặc dù lãi suất huy động và lãi suất cho vay đồng VND đã giảm khoảng 0,3 - 0,5% kể từ đầu năm, nhưng vẫn đang ở mức tương đối hấp dẫn so với đồng USD. Áp lực tỷ giá cũng giảm bớt khi xu hướng đầu cơ USD không còn lớn và đồng USD được dự báo sẽ không tăng quá mạnh như trong năm 2022.
Nhóm phân tích cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ ở mức tương đối thắt chặt trong năm 2023, nhưng sẽ thông qua công cụ lãi suất thay vì hạn chế room tín dụng như năm ngoái. Do đó, tăng trưởng tín dụng năm 2023 dự báo đạt 13 - 14%, thấp hơn so với mức tăng 14,2% của năm 2022.
Khuyến nghị đầu tư cổ phiếu ngân hàng
Tại ngày 7/3, ngành ngân hàng được giao dịch ở mức P/E là 8,1 lần và P/B là 1,5 lần, thấp hơn lần lượt 32,1% và 16,4% so với mức trung bình lịch sử 10 năm.
Mặc dù triển vọng lợi nhuận năm 2023 không quá tích cực và giá cổ phiếu ngành ngân hàng đã phục hồi 24% từ vùng đáy giữa tháng 11/2022, tuy nhiên, với mức định giá hiện vẫn còn khá hấp dẫn, cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn là cơ hội đầu tư phù hợp cho các nhà đầu tư dài hạn. Các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng được những đợt thị trường điều chỉnh để tích lũy cổ phiếu ngân hàng.
Các thay đổi về chính sách theo hướng tích cực hơn là những chất xúc tác cho giá cổ phiếu ngành ngân hàng hồi phục. Cụ thể là việc Chính phủ tháo gỡ vướng mắc pháp lý dự án của các doanh nghiệp bất động sản và sửa đổi Nghị định 65/2022 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo hướng thắt chặt hơn.
Bên cạnh đó, tình hình vĩ mô quốc tế diễn biến theo chiều hướng khả quan hơn trong năm 2023, cụ thể là lạm phát được kiểm soát cũng sẽ giúp các ngân hàng trung ương trên thế giới và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ và hỗ trợ tích cực cho giá cổ phiếu ngành ngân hàng.
Ở chiều ngược lại, ACBS lưu ý rủi ro giảm giá ngành ngân hàng trong ngắn hạn bởi tình trạng dòng vốn tắc nghẽn bị kéo dài gây ra cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản và làm nợ xấu tăng cao đột biến. Ngoài ra, lạm phát ở Mỹ duy trì ở mức cao khiến Fed phải tăng lãi suất lên mức cao và gây áp lực lên thanh khoản hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận